Việc mua 2 chiến hạm lớp Sigma đánh dấu sự kiện quan trọng là lần đầu tiên Việt Nam mua sắm vũ khí, trang bị chủ lực của một nước châu Âu.
Việt Nam đặt mua Sigma của “đối tác truyền thống” Damen
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) vừa công bố, Hải quân Việt Nam đã chính thức ký hợp đồng mua 2 chiến hạm lớp Sigma của Hà Lan, một chiếc được đóng tại Hà Lan và chiếc còn lại sẽ được đóng tại Việt Nam theo giấy phép chuyển giao công nghệ của Tập đoàn Damen.
Trong bản hợp đồng mua bán tàu hộ tống (tàu hộ vệ hạng nhẹ) Sigma 9814, có trị giá khoảng 600 triệu USD với Việt Nam, Tập đoàn Damen đảm nhận vai trò là nhà thầu chính, phụ trách việc đóng tàu có thể sẽ là xưởng đóng tàu Gorinchem của Tập đoàn này.
Tập đoàn Damen đã có lịch sử gần 20 năm hợp tác đóng tàu ở các quốc gia Đông Nam Á, công ty này đã xây dựng được 5 nhà máy đóng và sửa chữa tàu, trong đó có 01 nhà máy đóng tàu lớn đặt ở Hải Phòng của Việt Nam.
Damen có quan hệ hợp tác với các nhà máy đóng tàu Việt Nam từ năm 1994 tới nay. Hiện đã có gần 100 tàu do Việt Nam - Hà Lan hợp tác đóng và đang được sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Đặc biệt, kết quả hợp tác giữa Damen với các đối tác Việt Nam trong việc cung cấp thiết kế, chuyển giao công nghệ và vật tư đã góp phần đáp ứng các nhu cầu dân sự và an ninh của Việt Nam như tàu kéo, tàu đo đạc biển, tàu đa năng ứng phó sự cố tràn dầu...
Trong những năm qua, Damen cũng đã tài trợ nhiều học bổng cho sinh viên trường Đại học Hàng hải Việt Nam, giúp đào tạo nguồn nhân lực kỹ sư thiết kế và đóng tàu cho Việt Nam.
SIPRI bình luận, từ trước đến nay, lập trường nhất quán của Việt Nam là chuyên mua sắm các vũ khí tác chiến chủ chốt của Liên Xô/Nga. Đây là lần đầu tiên Việt Nam mua một loại vũ khí, trang bị chủ lực từ các quốc gia phương Tây, mở ra xu hướng đa phương hóa trong hợp tác quân sự Việt Nam.
Chiến hạm Sigma do Viện nghiên cứu biển của Hà Lan (MARIN) và hãng đóng tàu Damen hợp tác chế tạo. |
Việc mua 2 tàu hộ tống tàng hình lớp SIGMA 9814 của Hà Lan được đánh giá là phù hợp với chương trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Việt Nam, tăng thêm sức mạnh cho hải quân nhân dân Việt Nam, trong bối cảnh căng thẳng trong tranh chấp biển Đông đang ngày càng gia tăng.
Tìm hiểu thiết kế chiến hạm Sigma
Việc Việt Nam mua chiến hạm kèm vũ khí, khí tài hiện đại của phương Tây, đánh dấu bước ngoặt lớn trong quá trình “đi tắt, đón đầu”, ưu tiên hiện đại hóa lực lượng Hải quân, báo hiệu trong tương lai Việt Nam có thể tiếp cận những lớp tàu lớn hơn, được trang bị vũ khí tiên tiến của Mỹ hoặc châu Âu.
SIGMA là một loại tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ, do Viện nghiên cứu biển của Hà Lan (MARIN) và hãng đóng tàu Damen hợp tác chế tạo.
Tuy nhiên, nó không phải là tên của một lớp tàu mà là chữ viết tắt của cụm từ Ship Integrated Geometrical Modularity Approach (Phương pháp đóng tàu modul tích hợp), tức là tàu có thể được ráp lại từ nhiều modul đóng rời nhau.
Thiết kế đóng tàu kiểu modul cho phép nhà sản xuất có thể dễ dàng điều chỉnh thiết kế theo ý muốn, việc thêm, bớt 1 vài modul sẽ tạo ra những kiểu tàu khác nhau.
Chính vì vậy, Damen có thể căn cứ vào yêu cầu đặt mua của khách hàng để cho ra đời nhiều loại tàu tuần tiễu hoặc hộ vệ hạng nhẹ, hạng trung có chiều dài từ 52 đến 105 mét và có lượng giãn nước từ 400 đến 2400 tấn.
Quy cách đặt tên tàu của nhà sản xuất là tên chủng loại tàu + 4 số sau. Lấy ví dụ như loại PATROL 9113 của hải quân Indonesia (khách hàng đầu tiên ở Đông Nam Á của Damen). Từ PATROL có nghĩa là “tàu hộ vệ” (phân biệt với RAPROL là tàu tuần tiễu), 4 số 9113 có nghĩa là tàu có chiều dài 93m, rộng 13m.
Như vậy, tàu hộ vệ mà Việt Nam đặt mua thuộc loại PATROL 9814, là tàu hộ vệ hạng nhẹ có chiều dài 98m và rộng 14m, lượng giãn nước 1950 tấn, với số lượng thủy thủ gần 90 người.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Tập đoàn Damen ngày 02/04/2011 |
SIGMA được lắp đặt 2 động cơ Diezen công suất 23.000hp, hệ thống động lực CODAD giúp tàu đạt vận tốc tối đa 27,5 hải lý/h, vận tốc tuần hành 14 hải lý/h cho phép nó hành trình xa tới gần 5000 hải lý và 4000 hải lý với vận tốc 18 hải lý/h.
Tàu được thiết kế tàng hình tối ưu với tầng thượng rất thấp, các góc vát làm giảm diện tích phản xạ radar, hệ thống máy chính thiết kế giảm rung chấn và tiếng ồn triệt để. Ngoài ra nó còn có 1 sàn đỗ trực thăng nhưng không có nhà kho máy bay.
Vũ khí, trang bị hiện đại kiểu châu Âu
Vũ khí, trang bị cơ bản của các chiến hạm SIGMA kiểu PATROL chủ yếu sẽ do hãng Thales và Tập đoàn MBDA (Pháp) cung cấp, bao gồm 2 cụm 4 ống phóng tên lửa chống hạm dòng Exocet MM-40; hệ thống phóng thẳng đứng Silva-54 với 12 ống phóng tên lửa phòng không VL-Mica-M có tầm phóng trên 10km.
Theo tin của Tạp chí Jane’s Defence Weekly, 2 tàu Sigma của Việt Nam sẽ được trang bị tên lửa chống hạm phiên bản mới nhất Exocet MM40 Block3. Hiện nay, Exocet MM40 Block3 được đánh giá là một tên lửa hạm đối hạm hiện đại bậc nhất của Hải quân Pháp và cả châu Âu.
Tên lửa hạm đối hạm MM40 Block3 là phiên bản tên lửa chống hạm mới nhất của dòng tên lửa Exocet, do tập đoàn MBDA tại Pháp phát triển. Nó được nghiên cứu, chế tạo dựa trên cơ sở tên lửa MM40 Block 2.
Tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ Sigma có thiết kế tàng hình và đóng theo kiểu Modul |
Hiện thế hệ tên lửa này đang được phục vụ trong hải quân của nhiều quốc gia như: UAE, Qatar, Oman và Morocco… Ngoài ra Malaysia cũng sẽ trang bị loại tên lửa này cho các tàu hộ tống lớp Gowind mua của Pháp.
MM40 Block3 có tầm bắn tối đa 180km, tốc độ cận âm 0,9Mach, được thiết kế để tiêu diệt các tàu chiến mặt nước cũng như các mục tiêu ven biển. Điểm đặc biệt của tên lửa Exocet Block3 là có khả năng dẫn đường bằng vệ tinh cũng như khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất.
Trong giai đoạn dẫn đường cuối, tên lửa sử dụng một đầu tự dẫn radar chủ động băng J, tự động tìm kiếm và cập nhật liên tục các thông số về mục tiêu để phân biệt giữa các mục tiêu trên biển và mục tiêu ở căn cứ ven biển, dưới sự hướng dẫn của hệ thống định vị vệ tinh GPS, sau đó mới lựa chọn phương án tấn công mục tiêu trên biển hay trên đất liền.
Tên lửa Exocet Block3 có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng vệ của đối phương nhờ quỹ đạo bay phức tạp, độ cao bay thấp so với mực nước biển, cũng như áp dụng các biện pháp chống nhiễu mới.
Việc hải quân Pháp thử thành công phiên bản mới nhất này ngay từ tháng 11-2013 trên tàu khu trục Fobin - lớp Horizon cho thấy sự tin cậy và hiệu quả của loại tên lửa được cho là sẽ được trang bị trên các chiến hạm tương lai của Việt Nam.
Ngoài ra, tàu sẽ có 2 giá, mỗi giá 4 ống phóng tên lửa phòng không tầm gần Mistral; 2 cụm 3 ống phóng 324mm ngư lôi chống ngầm B-515, 2 khẩu súng máy 20mm, pháo hạm bắn nhanh Oto Melara 76mm, có tốc độ bắn rất cao phù hợp cho tác chiến phòng thủ điểm chống tên lửa tầm ngắn, chống máy bay, tàu mặt nước.
So sánh các tham số kỹ thuật của các phiên bản tên lửa Exocet |
Ngoài ra, tàu còn có sàn đáp cho trực thăng chống ngầm (tuy nhiên không có nhà chứa máy bay), cùng với hệ thống tầu cao tốc phục vụ nhiệm vụ trinh sát...
Tàu được trang bị các hệ thống tìm kiếm/đo đạc bao gồm radar đối không/hải MW08, radar mảng pha điện tử đối không SMART-S MK2, radar điều khiển hỏa lực LIROD MK2 và sonar chủ/bị động trung tần.
Ngoài ra, tàu còn được trang bị hệ thống chỉ huy kiểm soát TACTICOS và hệ thống truyền số liệu chiến thuật LINK-Y MK2; hệ thống trinh sát chi viện điện tử cùng với các ống phóng tên lửa nhử mồi và tên lửa gây nhiễu tên lửa địch.
Khó khăn khi kết hợp Sigma với chiến hạm kiểu Nga
Xét về tổng thể, tàu hộ vệ SIGMA hiện đại hơn và uy lực hơn chiến hạm Gepard 3.9 trong biên chế của hải quân Việt Nam, tuy nhiên, nó cũng không quá vượt trội loại tàu hộ vệ của Nga nếu Gepard được trang bị tên lửa chống hạm Kh-35UE có tầm bắn xa hơn là 260km.
Hơn nữa, các hệ thống vũ khí; chỉ huy, kiểm soát; điều khiển hỏa lực; tác chiến điện tử; thông tin liên lạc… của SIGMA đều là sản phẩm của hãng Thales và MBDA của Pháp.
Điều này sẽ gây nhiều khó khăn trong hiệp đồng, chia sẻ thông tin tác chiến đối với đại đa số các tàu chiến mua của Nga.
Tuy điều khoản mở của Damen cho phép khách hàng được tùy chọn một số vũ khí và các hệ thống trên tàu, nhưng việc tích hợp các loại vũ khí hoặc hệ thống tác chiến với các tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau trên cùng một con tàu không phải là điều đơn giản.
Đây là vấn đề cần phải suy xét kỹ lưỡng để phát huy được sức mạnh tổng lực của các loại tàu chiến trong tổng thể vũ khí, trang bị hải quân.
Thiên Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét