Như đã nói ở bài trước, Israel có mối quan hệ hợp tác quân sự với nhiều nước trên thế giới, vậy đó là những nước nào?
>>Xem phần trước: Vì sao Việt Nam chọn Israel làm đối tác quân sự? |
1.Ấn Độ và Israel: thực trạng và triển vọng hợp tác hợp tác quân sự
Ấn Độ là nước có xung đột thường xuyên với láng giềng Pakistan được Trung Quốc hậu thuẫn – và là một trong những nước nhập khẩu vũ khí Israel hàng đầu. Năm 2011 , Không quân Ấn Độ đã mua các UAV “ Nagor” của TAA.
Đây là một hệ thống tác chiến độc đáo , có thể đồng thời thực hiện chức năng của một UAV trinh sát và chức năng của một tên lửa có cánh. Khi phát hiện mục tiêu, “Nagor” sẽ "biến thành" tên lửa có cánh và tấn công tiêu diệt.
Trong biên chế của Quân đội Ấn Độ còn có “các tên lửa treo” “Nagru” để phá hủy các hệ thống radar của đối phương tiềm năng.
Cũng trong năm 2011, theo tin từ Defense News, Ấn Độ đã mua các tên lửa chống tên lửa “Spike” của Tập đoàn “Raphael” tổng trị giá 1 tỷ đô la. Ngoài “Raphael“, tham gia cuộc đấu thầu này còn có “General Dynamics” và “Raytheon của Mỹ”, MBDA của Châu Âu và “Rosoboronexport” của Nga nhưng vào phút chót các hãng trên đã bỏ cuộc vì những đòi hỏi quá khắt khe của người Ấn .
Tên lửa “Spike” được đặt trên các phương tiện vận tải mặt đất, trên các tàu hải quân và máy bay lên thẳng, được lắp đầu đạn đôi và hệ thống tự dẫn có độ chính xác cáo , có cự ly bắn tầm gần và tầm trung .
UAV “Nagor” .Ảnh : afrid-fransisco.com |
Năm 2012, Hải quân Ấn Độ đã thành lập các đơn vị UAV “Heron” và “Searcher Mk II” tại các căn cứ của Hải quân nước này ở khu Ramanathapuram tại Bang Tamil Nadu phía nam Ấn Độ nhằm kiểm soát biên giới với Bangladesh (có mối quan hệ cũng không đơn giản với Ấn Độ) .
Hai đơn vị UAV khác hoạt động ở phía Tây Nam Ấn Độ ( Bang Kerala và Bang Gujarat , 01 đơn vị gồm một trăm UAV Searcher-I kiểm soát biên giới phía Đông và phía Bắc Ấn Độ .
Trong năm 2014, Delhi đã ký một hợp đồng với TAA trị giá 01 tỷ đô la để hiện đại hóa 150 UAV “Heron” và “Searcher” mà Ấn Độ mua của Israel từ cuối thế kỷ trước .
Năm 2013, tờ “Times of India” đưa tin là một trong các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Israel đã ký với Ấn Độ một hợp đồng lắp đặt các trang thiết bị vô tuyến điện tử trên các thủy phi cơ tìm kiếm-cứu nạn ShinMaywa US-2 do Nhật Bản sản xuất .
Các phân đội đặc nhiệm Quân đội Ấn Độ được trang bị súng “Tavor”. Hiện nay, Israel là đối tác xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai của Ấn Độ, sau Nga.
Tuy nhiên,trong tương lai gần sự “ấm lên” trong mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc (đối thủ tiềm năng và nguy hiểm nhất của Ấn Độ) trong thời gian gần đây có thể sẽ buộc Ấn Độ phải tăng cường hợp tác quân sự với Israel .
Thêm một nhân tố rất quan trọng nữa là thủ tướng mới của Ấn Độ N.Mody – là một nhân vật có cảm tình và công khai ủng hộ Israel ,- ông cho rằng Ấn Độ cần phải tích cực hơn trong việc ứng dụng những thành tựu quân sự và dân sự của Israel .
2. Hàn Quốc
Quốc gia xếp thứ hai trong danh sách các nước mua nhiều vũ khí của Israel là Hàn Quốc. Chúng ta đã đề cập đến tổ hợp tên lửa cơ động Spike NLOS ngay ở phần đầu của loạt bài viết này.
Tuy nhiên, đấy chỉ là một phần rất nhỏ trong hợp tác quân sự giữa hai quốc gia. Hãng “Elisra” (Chi nhánh của “Elbit Systems”) đã bán cho Hàn Quốc các hệ thống cảnh báo (phóng) tên lửa và các tổ hợp trang thiết bị vô tuyến điện tử trên máy bay.
Các trang thiết bị của “Elisra” đảm bảo cho các máy bay vô hiệu hóa các tên lửa tầm nhiệt hoặc dẫn đường bằng radar khi bị tấn công.
Trong trang bị của Quân đội Hàn Quốc còn có các hệ thống radar “Green Pine” của Hãng “Elta” và các radar kiểu T-50 (F/A-50).
Các phương tiện thông tin đại chúng mới đây cho biết là Hàn Quốc đã lên kế hoạch mua các tên lửa đánh chặn “David’s Sling” của Tập đoàn “Raphael”, hệ thống phòng thủ chống tên lửa “Vòm sắt” và các radar của Israel .
Năm 2011, Tập đoàn “Elbit Systems” ký một hợp đồng với Seoul trị giá 29 triệu đô la với nội dung tập đoàn này cung cấp cho Hàn Quốc hệ thống cảnh báo (phóng) tên lửa và các tổ hợp trang thiết bị hàng không cho Không quân Hàn Quốc.
3. Với Nga và Gruzia : buộc phải đi trên dây nhưng vẫn thu lợi
(Mấy lời nói trước : Liên Xô và Mỹ là hai nước ủng hộ nhiệt thành nhất việc thành lập nhà nước Do Thái ( tất nhiên là với các tính toán khác nhau). Chính nhờ những nỗ lực của hai nước này mà ngày 25/11/1947, Đại hội đồng LHQ đã ra nghị quyết chia Palestine thành hai khu vực, thành lập nhà nước Do thái và nhà nước Arập.
Cũng phải nói thêm, Israel là một nước “có trước có sau ” - khi V.Stalin mất, Israel đã tổ chức quốc tang mặc dù lúc đó hai nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao).
Tháng 8/2008, Israel bị cuốn vào cuộc xung đột Nga- Gruzia tại Nam Oxetia và bị đặt vào một tình huống rất tế nhị, theo diễn đạt của tờ “The Jerusalem Post” thì đó là tình huống : “buộc phải đi trên dây”.
Theo các phương tiện thông tin Israel, các chuyên gia quân sự Israel, trong đó có thiếu tướng Israel Ziv và tướng Gal Girsh đã huấn luyện các đơn vị bộ binh Gruzia, còn các quân nhân Gruzia sử dụng các UAV, thiết bị nhìn đêm và các khí tài khác của Israel.
Trong số những người tham gia tổ chức việc cung cấp vũ khí cho Gruzia có cựu thị trưởng Tel- Aviv Roni Milo, thay mặt “ Elbit Systems” và em trai ông này là Shlomo, nguyên là Tổng giám đốc TAAC .
Gruzia mua của Israel hơn 20 UAV, hệ thống tên lửa bắn dàn “Lynx”, súng trường “Tavor”, còn các chuyên gia hàng không Israel tham gia hiện đại hóa các máy bay dòng Su có trong trang bị của Không quân Gruzia .
Một số báo khác cũng khẳng định là chỉ riêng “ Elbit Systems” đã bán cho Gruzia khối lượng vũ khí trị giá 100 triệu đô la. Đã có dự định cung cấp cho Gruzia 200 xe tăng “Merkava”, nhưng quyết định này đã được rút lại vào phút cuối.
Theo “Haarets” (báo Israel) thì sau khi xung đột (Nga- Gruzia) xảy ra, Bộ Ngoại giao Israel đề nghị dừng ngay việc cung cấp vũ khí cho Gruzia để không khiêu khích Nga – nhưng với điều kiện là về phần mình Moscow phải chấm dứt việc cung cấp vũ khí cho Syria (trong đó có tổ hợp tên lửa phòng không S-125 “Nheva”, và cũng phải dừng việc cung cấp cho Iran hệ thống phòng không S-300. Có lẽ có phần sự thật trong khẳng định này.
Ngày 19/8/2008, Phó Tổng tham mưu trưởng LLVT Nga thượng tướng A.Nogovitsyn cho biết là Israel đã cung cấp cho Gruzia 08 kiểu UAV, mìn chống bộ binh cũng như cử chuyên gia huấn luyện cho đặc nhiệm Gruzia.
Cũng theo A.Nogovitsyn thì Israel đã lên kế hoạch cung cấp cho Gruzia vũ khí hạng nặng, thiết bị điện tử quân sự và xe tăng, nhưng dự định trên không thực hiện được vì sức ép từ Kremlin (súng máy “Negev chiến lợi phẩm” thu được của Quân đội Geuzia đã được trưng bày tại Bảo tàng các lực lượng vũ trang Nga).
Rất có thể là một thỏa thuận ngầm nào đấy đã đạt được và cuộc khủng hoảng đã không ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ song phương với Moscow.
Ngày 28/8/2008, trong bài trả lời phỏng vấn tờ “The Jerusalem Post”, Đại biện lâm thời Nga tại Tel-Aviv A.Iurkov có tuyên bố là: “Moscow” đánh giá cao thái độ cân bằng và kiềm chế của Israel”.
Ông này cũng cảm ơn Israel đã không cung cấp vũ khí tấn công cho “khu vực xảy ra xung đột”. Tel-Aviv tuy không lên án tuyên bố của Tổng thống Nga D.Medvedev công nhận độc lập của Nam Oxetia và Abkhazia như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, nhưng cũng không công nhận độc lập của Nam Oxetia. (hiện nay, Israel cũng có một thái độ tương tự đối với cuộc khủng hoảng ở Ucraine).
A.Iurkov cũng nói thêm là Nga không muốn bán vũ khí tấn công cho các nước Arập cũng như không muốn thấy một nước Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Có lẽ đây là sự thừa nhận gián tiếp là Moscow đã cân nhắc tới những đề nghị của Israel như đã nói ở trên.
Một bằng chứng gián tiếp khác khẳng định là đã có một thỏa thuận ngầm giữa Moscow và Tel-Aviv là lời than phiền của đại sứ Gruzia tại Tel-Aiv về “những phản ứng uể oải của Israel trước cuộc xung đột”.
Hiệu quả của việc cung cấp vũ khí của Israel cho Gruzia đến đâu thì đây vẫn là một câu hỏi. Có thông tin cho rằng đã có 03 UAV Israel bị quân Nga bắn hạ; còn tổng thống Gruzia lúc ấy khẳng định là vũ khí Israel đã phá hủy 50 tăng, bắn rơi 19 máy bay chiến đấu và 02 máy bay lên thẳng của Nga .
Bộ trưởng Gruzia Temura Iakobashvili tuyên bố : “Nhờ các bài học từ người Israel, một đơn vị nhỏ của chúng ta đã có thể tiêu diệt cả một tiểu đoàn quân Nga”. Không ai khẳng định tính xác thực của những tuyên bố này đến đâu .
Cho đến nay vẫn có nhiều thông tin về việc Israel vẫn tiếp tục hợp tác quân sự với Tbilixi. Ngày 04/3/2009 , tổng thống Nam Oxetia cho biết là Israel lại cung cấp vũ khí cho Gruzia.
Về phần mình, các phương tiện thông tin đại chúng Israel cũng cho biết là Bộ quốc phòng nước này đã quyết định tiếp tục “ hợp tác quân sự hạn chế “ với Tbilixi. Ngày 05/11/2009, Chủ nhiệm GRU (Tổng cục tình báo quân sự - Bộ Tổng tham mưu LLVT Liên Bang Nga ) trung tướng A. Shliakhturov tuyên bố là Gruzia tiếp tục mua vũ khí từ các nước NATO, Israel và Ucraine.
Tháng 2/2010, trên các phương tiện thông tin đại chúng Nga có tin :Israel cung cấp một lô vũ khí bộ binh lớn cho Gruzia (gồm 50.000 súng AK, 1.000 súng phóng lựu RPG-7, 20.000 quả đạn 40 mm cho RPG-7 và gần 15.000 súng M-16 hoặc “Galil”. Có nhà phân tích cho rằng đây là phản ứng của Israel trước việc Moscow đã đón tiếp nồng hậu thủ lĩnh HAMAS Kh.Mashal .
Mặc dù vậy, các cuộc tiếp xúc của giới quân sự giữa Nga và Israel vẫn tiếp tục và hợp tác được mở rộng.
Năm 2012, nhà máy hàng không dân sự Ural đã cho xuất xưởng các UAV theo công nghệ của TAA và tháng 6/2012, phó thủ tướng D.Rogozin (phụ trách mảng công nghiệp quốc phòng) khi trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình “Rossia-24” đã tuyên bố là Moscow và Tel-Aviv đang xem xét khả năng cùng chế tạo UAV để bán cho nước thứ ba.
Cũng trong tháng 6/2012, tờ “Defense Update” của Israel đưa tin về kế hoạch của Nga mua một lô UAV Orbiter của Israel tổng trị giá 50 triệu đô la.
UAV “Orbiter” có các phiên bản là “Orbiter I”, “Orbiter II” và “Orbiter III”. Tất cả chúng đều có thể bay trinh sát trong cự ly đến 100 km trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào và bất kể ngày đêm. TAA cũng đã bán cho Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga UAV “Aerostar” ( không rõ số lượng bao nhiêu).
Cũng có thông tin là về phía mình, Israel quan tâm đến việc hợp tác với Nga chế tạo máy bay lên thẳng không người lái .
Tăng “Merkava-4” .Ảnh : military-today.com |
4.Với Azerbaizan: Giữa đe và búa
Mối quan hệ hợp tác quân sự giữa Israel và Azerbaizan cũng khá phức tạp- không kém gì mối quan hệ giữa Israel với Nga và Gruzia.
Bacu (Azerbaizan) rất quan tâm đến công nghệ quân sự tiên tiến của Israel (Phương Tây không cung cấp vũ khí cho các nước đang có xung đột với các nước khác – Azerbaizan đang có tranh chấp lãnh thổ với Armenia ở khu Nagornyi Karabakh) nhưng cũng không muốn công khai các hợp đồng quân sự.
Israel cũng vậy, nước này không muốn đặt đối tác của mình (Azerbaizan) vào tình thế khó xử và càng không muốn chọc tức Erevan( Armenia) và đồng minh chiến lược của Erevan là Moscow.
Chúng ta chỉ thu thập được một số thông tin sau : từ năm 2011, UAV Israel “Orbiter” đã được sản xuất trên lãnh thổ Azerbaizan và năm 2009, “ Elbit Systems” đã mở văn phòng đại diện tại Azerbaizan.
Trong các năm 2009-2012, Azerbaizan mua 10 UAV “Hermes-450” và tổ hợp phá mìn cơ động “POMINS-2” để vô hiệu hóa mìn chống bộ binh.
Còn WikiLeaks cho biết là tháng 9/2008, hai nước đã ký thỏa thuận - theo đó TAA sẽ cung cấp cho Azerbaizan một khối lượng UAV và vũ khí phòng không trị giá 1,6 tỷ đô la; còn TAAC – cung cấp tên lửa và hệ thống dẫn đường, trong đó có tổ hợp tên lửa bắn dàn “Lynx”; Công ty “Soltam” - súng cối và đạn súng cối; Công ty “Tadirab Communications” – cung cấp các phương tiện thông tin-liên lạc.
Công ty “Elta Systems Ltd” giúp Azerbaizan chế tạo các vệ tinh trinh sát. Vào tháng 02/2012 , tờ “The Washington Post” đã đăng bài viết về hợp đồng trị giá 1,6 tỷ đô la giữa Bacu và TAA về việc cung cấp các công nghệ quân sự hiện đại, kể cả các UAV, vệ tinh và các hệ thống tên lửa chính xác cao.
Thông tin này có thể là đúng hoặc gần đúng. Nhưng khó nói hơn cả là các công nghệ quân sự tiên tiến của Israel sẽ được Azerbaizan sử dụng vào mục đích gì và ở đâu. Quan điểm chính thức được Bacu đưa ra các UAV được sử dụng để bảo vệ các đường ống dẫn dầu và các mỏ dầu ở Biển Kaspien.
Theo một số nguồn tin thì UAV “Orbiter” dùng để trinh sát trên không phận Nagornyi Karabakh, còn theo một số nguồn khác thì trên không phận Iran và Turmenia (với các nước này, quan hệ của Azerbazan cũng không hề đơn giản).
Như đã biết, UAV “ Hermes -450” có thể truyền thông tin cho các vệ tinh Israel , và như vậy rất có thể chúng được sử dụng để giám sát Iran. Nếu tính rằng, “Hermes-450” có thể mang tên lửa “không đối không” hoặc “không đối đất” thì không loại trừ khả năng Israel sử dụng nó để chống lại Iran .
Có thông tin cho biết là trên biên giới với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, Azerbaizan bố trí các trạm radar “Oren Iarok” để thu thập thông tin và các trạm radar giám sát “Green Pine” .
Mùa xuân năm 2012, có báo đưa tin là các sân bay quân sự Azerbaizan được sử dụng để tiếp nhiên liệu cho máy bay của Không quân Israel , còn tháng 12/2013 – về việc Israel cung cấp cho Azerbaizan các tên lửa có cánh chống hạm “Gabriel-5”.
Như đã nói – do Azerbaizan và Israel không công bố các kế hoạch hợp tác quân sự nên không thể chắc chắn mức độ xác thực của các thông tin trên đến đâu – chỉ biết một điều là Azerbaizan rất quan tâm đến công nghệ quân sự của Israel, còn về phần mình, Israel quan tâm đến khả năng thu thập thông tin về Iran từ một vị trí địa lý vô cùng thuận lợi như vậy – từ Azerbaizan ( Azerbaizan là nước láng giềng của Iran).
5.Với một số nước khác
Với các nước bị lôi kéo vào các cuộc xung đột khu vực, vào cuộc chiến chống các băng nhóm tội phạm , buôn bán ma túy và các tổ chức khủng bố - hợp tác kỹ thuật quân sự với Israel cũng là một trong các chính sách được ưu tiên .
Tháng 6/2014, các báoIsrael cho biết là Columbia mua một lô lớn xe tăng “Merkava” để đối phó với nước láng giềng Venezuela. Columbia trước đó đã xem xét khả năng mua các xe tăng đã thanh lý của Châu Âu, nhưng cuối cùng đã chọn Merkava” (sau chiến tranh tại Li Băng, “Merkava” đã được trang bị phương tiện vô hiệu hóa các tên lửa chống tăng).
Chile mua của Israel UAV “ Hermes-900” năm 2011 để tuần tiễu dọc tuyến biên giới biển của mình ; Brazil mua tháp vũ khí cho các xe vận tải bọc thép. Tập đoàn “Raphael” đã mở chi nhánh đại diện tại Brazil với tên gọi “Raphaeltino” để quảng bá các sản phẩm quân sự của mình không chỉ cho Brazil mà còn nhiều nước Mỹ- Latinh khác . “Hermes 450” được các cơ quan đặc biệt Brazil sử dụng để chống các băng nhóm buôn bán ma túy, còn cảnh sát – với tội phạm đường phố ở các khu ổ chuột .
Năm 2010, “ Hermes 450” cũng được Mexico mua- để phát hiện các cánh đồng trồng cần sa và cây anh túc tại những khu vực khó tiếp cận và chặn bắt bọn buôn lậu ma túy
Vũ khí Israel, trong đó có vũ khí bộ binh cũng rất được quan tâm ở Châu Phi, nhất là ở các nước như Kenia, Nigeria và một số nước đang phải tiến hành cuộc chiến với các nhóm Hồi giáo cực đoan khác .
Người lính Việt Nam trên đảo ở Trường Sa. Ảnh và chú thích: EPA / IТАR-ТАSS (Nga) |
6. Mấy thông tin gần đây nhất về vũ khí Israel
Cuối tháng 6 năm 2014, tại Paris đã diễn ra Hội chợ vũ khí quốc tế “Eurosatory” . Chủ đề của hội chợ lần này là “Lực lượng bộ binh và tất cả những gì liên quan”.
Đây là một hội chợ (triển lãm) lớn đã có lịch sử hơn 20 năm, được tiến hành dưới sự bảo trợ của Bộ Quốc phòng Pháp và là hội chợ lớn nhất trong phân khúc thị trường vũ khí bộ binh.
Chỉ cần dẫn ra vài con số sau – tổng diện tích trưng bày là 120.000 m2 với gần 1.500 công ty từ 57 nước tham gia.
Khu trưng bày các sản phẩm quân sự của Israel có diện tích 1.500 m2-lớn nhất trong hội chợ. Có 30 công ty Israel tham gia trưng bày sản phẩm– từ các tập đoàn nhà nước đến các công ty tư nhân.
Súng bắn tỉa “Dan” .Ảnh: tactical-life.com |
Có một chi tiết gây chú ý từ phía Israel - lần đầu tiên, công ty tư nhân IWI chuyên sản xuất súng bộ binh của Israel đã cho “trình làng” sản phẩm của mình tại Eurosatory (Trước đây xí nghiệp này mang tên “Magen” ( “Lá chắn”) và thuộc Tập đoàn “Công nghiệp quốc phòng”, nhưng năm 2005 nó đã được tư nhân hóa và được bán lại cho nhà doanh nghiệp Sami Katsavu) .
Đó là súng bắn tỉa tầm xa “Dan”.
“Dan” có 02 kiểu sử dụng 02 cỡ đạn : loại đạn bắn tỉa truyền thống -7,62 mm và đạn chuyên dụng – 338 Lapua Magnum ((8,6x70 мм) để bắn tỉa ở cự ly xa – hơn 1.000m
Theo nhà sản xuất, việc thiết kế và thử nghiệm “Dan” đã kéo dài gần 4 năm và nhà sản xuất đã hợp tác chặt chẽ với Đặc nhiệm Israel trong quá trình sản xuất.
Lê Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét