Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm cho hay: “Khi xung phong thì quân TQ lấy số đông làm chính, ào ào xông lên. Khi ta nổ súng thì họ chạy luôn”.
Lời tòa soạn: Mới đây Tờ Hoàn Cầu thời báo, Trung Quốc trắng trợn tung clip tái hiện cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 vẫn được truyền thông nước này gọi là: Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam.
Liên quan đến clip này là những con số và sự đánh giá về mức độ tinh nhuệ của cả hai phía.
Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về những thông tin trong cuộc chiến tranh năm 1979, chúng tôi đã có các cuộc trao đổi một số người trực tiếp tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tổ quốc này.
Chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả loạt bài về Sự thật đằng sau clip xuyên tạc lịch sử trên Hoàn Cầu thời báo.
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm – nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 316 - người tham gia chiến đấu trực tiếp trong giai đoạn 1979 - 1989 đã trả lời phỏng vấn về vấn đề này.
PV: Như Trung tướng nói thì quân TQ khá nhát gan?
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Đúng vậy. Quân TQ rất nhát. Cái nhát gan của quân TQ không chỉ nằm trong việc không có pháo là không tiến công mà còn thể hiện ở việc họ không dám đánh ban đêm. Cứ ban đêm là họ co cụm lại.
Thứ 2 là xung phong thì quân TQ lấy số đông làm chính, ào ào xông lên. Khi ta nổ súng thì họ chạy luôn.
Có một điểm rất buồn cười là họ tiến công rất cổ điển khi thổi kèn tây để làm hiệu lệnh cho lính xung phong. Tuy nhiên, cứ thấy nổ súng quân xung phong lại dừng lại.
Quân TQ ngày đó không dám tiến công trực diện, chủ yếu là vu hồi và đánh vòng.
Một người lính Trung Quốc bị bắt làm tù binh (Ảnh tư liệu) |
Trong chiến tranh, nếu sức mạnh vượt trội trong tiến công thì tốt nhất là đột phá vào bên sườn và chính diện. Nhưng quân TQ đánh trực diện không được vì sức yếu, tinh thần chiến đấu kém.
Trong khi đó, đội quân của chúng ta năm 1979 hầu hết là đều đã qua chiến đấu, đánh kinh nghiệm lắm.
Lúc đó tư tưởng quân đội TQ cũng rất sợ đánh quân đội VN. Vì họ biết thừa một quân đội trong bao nhiêu năm hòa bình thì sức chiến đấu sẽ rất kém, nếu đưa ra khỏi biên giới thì run rẩy.
Quân TQ ngày đó cứ thấy nổ súng thì cứ tìm cách đánh vòng vào phía sau, đánh lén. Cho nên họ chậm chạp lắm. Nếu đột phá với sức mạnh vượt trội thì họ không chỉ tiến được như vậy đâu.
PV: Tương quan lực lượng VN và TQ ngày đó như thế nào thưa Trung tướng?
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Họ tuyên truyền cũng thật trơ tráo. Họ càng nói càng lộ ra bẳn chất yếu kém và tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh.
VN chỉ có 2 sư đoàn thiện chiến: Sư đoàn 316 và sư đoàn 3. Còn lại là các sư đoàn làm kinh tế. Ngày đó, TQ đã dùng đến 30 sư đoàn để đánh VN.
Vì trước đó xác định tình hình biên giới với TQ phức tạp nên chúng ta rút hai sư đoàn chủ lực này từ miền Nam ra Bắc để chuẩn bị chiến trường.
Cũng một phần bởi vì trước đó biên giới Việt – Trung hoàn toàn bình thường nên chúng ta không xác định để quân ở đó nhiều. TQ đã tự nhận mình là hậu phương vững chắc của VN mà.
Trên hướng Lạng Sơn, TQ dùng đến 5 quân đoàn tiến công 1 sư đoàn bộ binh và sư đoàn làm kinh tế.
Một quân đoàn có biên chế gồm 3 sư đoàn và một số lữ đoàn, trung đoàn. Riêng một quân đoàn đánh một sư đoàn đã là quá rồi. Đây lại là dùng 5 quân đoàn đánh một sư đoàn thì mạnh cái nỗi gì?
Họ tuyên truyền như vậy để mị dân thôi chứ đối với giới phân tích quân sự thì phát hiện ra ngay sự vớ vẩn đó.
PV: Còn thông tin họ cho rằng quân VN bị tiêu diệt 50.000 người; 2173 lính đầu hàng và họ rút về sau khi đã thắng lợi thì có chính xác không thưa Trung tướng?
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Họ bảo có hơn 2000 quân đầu hàng là láo lếu. Cùng lắm bắt được vài chục người vì anh em đi lạc đường chứ còn chẳng ai đầu hàng. Hướng của tôi chẳng có ai đầu hàng.
Nói đến ngày 16/3/1979, toàn bộ lính biên phòng TQ rút về nước, không để lại một người lính nào sau khi đã thu được thắng lợi đúng là láo 100%.
Khả năng của TQ cũng chỉ đến vậy, TQ cũng rất sợ Liên Xô đánh từ phía Bắc. Rút quân là thất bại chứ không phải rút về do chiến thắng.
Ngày đó, khi quân TQ rút thì chúng tôi nhận được lệnh của cấp trên: "TQ rút, chúng ta không khiêu khích". Họ rút theo kiểu "cuốn chiếu", đi đến đâu, sợ đến đó.
Ta cũng không truy kích. Quan điểm của VN ngày đó là không làm cho tình hình căng thẳng thêm.
Để lại người thế nào được. Lịch sử cho thấy nếu bỏ chạy thì phải rút hết, nếu để lại thì sẽ bị tiêu diệt hết. Nếu TQ muốn hỏi thì hãy hỏi cha ông của họ khi xâm lược VN và hỏi xem VN đã độ lượng như thế nào.
Thái độ này của TQ thật ngạo mạn, trịch thượng, lố bịch.
PV: Nhìn lại quá trình TQ ngang ngược tuyên truyền xuyên tạc lịch sử về cuộc chiến 1979 trong những năm qua, chúng ta cần phải chú ý điều gì, thưa Trung tướng?
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Theo tôi, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật. Quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản là một ví dụ điển hình trong quan hệ ngoại giao trên thế giới.
Dù Nhật và Mỹ là đồng minh của nhau nhưng đến những ngày kỷ niệm Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật thì người Nhật họ vẫn biểu tình mạnh mẽ và phản ứng với việc ném bom nguyên tử đó.
Lịch sử vẫn là lịch sử, tương lai vẫn là tương lai. Chúng ta không vì hiện tại và tương lai mà lãng quên quá khứ. Lịch sử không thể chệch được. Những vấn đề của lịch sử cần phải được làm rõ thì tương lai mới vững bền được.
Theo tôi biết nhiều tờ báo của TQ tuyên truyền rất bậy bạ mừng chiến thắng biên giới.
Từ trước đến nay, cứ đến ngày 17/2 hàng năm và đặc biệt là các năm chẵn, TQ làm rất rầm rộ, không những tuyên truyền trên báo chí, phim ảnh, những bài xã luận.
Họ còn tổ chức gặp mặt kỷ niệm cái gọi là cựu chiến binh cuộc chiến tháng 2/1979. Nội dung cơ bản là họ tuyên truyền về cái mà họ gọi là chiến thắng và họ nói đó là cuộc chiến tranh phản kích, cuộc chiến tranh tự vệ, đòn trừng phạt đối với VN…
Tôi cho rằng chính các nhà lãnh đạo TQ trong từng thời kỳ đã chỉ đạo rất chặt chẽ và sát sao nội dung này bằng báo chí địa phương.
Ngược lại, VN với tinh thần gác lại quá khứ và với tình đồng chí, hữu nghị giữa hai nước hướng tới hòa bình hữu nghị giữa hai nước nên chúng ta ít tuyên truyền.
Hiện nay các bảo tàng của chúng ta cũng không lưu giữ, trưng bày về cuộc chiến tranh này trong khi đó, Trung Quốc thì ngược lại.
Chúng ta luôn tôn trọng tình đồng chí hữu nghị, láng giềng, bỏ qua quá khữ đau buồn giữa hai nước - quá khứ về tội ác mà TQ đã gây ra đối với Nhà nước VN đặc biệt là với nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc.
Cho đến nay họ luôn xuyên tạc, đổi trắng thay đen. Nguồn cơn của cuộc chiến tranh và ai phải chịu trách nhiệm thì cho đến nay TQ luôn đổ sang cho VN.
Đó là điều mà chính chúng tôi nhiều lúc nghĩ mình phải lên tiếng để cho nhân dân TQ và đặc biệt là nhân dân ta hiểu. Cái tôi sợ là chính nhân dân ta hiểu sai về cuộc chiến tranh này.
Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng đã trả lời phỏng vấn!
Một số nội dung trong clip xuyên tạc lịch sử, hiếu chiến của Hoàn Cầu thời báo:
+ Cánh quân phía bên trái cũng anh dũng vượt qua rào cản phòng ngự của quân đội Việt Nam, thọc sâu vào căn cứ ở hậu phương của quân địch (quân đội Việt Nam).
Quân Việt Nam ở Đồng Đăng bị biến thành ba ba trong rọ, bị cắt đứt đường lui. Trung đoàn Anh hùng của Việt Nam lâm vào cảnh mọc cánh cũng khó thoát.
+ Khi chiến tranh nổ ra, những khu vực có nước ở Việt Nam đều bị quân đội nước này thả thuốc độc vào. Nhiều khi, để giải quyết vấn đề nước uống, binh sĩ (Trung Quốc) đã phải hy sinh tính mạng của mình.
+ Cái gọi là đơn vị Anh hùng của Việt Nam mau chóng bị quân đội Trung Quốc dọa cho trợn mắt há miệng. Thi thể lính Việt Nam chết trận phải dùng đến 17 xe tải mới chở hết...
+ Trong cuộc phản kích tự vệ này, quân ta đã chiếm được Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Tuyên và 21 huyện, thị trấn khác nhau của Việt Nam; tiêu diệt 4 sư đoàn, 7 trung đoàn, 25 tiểu đoàn của Việt Nam.
Tổng số binh lính Việt Nam bị tiêu diệt là hơn 50.000 người; 2173 lính đầu hàng; thu giữ 916 khẩu pháo các loại; 16.000 súng, hỏa tiễn; 236 xe ô tô. Quân ta cũng phá hủy nhiều pháo, xe tăng, xe thiết giáp, thu được thắng lợi huy hoàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét