Sau “Hiệp định Hợp tác Quân sự và Kinh tế” với Abkhazia và “Hiệp ước Liên minh và Hội nhập” với Nam Ossetia, đối tượng tiếp theo Nga sẽ ký là…?
Nga “bảo trợ” cho 2 vùng lãnh thổ ly khai của Gruzia
Tổng thống Vladimir Putin ngày 06/03 đã chỉ thị ký “Hiệp ước Liên minh và Hội nhập” giữa Liên bang Nga với Cộng hòa tự xưng Nam Ossetia - một vùng lãnh thổ ly khai khỏi Cộng hòa Georgia (Gruzia) được Nga ủng hộ quyền độc lập, sau “Cuộc chiến tranh 5 ngày” giữa Moscow và Tbilisi - nhưng hiện chưa được quốc tế công nhận.
Văn kiện được công bố trên cổng thông tin của Chính phủ Nga có đoạn viết: "Tổng thống Putin chấp nhận đề nghị của chính quyền Nga về việc ký ‘Hiệp ước Liên minh và Hội nhập giữa Nga với Nam Ossetia’, đồng thời coi việc ký hiệp ước này ở cấp cao nhất là điều hữu ích."
Hiệp định được xác lập trong 25 năm và có thể gia hạn 10 năm một lần. Nó được coi là cơ sở để thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa Moscow với Nam Ossetia về xã hội, kinh tế, nhân đạo, cũng như các vấn đề chính sách đối ngoại, phòng thủ, an ninh, trong khi vẫn duy trì quyền tự chủ của Nam Ossetia.
Trước đó, vào ngày 25/11/2014, Nga đã ký kết “Hiệp định hợp tác quân sự và kinh tế” với khu vực ly khai Abkhazia nằm ở phía tây bắc Gruzia, giáp bờ Biển Đen, Sau khi sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, việc ký kết Hiệp định liên kết đã giúp Moscow khống chế toàn bộ vùng biển này.
Rất có thể trong tương lai lực lượng ly khai Donbass sẽ nhận được sự “bảo hộ của Nga”? |
Theo hiệp ước được ký kết giữa Tổng thống Vladimir Putin và lãnh đạo Abkhazia Raul Khadzhimba tại khu nghỉ mát Sochi, nằm bên bờ biển Đen, lực lượng quân đội của Nga và Abkhazia sẽ kết hợp thành một lực lượng thống nhất do một Tư lệnh người Nga dẫn dắt.
Tổng thống Putin cũng cho biết, Moscow sẽ tăng gấp đôi trợ cấp cho Abkhazia, lên 9,3 tỉ rúp (hơn 200 triệu USD) vào năm 2015. Trong khi đó, lãnh đạo Abkhazia Khadzhimba đã bày tỏ lòng cảm kích khi được Nga “dành cho sự quan tâm đặc biệt và đảm bảo an ninh, giúp đỡ phát triển kinh tế - xã hội”.
Với Hiệp định trên, mọi hoạt động quân sự của 2 vùng lãnh thổ ly khai này sẽ thống nhất trong khuôn khổ các hoạt động quân sự của Nga và do Nga chỉ huy, kẻ thù của họ cũng là đối tượng mà Moscow phải đối phó. Đồng thời, những hoạt động chính trị và kinh tế cũng nằm trong khuôn khổ sự thống nhất với Liên bang Nga.
Abkhazia và Nam Ossetia là lời cảnh báo đến Ukraine?
Việc ký 2 Hiệp định này đồng nghĩa với việc tuy không sáp nhập Abkhazia và Nam Osetia vào lãnh thổ Liên bang Nga nhưng trên thực tế, Moscow đã biến 2 nước cộng hòa ly khai này đã trở thành một thực thể thuộc Nga, và Moscow cam kết duy trì “cái ô bảo hộ” toàn diện với họ.
Vị trí chiến lược của Abkhazia và Nam Ossetia trong lãnh thổ Gruzia |
Ký kết hiệp định với Abkhazia và Nam Ossetia đã khiến Moscow “cắm 2 mũi dao” vào trái tim Tbilisi. Nga không thể ngăn Gruzia gia nhập NATO nhưng Tbilisi cũng đừng hòng yên ổn khi “rước” khối đồng minh quân sự này đến sát biên giới nước Nga.
Nếu nói Nam Ossetia và Abkhazia như hai cái dằm trong tim của Tbilisi, thì Donbass và bán đảo Crimea như 2 cái mũi dao thọc vào mạng sườn của Ukraine. Có thể nhận thấy khá nhiều điểm tương đồng giữa tình hình Ukraine hiện nay, với Gruzia trước kia.
Việc ký “Hiệp định bảo hộ” với 2 vùng lãnh thổ ly khai của Gruzia có thể coi là “đòn thù” của Moscow với Tbilisi nhưng cũng là lời cảnh báo đanh thép đối với Kiev khi cả 2 đang nhăm nhe gia nhập NATO. Liệu Ukraine có rút được kinh nghiệm gì qua 2 sự kiện này?
Moscow đã trù tính kỹ càng, không tạo cớ để Mỹ và EU có thể tố cáo là “Nga xâm lược” bởi Moscow sẽ không sáp nhập 2 nước cộng hòa này vào Liên bang Nga. Ông Putin sẽ đàng hoàng “hợp pháp hóa” sự hiện diện ở đông nam Ukraine bởi nhưng Hiệp định liên kết tương tự như trên.
Những ngày gần đây, việc Tổng thống Putin tuyên bố, hành động rút các cơ quan hành chính, không chi trả lương hưu, ngừng cung cấp phúc lợi xã hội và cắt khí đốt của Kiev đã đẩy miền đông Ukraine ra xa tầm tay mình, phải chăng là sự dọn đường cho tương lai của Donbass giống như Abkhazia và Nam Ossetia?
Xe tăng-thiết giáp Nga tiến vào Gruzia trong “Cuộc chiến 5 ngày” năm 2008 |
Điều này cũng cho thấy, Moscow sẵn sàng làm tất cả để ngăn chặn Khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương áp sát biên giới, đe dọa đến an ninh và lợi ích chiến lược của mình.
Không ai muốn hàng xóm trở thành kẻ thù, đương nhiên Moscow cũng không muốn vòng vây của NATO siết chặt quanh mình từ những nước trước đây là anh em như Gruzia, Ukraine, Latvia, Estonia và Lithunia. Không thể trách Tổng thống Putin về điều này, ông đã làm những điều cần thiết nhất cho nước Nga.
Bao giờ sẽ tới lượt Donbass?
DPR và LPR có thể “kê cao gối mà ngủ”. Vũ khí và huấn luyện quân sự của Nga đã giúp Donbass có thể đàng hoàng đánh bại lực lượng quân sự của Kiev, trường hợp xấu nhất là vũ khí và viện trợ Mỹ khiến họ thất bại trước Ukraine, một Hiệp định tương tự như của Abkhazia và Nam Ossetia sẽ được ký kết.
Liệu khi Nga đã ký Hiệp định thống nhất quân sự với 2 nước cộng hòa thuộc Novorossiya, Kiev có đủ bản lĩnh tấn công một lực lượng quân sự Nga-Donbass thống nhất, do đích thân một Tư lệnh Nga dẫn dắt hay không? Chắc chắn là không, bởi ngay cả Mỹ và NATO cũng chẳng dám làm điều đó.
Nếu NATO không nhăm nhe xiết chặt vòng vây đối với Moscow, nếu Kiev không ngả theo EU và đòi gia nhập NATO thì điều này sẽ không xảy ra. Nhưng rất tiếc, với những vị lãnh đạo hiện nay, việc Kiev đi theo sự vẫy gọi của phương Tây là điều không thể tránh khỏi, nên tương lai Ukraine bị chia cắt là điều rất dễ xảy ra.
Nếu Donbass nguy ngập có thể Nga sẽ ký Hiệp định liên kết? |
Có thể nhận định rằng, Moscow sẽ áp dụng chính sách này đối với cả 4 vùng lãnh thổ ly khai thuộc các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ mà Nga có ảnh hưởng rất lớn, bao gồm Transnistria (hay còn gọi là Transdniestria, nguyên thuộc Moldova), Nagorno Karabakh - do Azerbaijan quản lý trên danh nghĩa, cùng với Abkhazia và Nam Ossetia.
Trước đây, các quốc gia ly khai này được xếp vào dạng “xung đột lạnh” - tức là không tiềm ẩn yếu tố gây chiến tranh. Tuy nhiên, kể từ sau cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, những nhân tố tiềm tàng đã được dịp bùng phát, có khả năng biến thành “xung đột nóng” và có lợi cho Nga trong cuộc chiến chống lại phương Tây.
Hiện nay, cả 4 quốc gia không được công nhận này cũng duy trì mối quan hệ hữu nghị mật thiết với nhau và hình thành Cộng đồng vì Dân chủ và Quyền của các Dân tộc. Khác với Crimea, Nga không đồng ý sáp nhập bất cứ quốc gia nào vào lãnh thổ của mình mà chỉ đóng vai trò “người bảo hộ” với ý đồ hết sức sâu xa.
Moscow luôn để ngỏ khả năng sáp nhập các vùng lãnh thổ này, lấy đó làm con bài để mặc cả với phương Tây. Vì vậy, có thể khẳng định rằng Kiev không thể đánh bại được phe ly khai miền đông Ukraine, bởi nếu giả sử DPR và LPR có nguy ngập thì “cái ô bảo hộ” của người Nga sẽ bung ra, che chở cho Donbass.
- Thiên Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét