Theo cựu binh biên giới Nguyễn Mạnh Hùng, việc ngụy tạo trắng trợn khiến chính những người lính Trung Quốc đã tham gia cuộc chiến tranh 1979 và gia đình họ phản đối.
Lời tòa soạn: Mới đây Tờ Hoàn Cầu thời báo, Trung Quốc trắng trợn tung clip tái hiện một cách bịa đặt, xuyên tạc cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 vẫn được truyền thông nước này gọi là: Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam.
Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về những thông tin trong cuộc chiến tranh năm 1979, chúng tôi đã có các cuộc trao đổi một số người trực tiếp tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tổ quốc này.
Chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả loạt bài về Sự thật đằng sau clip xuyên tạc lịch sử trên Hoàn Cầu thời báo.
Bài 1: Chiến tranh 1979: Tướng Lương vạch trần sự bịa đặt trắng trợn
Bài 2: "Nếu bị chặn, quân TQ có thể sẽ phải bỏ chạy như quân Thanh"
Bài 3: Tướng Khảm: TQ tuyên truyền bịp bợm, lếu láo về cuộc chiến 1979
Bài 4: Chiến tranh 1979: Quân Trung Quốc đã nhát gan như thế nào?
Bài 5: Cuộc chiến 1979: Lính Trung Quốc chết vẫn ôm bao khoai lang
Bài 2: "Nếu bị chặn, quân TQ có thể sẽ phải bỏ chạy như quân Thanh"
Bài 3: Tướng Khảm: TQ tuyên truyền bịp bợm, lếu láo về cuộc chiến 1979
Bài 4: Chiến tranh 1979: Quân Trung Quốc đã nhát gan như thế nào?
Bài 5: Cuộc chiến 1979: Lính Trung Quốc chết vẫn ôm bao khoai lang
Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, giảng viên trường Đại học Dân lập Phương Đông, nguyên cựu binh chiến đấu tại chiến trường biên giới phía Bắc, tác giả bài thơ Bình độ 400 nổi tiếng đã vạch trần những sự xuyên tạc của Trung Quốc.
PV: Được biết đến là tác giả của bài thơ Bình Độ 400 nổi tiếng, ông có thể kể lại về trận đánh mà ông từng tham gia này, để bạn đọc thấy rõ sự ác liệt cũng như anh dũng của quân ta lúc bấy giờ?
T.S Hùng: Trận Bình độ 400 có nhiều trung đoàn tham gia nhưng trung đoàn 2 của chúng tôi lúc bấy giờ được Thiếu tướng Hoàng Đan trực tiếp đến tận sở chỉ huy động viên chiến đấu.
Khu vực này có đặc điểm là sườn phía mình dốc còn phía bên Trung Quốc thì thoải hơn nên lính Trung Quốc đào hầm bê tông trú ẩn và làm được cả đường cho xe chạy.
Lúc đó Trung Quốc xua quân chiếm giữ điểm cao này còn ta đưa quân lên phản kích lấy lại. Quân Trung Quốc có lợi trên cao và có công sự vững chắc cho nên mình chỉ pháo kích và dùng đặc công đánh thôi chứ không ào ào đánh cả trung đoàn được.
Chúng tôi ở tuyến sau cứ áp sát vào là pháo bắn như mưa lại phải bò xuống không tiến lên được.
Trải qua hàng chục cuộc giao chiến lớn nhỏ quanh khu vực cao điểm 400, với sự chỉ huy của Thiếu tướng Hoàng Đan đã đánh kiệt quệ sư đoàn bộ binh chủ công của quân đội Trung Quốc, buộc địch phải dùng tới cả các đơn vị dự bị.
Thế công trên mặt trận của quân đội Trung Quốc mất dần. Sau đó, nhận thấy thế địch đã mất, tướng Hoàng Đan đã cho rút xuống các đơn vị bộ binh chỉ sử dụng pháo binh đánh chặn.
Và trong trận chiến này, chính hình ảnh về vị tướng Hoàng Đan đã giúp chúng tôi có thêm nhuệ khí chiến đấu rất lớn.
Có câu chuyện chúng tôi vẫn nhớ là khi tướng Hoàng Đan đi thị sát gặp lúc địch bắn pháo như mưa, hòng cày nát cao điểm 400 nhưng ông vẫn ngồi yên quan sát.
Anh em chúng tôi lúc đó vẫn truyền nhau câu,ông bảo với những cấp dưới ở công sự: “Sống, chết, thời, vận, số! Một khi anh đã tới số thì đạn pháo còn tìm được anh trong công sự!".
Hay, ông thường lấy một câu chuyện ngụ ngôn để động viên lính. Câu chuyện là có một ông bị thầy bói bảo là số bị hổ vồ cho nên không sống gần rừng, không dám vào vườn bách thú. Nhưng một hôm vào chùa nhìn thấy tượng con hổ hoảng quá đập đầu vào tường mà chết.
Sau này, khi cuộc chiến kết thúc, chúng tôi vẫn nói, chính nhờ những người chỉ huy như tướng Hoàng Đan mà dải biên cương của chúng ta đã được bảo vệ vững chắc, toàn vẹn trước quân thù đông đảo.
Các mũi tấn công Việt Nam của quân Trung Quốc tháng 2/1979
PV: “Cái gọi là đơn vị Anh hùng của Việt Nam mau chóng bị quân đội Trung Quốc dọa cho trợn mắt há miệng.Thi thể lính Việt Nam chết trận phải dùng đến 17 xe tải mới chở hết... Quân Việt Nam ở Đồng Đăng bị biến thành ba ba trong rọ, bị cắt đứt đường lui.
Trung đoàn Anh hùng của Việt Nam lâm vào cảnh mọc cánh cũng khó thoát”.
Ông nghĩ như thế nào về những nhận định xuyên tạc này của Trung Quốc ?
T.S Hùng: Tôi hiểu quân đội Trung Quốc muốn ám chỉ Trung đoàn 12 (Đoàn Tây Sơn anh hùng) thuộc Sư đoàn 3 (Đoàn Sao Vàng) trấn giữ áp sát cửa ngõ Đồng Đăng.
Việc này, cuốn Lịch sử Sư đoàn 3 nói rõ, đó là Trung đoàn chiến đấu “dai dẳng” suốt cuộc chiến tranh, cán bộ chiến sỹ đánh địch phía trước, phía sau, truy quét đuổi giặc, đồng thời bảo toàn lực lượng.
Những người lính trụ được nhờ sự khôn ngoan, dũng cảm, anh em tiết kiệm vũ khí, ăn cả gốc mía, rau mầm và mở đường tiếp tế.
Quân Trung Quốc khá sợ hãi Trung đoàn Tây Sơn với những trận tập kích, phục kích bất ngờ, hiệu quả. Và dường như họ né tránh Trung đoàn 12 khi rút quân.
Cựu binh Nguyễn Mạnh Hùng - người mặc áo đen ngoài cùng bên trái ảnh.
PV: Trong clip, họ nói họ chủ động rút về nước sau khi “thắng lợi huy hoàng”, ông đánh giá thế nào về điều này?
T.S Hùng: Có lẽ họ huyễn hoặc, chỉ những người lính Trung Quốc hiểu rõ họ thất bại như thế nào.
Mặt khác hoạt động tình báo và thám báo họ biết rõ nếu chậm rút thì đòn giáng trả sẽ khủng khiếp và thiệt hại sâu đậm hơn.
Khi về Ba Xã, Lạng Sơn, tôi chứng kiến lực lượng hỏa lực cơ động của quân đội Việt Nam rất khủng, các dàn hỏa tiễn mới, đoàn xe tăng, thiết giáp, cả tên lửa ban đêm kéo lên áp sát quân Trung Quốc.
Do vậy, họ phải tuyên bố rút quân để tránh tổn thất, tránh áp lực dư luận.
Ở tuyến đường 1B, bên cầu Khánh Khê, quân Trung Quốc đố đấm đã bị sư đoàn 337 giáng trả mãnh liệt, họ thiệt hại khoảng 1.000 quân trong các ngày 5 - 7/3/1979.
Trước khi rút, một tên lính đã đánh bộc phá đầu cầu phía Bắc, làm bục vỡ rộng gần bằng bánh xe bò, xe chúng tôi vẫn vượt qua.
PV: Cuộc chiến đã kết thúc nhưng cho đến giờ phút này, Trung Quốc vẫn luôn có những tuyên truyền cho rằng, họ đã chiến thắng vẻ vang và họ đã tiêu diệt được rất nhiều quân Việt Nam.
Ông nhìn nhận thế nào về điều này?
T.S Hùng: Họ tàn sát nhân dân, phá hoại các công trình có giá trị nhiều hơn.
Mọi người thường tưởng quân Trung Quốc rút ồ ạt về nước nhưng không phải. Chúng rút từ từ và vừa rút vừa phá hoại, trong lúc rút vẫn bắn phá để đảm bảo an toàn.
Tôi chứng kiến thị xã Lạng Sơn bị phá hủy hết. Những tòa nhà lớn xây từ thời Pháp, lính Trung Quốc cứ ốp bộc phá ở hai đầu và một quả ở giữa. Khi bộc phá nổ, tòa nhà không sập hẳn nhưng cũng tan hoang không thể sửa chữa được nữa.
Theo tôi, số liệu thương vong là con số ước tính, nhưng tiểu đoàn của tôi (thuộc Trung đoàn 2- Đoàn An Lão) số anh em hy sinh khoảng dưới 10% quân số; quân Trung quốc thiệt hại nhiều hơn bởi năng lực chiến đấu kém, chiến thuật biển người, vu hồi rồi co cụm.
Tôi thấy làm lạ là quân Trung Quốc đào các hầm ếch dày như tổ ong và nông choẹt ở các đồi chúng chiếm.
Có thể nhận xét, quân Trung Quốc tiến công xâm lược thất bại, rút chạy và tháo chạy thành công, cả hai với tốc độ rất chậm.
PV: Thưa ông, từ tất cả những gì đã thể hiện trong clip, theo ông, clip này có ý nghĩa gì?
T.S Hùng: Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đoạn clip này không có bất cứ ý nghĩa gì về cả khoa học và lịch sử cả.
Tôi cũng muốn nói với những người làm clip này hãy nghiên cứu và gói lại sự thật.
Kiểu ngụy tạo trắng trợn khiến chính những người lính Trung Quốc đã tham gia cuộc chiến và gia đình họ phản đối, những người lính hôm nay lầm tưởng nguy hiểm như năm 1979 họ đã bị mê hoặc.
Chiến tranh là mất mát đau thương nên cần tìm mọi cách để tránh. Nhưng nếu khi hết mọi cách thì phải dũng cảm chiến đấu để trước hết bảo vệ cuộc sống của mình.
Một số nội dung trong clip xuyên tạc lịch sử, hiếu chiến của Hoàn Cầu thời báo:
+ Cánh quân phía bên trái cũng anh dũng vượt qua rào cản phòng ngự của quân đội Việt Nam, thọc sâu vào căn cứ ở hậu phương của quân địch (quân đội Việt Nam).
Quân Việt Nam ở Đồng Đăng bị biến thành ba ba trong rọ, bị cắt đứt đường lui. Trung đoàn Anh hùng của Việt Nam lâm vào cảnh mọc cánh cũng khó thoát.
+ Khi chiến tranh nổ ra, những khu vực có nước ở Việt Nam đều bị quân đội nước này thả thuốc độc vào. Nhiều khi, để giải quyết vấn đề nước uống, binh sĩ (Trung Quốc) đã phải hy sinh tính mạng của mình.
+ Cái gọi là đơn vị Anh hùng của Việt Nam mau chóng bị quân đội Trung Quốc dọa cho trợn mắt há miệng. Thi thể lính Việt Nam chết trận phải dùng đến 17 xe tải mới chở hết...
+ Trong cuộc phản kích tự vệ này, quân ta đã chiếm được Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Tuyên và 21 huyện, thị trấn khác nhau của Việt Nam; tiêu diệt 4 sư đoàn, 7 trung đoàn, 25 tiểu đoàn của Việt Nam.
Tổng số binh lính Việt Nam bị tiêu diệt là hơn 50.000 người; 2173 lính đầu hàng; thu giữ 916 khẩu pháo các loại; 16.000 súng, hỏa tiễn; 236 xe ô tô. Quân ta cũng phá hủy nhiều pháo, xe tăng, xe thiết giáp, thu được thắng lợi huy hoàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét