(PetroTimes) - Đó là tuyên bố của Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nhằm đáp trả lá thư của các thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa cảnh báo thỏa thuận hạt nhân với Iran có thể bị hủy bỏ một khi Tổng thống Barack Obama rời khỏi chức vụ.
Tổng thống Obama phát biểu về vấn đề Iran trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 10/3
Ngày 11/3, Ngoại trưởng Javad Zarif nói rằng lá thư của 47 thượng nghị sĩ Mỹ là “không có tiền lệ và không phù hợp với nguyên tắc ngoại giao”. Theo ông Zarif, bức thư này là một “thủ đoạn tuyên truyền”. Ông nói “Việc hành xử những mối quan hệ liên quốc gia được chi phối bởi luật quốc tế chứ không phải bởi luật quốc nội của nước Mỹ”. Ông Zarif nói thêm rằng “thật ra, nó cho thấy rằng chúng ta không thể tin nước Mỹ”.
Lá thư hôm 10/3 mà tác giả là Thượng nghị sĩ Tom Cotton của đảng Cộng hòa, đại diện tiểu bang Arkansas, với chữ ký của 46 nhà lập pháp khác, tìm cách cảnh báo các nhà lãnh đạo Iran là bất cứ thỏa thuận nào mà ông Obama thương lượng với Tehran chỉ có thể tồn tại cho tới khi ông rời khỏi chức vụ vào đầu năm 2017.
Bức thư nói rằng tuy tổng thống có thể thương thuyết về những thỏa thuận quốc tế, nhưng Quốc hội đóng một vai trò quan trọng trong việc phê chuẩn các thỏa thuận này. Bức thư cũng cho hay một thỏa thuận giữa quốc hội và hành pháp đòi hỏi một đa số tại cả hạ viện lẫn thượng viện.
Bức thư cũng cảnh báo là bất cứ thỏa thuận nào liên hệ đến chương trình hạt nhân của Iran mà không được quốc hội thông qua sẽ được xem như là một thỏa thuận của hành pháp có thể bị tổng thống trong tương lai rút lại hay quốc hội tu chính.
Tổng thống Obama nói các nhà lập pháp Mỹ đã tự mình đứng ngang hàng với những người tại Iran chống lại những cuộc thương thuyết. “Tôi nghĩ thật là mỉa mai khi thấy một số thành viên của quốc hội có cùng luận điệu với các thành phần cứng rắn tại Iran. Đây là một liên minh không bình thường. Tôi nghĩ điều chúng ta chú trọng hiện nay là thực sự xem chúng ta có thể có được một thỏa thuận hay không, và nếu có, thì chúng ta sẽ có thể trình bày lý lẽ với dân chúng Mỹ, và tôi tin là chúng ta có thể thi hành được”.
Hôm 9/3, Tổng thống Obama thừa nhận là vẫn còn có khác biệt trong lập trường thương thuyết giữa đôi bên vào lúc chỉ còn chưa đầy một tháng là đến hạn chót hai bên đặt ra để đạt được về một thỏa thuận khung. Tổng thống Obama cảnh báo là ông sẽ rời bỏ các cuộc thảo luận nếu không có sự kiểm chứng rõ ràng và minh bạch là Iran không theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói bức thư tiêu biểu cho “một sách lược đảng gây phương hại đến khả năng của tổng thống thực hiện chính sách ngoại giao” và phục vụ cho lợi ích an ninh quốc gia nước Mỹ. “Hiện nay chúng ta đã nghe đảng Cộng hòa, trong đó có tác giả chính của bức thư này, xác định rõ mục tiêu của họ là phá hoại các cuộc thương thuyết này”. Ông Earnest nói bức thư ngăn chặn nỗ lực thương nghị một thỏa thuận mưu tìm sự cam kết của Tehran không khai triển vũ khí hạt nhân.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói bức thư nhằm “lấy điểm chính trị” và quốc hội không có quyền thay đổi những điều khoản của thỏa thuận quốc tế do hành pháp thương thuyết. Theo bà Psaki, Hiến pháp Mỹ trao quyền cho hành pháp thương thuyết về những thỏa thuận với các đối tác nước ngoài. Và do đó công nhận quốc hội đóng một vai trò như trong lá thư này là không thích hợp. Đây cũng là một cuộc thương thuyết. Điều quan trọng đối với chúng ta là gửi thông điệp này cho các đối tác của chúng ta trên toàn thế giới chứ không phải giữa Mỹ và Iran nhưng cũng với Pháp, Đức, Anh, Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Nga nữa.
Larry Sabato, giáo sư chính trị học tại trường đại học Virginia, nói bức thư của các nhà lập pháp Mỹ gửi một chính phủ nước ngoài là đặc biệt và khác thường, và biểu hiện cho sự leo thang tranh chấp chính trị bắt đầu vào tháng 11/2014 khi đảng Cộng hòa kiểm soát được cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ.
“Họ không thể thông qua được gì nhiều bởi vì họ không kiểm soát hoàn toàn quốc hội. Họ không đủ túc số trong Hạ viện hay Thượng viện để vượt qua được sự chia bè chia phái trong nội bộ hay vượt qua được nội qui của thượng viện. Nhưng điều họ có là khả năng gửi một bức thư như thế này và gây tác động đến các cuộc thương thuyết về một hiệp ước quan trọng hay thỏa thuận của hành pháp”.
Theo ông Sabato, bức thư có thể bị chỉ trích trên cơ sở phán đoán, nhưng không vượt ra ngoài những ranh giới của hiến pháp: “Trên thực tế, vì lập pháp là một ngành ngang hàng với chính phủ, nên hoàn toàn hợp pháp khi quốc hội làm như vậy. Đó có phải là một hành động khôn ngoan hay không lại là một chuyện khác”.
Ông Sabato nói thêm là bất cứ một thỏa thuận nào đạt được với Iran mà không đưa lên thượng viện như là một hiệp ước, thì sẽ được xem như là một thỏa thuận hành pháp, có thể bị tổng thống kế nhiệm rút lại. Ông nói dĩ nhiên các nhà lãnh đạo Iran phải tính đến chuyện này. Theo giáo sư Sabato, nếu Tổng thống Obama mong muốn bất cứ thỏa thuận hạt nhân nào với Tehran bền vững, ông sẽ phải đưa lên thượng viện để phê chuẩn.
Giải quyết xung khắc với Tehran là một trong những mong ước mà Barack Obama muốn để lại cho những người kế nhiệm sau khi ông hết nhiệm kỳ. Nếu không thực hiện được thì đây là một vố đau cho ngành ngoại giao Mỹ.
Nh.Thạch (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét