Nếu như các nhà lãnh đạo phương Tây quả thực muốn ngăn chặn ảnh hưởng của Nga trên toàn thế giới thì có lẽ họ nên xem xét chấm dứt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, vì bằng cách đó họ mới có thể ngăn chặn được dòng chảy vũ khí từ Nga đang ồ ạt tràn ra khắp thế giới.
Những ngày này, khi mối đe dọa về một cuộc khủng hoảng kinh tế đã lùi xa khỏi nước Nga, thì một trong những nguyên nhân chủ chốt lý giải cho sự thành công của những nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng ấy của điện Kremlin mới được hé lộ, đó là xuất khẩu vũ khí. Nga thất thu ngân sách từ giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây thì lại được bù đắp bởi việc tăng cường xuất khẩu vũ khí của xứ sở bạch dương ra khắp thế giới.
Và nếu như các nhà lãnh đạo phương Tây quả thực muốn ngăn chặn ảnh hưởng của Nga trên toàn thế giới thì có lẽ họ nên xem xét chấm dứt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, vì bằng cách đó họ mới có thể ngăn chặn được dòng chảy vũ khí từ Nga đang ồ ạt tràn ra khắp thế giới.
Thực ra, ngay từ trong thời điểm Nga còn đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng kinh tế với việc đồng Rup tụt giá chóng mặt còn tốc độ lạm phát thì cao ngất ngưởng, giới phân tích cũng đã đề cập đến việc Nga sẽ tăng cường xuất khẩu các khí tài quân sự vốn là một trong những lĩnh vực xuất khẩu hàng đầu của nước này để bù đắp lại những thiếu hụt do giá dầu giảm mạnh trên thế giới.
Nhưng chỉ đến khi nguy cơ khủng hoảng qua đi, người ta mới đánh giá hết quy mô và tầm cỡ của chính sách xuất khẩu vũ khí mà Moscow đã thúc đẩy trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế, khi những số liệu chính thức về hoạt động xuất khẩu khí tài quân sự của xứ sở bạch dương trong năm 2014 được công bố.
Theo đó, doanh số xuất khẩu chính thức trong lĩnh vực quốc phòng của Nga trong năm 2014 vừa qua được công bố đạt mức 13 tỷ USD, vượt qua mốc xuất khẩu kỷ lục của nước này trong lĩnh vực quốc phòng trước đó là 10 tỷ USD. Sự tăng trưởng đột biến này được xem là kết quả trực tiếp của việc điện Kremlin tăng cường các hoạt động xuất khẩu khí tài quân sự để chống đỡ với tình trạng khó khăn về kinh tế trong giai đoạn nửa sau của năm 2014
Đồng thời nó cũng đến từ việc các cuộc xung đột leo thang trên toàn thế giới trong năm vừa qua đã tạo nên một nhu cầu về vũ khí mạnh mẽ và Nga đã nhanh chóng nắm bắt được xu thế này và đã có một năm bội thu với hàng loạt những hợp đồng đắt giá quy mô lớn từ khắp nơi trên thế giới đổ về xứ sở bạch dương.
Vũ khí và các khí tài quân sự từ lâu đã là một trong những lĩnh vực xuất khẩu chủ chốt của Nga do danh tiếng về sự hiệu quả và tính hiện đại của nó vốn đã được khẳng định vững chắc từ thời Liên Xô, những vũ khí chất lượng cao và giá thành phù hợp cũng như tính hữu hiệu khi tác dụng trên nhiều hoàn cảnh đang khiến vũ khí Nga đang được ưa chuộng hàng đầu trên thế giới.
Cùng với Mỹ, Nga đang là hai nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới và thậm chí có những khách hàng truyền thống sử dụng vũ khí Nga như Ấn Độ hay Trung Quốc. Nên cũng không có gì lạ khi doanh số xuất khẩu trong lĩnh vực quốc phòng của Nga tăng vọt trong năm 2014 một khi Moscow đã bật đèn xanh, vì đó là một cơ hội hiếm hoi để các nước trên thế giới tiếp cận những món trang thiết bị quân sự tối tân của Nga với cái giá mềm và phải chăng hơn bình thường khá nhiều.
Chính vì vậy, không có gì khó hiểu khi các mặt hàng vũ khí công nghệ cao mà rất nhiều nước trên thế giới thèm khát lại chiếm vị trí cao nhất trên bảng doanh thu của Nga trong năm 2014. Ước tính, lĩnh vực không quân của Nga chiếm đầu bảng với một sự vượt trội về doanh thu đến từ hai mặt hàng chiến lược là chiến đấu cơ và trực thăng, theo đó doanh thu từ các hợp đồng bán chiến đấu cơ đạt mức 4,4 tỷ USD còn trực thăng cũng đạt doanh số là 2,2 tỷ USD.
Theo sau là các mặt hàng công nghệ cao khác như tàu ngầm và chiến hạm, với doanh thu 900 triệu USD từ các hợp đồng bán tàu ngầm và 400 triệu USD từ các hợp đồng bán chiến hạm. Những mẫu vũ khí công nghệ cao như các chiến đấu cơ, tàu ngầm hay chiến hạm của Nga từ lâu đã là mục tiêu của sự thèm khát của các quốc gia trên khắp thế giới, khi danh sách các nước có truyền thống sử dụng các khí tài quân sự Nga trên toàn cầu là khá dài, và việc Nga đối mặt với khủng hoảng kinh tế dẫn đến những khó khăn tài chính để bật đèn xanh cho các hoạt động xuất khẩu vũ khí, kể cả các khí tài quân sự mà trước đó Nga không có ý định đem bán trên thị trường.
Với các nước có truyền thống sử dụng vũ khí của Nga thì đây là một cơ hội hiếm có không thể bỏ qua. Trên thực tế hầu hết các hợp đồng mua bán vũ khí lớn nhất của Nga trong năm qua đều đến từ các khách hàng truyền thống của xứ sở bạch dương như Trung Quốc với tổng giá trị xuất khẩu lên tới 2,3 tỷ USD, Ấn Độ là 1,7 tỷ USD, còn Venezuela là 1 tỷ USD.
Các chuyên gia cho rằng, thậm chí doanh số xuất khẩu trong lĩnh vực quốc phòng trong năm 2014 của Nga còn cao hơn nhiều so với con số công bố chính thức, vì Moscow vẫn chưa đề cập đến các hợp đồng xuất khẩu vũ khí bí mật cho các đối tác truyền thống của Nga như Iran hay Syria.
Đơn giản là vì khó có chuyện những nước đang rất khao khát các thiết bị quân sự tối tân của Nga như Iran hay Syria lại bỏ qua cơ hội tiếp cận và đề xuất các hợp đồng khí tài quân sự với Nga trong năm qua. Thậm chí Nga có thể đã bán những vũ khí chiến lược có thể thay đổi tình hình và cục diện ở khá nhiều khu vực trên thế giới.
Không còn nghi ngờ gì về việc Nga bật đèn xanh cho việc tăng cường các hoạt động xuất khẩu trong lĩnh vực quốc phòng trong năm qua đang đem lại những ảnh hưởng không nhỏ trên toàn thế giới. Vũ khí Nga đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên khắp thế giới, các trang thiết bị quân sự hiện đại tiên tiến hàng đầu thế giới của Nga cũng đang có dấu hiệu làm đảo lộn tình hình của nhiều khu vực đang diễn ra tranh chấp trên khắp thế giới.
Cũng giống như các mối quan hệ thương mại và kinh tế, mối quan hệ về mua bán trang thiết bị quân sự cũng là một trong những cách để các cường quốc về khí tài quân sự như Nga gia tăng ảnh hưởng của mình trên toàn cầu, vì khó có chuyện một nước có mối quan hệ tồi với Nga lại có thể mua được các món vũ khí tối tân nhất của xứ sở bạch dương. Các lệnh trừng phạt kinh tế Nga của phương Tây vì thế lại đang vô tình làm gia tăng ảnh hưởng của Nga trên khắp thế giới theo một phương diện nhất định, và một nghịch lý khác là nếu giá dầu càng giảm, thì vũ khí Nga lại càng xuất hiện nhiều hơn trên thế giới.
Nhàn Đàm (theo The Moscow Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét