(TNO) Cuộc họp giữa các ngoại trưởng của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) mới đây cho thấy nhiều nước thành viên không sẵn sàng việc gia tăng lệnh trừng phạt lên Nga, The New York Times cho biết.
“Cho hòa bình một cơ hội, quyết định trừng phạt Nga tính sau”, tờ báo Nga Russia Today giật dòng tít hôm 8.3, đồng thời khẳng định nội bộ EU đang “chia rẽ” về chuyện nên hay không nên trong quyết định về việc gia tăng lệnh trừng phạt lên Nga vì các vấn đề hòa bình ở Ukraine.
Xu hướng hòa hoãn
Cuộc họp của các nhà ngoại giao EU lần này cho thấy nhiều nước bắt đầu xuất hiện xu hướng hòa hoãn với Nga, đặt nền hòa bình ở Ukraine lên cao hơn.
Tờ The New York Times dẫn lời Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho rằng phương Tây “chưa sẵn sàng thắt chặt lệnh trừng phạt lên Nga bất chấp những biểu hiện khiêu khích từ phía Tổng thống Nga Vladimir Putin”.
Báo chí Nga như The Moscow Times và Russia Today cùng trích ý kiến từ các nhà ngoại giao cho thấy lập luận “chưa sẵn sàng” từ phía châu Âu.
Theo đó, mặc dù Anh, Ba Lan, Thụy Điển và các nước vùng Baltic vẫn giữ lập trường cứng rắn, một số thành viên EU khác như Ý, Áo, Síp, Tây Ban Nha và Hy Lạp có biểu hiện kêu gọi sự hòa hoãn.
“Theo tôi, chúng ta không nên thực hiện bất kỳ bước trừng phạt nào khác, hãy cho hòa bình một cơ hội. Các kế hoạch mở rộng (lệnh trừng phạt Nga) có thể xảy ra, nhưng chỉ khi tình hình không cải thiện”, Russia Today dẫn lời Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo nói với hãng tin RIA Novosti.
Ý kiến này giống với lời của đại diện các nước Ý và Áo, trong đó Ngoại trưởng Ý Paolo Gentinoli nói ông nhìn thấy “tín hiệu đáng khích lệ” ở miền đông Ukraine.
Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias cho rằng “không phải bất cứ lệnh trừng phạt nào cũng mang tính xây dựng”, trong khi phía Đức mang lập trường: “điều này phụ thuộc vào thành công của cuộc họp đa phương ở Minsk sắp tới”, theo lời Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier.
Mối lo lợi ích
Diễn biến và các phát biểu tại cuộc họp các ngoại trưởng khối EU cho thấy, các ý kiến không ủng hộ lệnh trừng phạt Nga đa phần xuất phát từ bối cảnh thực tế, rằng EU ít nhất chưa đủ sự đoàn kết để bảo đảm các biện pháp cứng rắn không gây hậu quả lâu dài.
“Chúng ta phải xem cuộc khủng hoảng Ukraina là cái gì đó giống như một sự giáo dục” cho cả châu Âu về hậu quả nghiêm trọng đối với các nước khác trong khu vực, The New York Times trích lời ông Donald Tusk.
Ông Donald Tusk cảnh báo tình trạng hiện tại của EU không thích hợp cho việc trừng phạt Nga - Ảnh: Reuters
|
Trên thực tế, các ý kiến của ông Donald Tusk do tờ The New York Times trích dẫn vẫn thể hiện thái độ cứng rắn xung quanh vấn đề Nga. Tuy nhiên, ông lại nhấn mạnh rằng muốn trừng phạt Nga sâu hơn, EU phải cải thiện khả năng kiểm soát, ít nhất về kinh tế và quân sự.
Ông Tusk cho rằng việc châu Âu đạt được sự nhất trí cần thiết để áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung là “bất khả thi”. “Để xây dựng sự đồng thuận giữa 28 nước dân chủ là rất khó khăn vì nó phải là sự dân chủ thực sự chứ không phải chỉ dân chủ qua tuyên bố miệng”, ông nói.
Một khi còn chưa giải quyết được các vấn đề riêng về sự đoàn kết, lợi ích hòa bình và kinh tế, việc trừng phạt Nga lúc này không nên đặt lên làm ưu tiên, ông Tusk cho biết.
Nhật Đăng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét