Ảnh minh họa |
Một binh sỹ có tên là Sergei đã kể lại câu chuyện của anh bằng một giọng líu nhíu và run run. Sergei ngồi với phóng viên trong một công viên sập sệ đằng sau một cửa hàng McDonalds ở ngoại ô thủ đô Ukraine. Phóng viên đã có cuộc gặp với Sergei vài giờ sau khi lệnh ngừng bắn ở miền đông Ukraine bắt đầu có hiệu lực hôm 5/9. Kể từ đó đến nay, đã có thêm hàng trăm người thiệt mạng trong các vụ bạo lực, giao tranh vẫn tiếp diễn bất chấp lệnh ngừng bắn. Dù chiến sự đã dịu đi rất nhiều, nhưng quân đội Ukraine hàng ngày vẫn phải hứng chịu tổn thất trên chiến trường miền đông.
Sergei - khoảng tầm 20 tuổi, hút hết điếu thuốc này đến điều thuốc khác, khi nói về những trải nghiệm của anh trên chiến trường miền đông trong suốt mùa hè qua. Sergei cho biết, đã 3 lần đạn pháo rơi sát ngay anh. Anh này đã phải vào điều trị tại 5 bệnh viện khác nhau nhưng không cho biết các vết thương của anh nghiêm trọng tới mức nào. Đó là bởi vì Sergei muốn quay trở lại chiến trường càng sớm càng tốt để tham gia cùng với các đồng đội.
Trong khi Sergei nói chuyện với phóng viên trong lần đầu gặp gỡ, một người bạn đã gọi điện cho anh này thông báo rằng có thêm hai người bạn thân của họ đã thiệt mạng.
Trong cái gọi là cuộc cách mạng Maidan, Sergei cho biết, anh này đã tham gia việc “dựng các rào chắn và ném bom xăng”. Thứ giống nhất với một cuộc chiến tranh mà Sergei chứng kiến là những vụ giao tranh đường phố diễn ra hồi tháng 2, khi các cuộc biểu tình nổ ra và cựu Tổng thống Viktor Yanukovych buộc phải tháo chạy khỏi đất nước. Sau đó, Sergei đăng ký gia nhập vào Tiểu đoàn số 12 của Thành phố Kiev.
Sergei mặc bộ quân phục khi gặp gỡ với phóng viên: một chiếc áo kaki và một chiếc quần của quân đội. “Tôi tự mua chúng”, Sergei cho biết đồng thời thêm rằng, “bộ quân phục mà họ cấp cho tôi đã rách nát tả tơi chỉ vài ngày sau đó”.
Khi các binh lính đăng ký gia nhập vào Tiểu đoàn số 12 để đi chiến đấu, mỗi người họ chỉ được Bộ Quốc phòng cấp duy nhất cho một khẩu súng. Không có bất kỳ thêm thứ gì. Vì thế, bạn bè và gia đình phải mua thêm cho họ tất cả những thứ khác mà họ cần cho một cuộc chiến đấu. Người ta đã quyên tiền để mua mũ sắt đội đầu, áo chống đạn, thuốc men và thậm chí là cả phương tiện đi lại.
Những phần lớn những thứ trên đã không cánh mà bay khỏi nhà kho trước khi đơn vị Kiev bắt đầu tham chiến.
“Chúng tôi đã nhìn thấy tất cả đạn dược trong kho, chúng tôi đã thấy những kiện hàng lớn đầy đủ mọi thứ mà bạn bè của chúng tôi gửi cho chúng tôi. Nhưng những thứ đó chẳng đến được tay chúng tôi sau khi chúng tôi bắt đầu lên đường đi chiến đấu”, Sergei cho hay. Khi cuộc chiến bắt đầu, binh lính Ukraine đã ngay lập tức cảm nhận được sự thất bại, thua trận. Bởi vì không có mũ sắt đội đầu, hai trong số những đồng đội của Sergei bị thương vào đầu.
Sergei thẳng thắn chỉ đích danh các sĩ quan cấp chỉ huy của anh này là những kẻ trộm cắp. Và Sergei cũng thấy rằng, những sĩ quan đó chẳng hơn gì anh về trình độ nhưng vẫn được đưa lên làm chỉ huy. “Họ được đào tạo cùng với chúng tôi. Và họ được bổ nhiệm bởi vì có quen biết”, Sergei nói.
Sergei không phải là binh sĩ duy nhất trong quân đội Ukraine phàn nàn, bất mãn về cách cư xử của các tướng lĩnh và sĩ quan trong Tiểu đoàn số 12. Các nhóm ủng hộ cho quân đội đã đích thân thể hiện sự phản đối về tình hình ở Tiểu đoàn số 12 với Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko và nhiều bức thư được gửi lên cho Tổng thống phản ánh đúng câu chuyện mà Sergei đưa ra ở trên.
Trong một bức thư riêng mà tờ The Daily Beast có được và nó được viết hôm 6/9 bởi hai nhóm “Đưa họ về an toàn” và “Giúp đỡ Lực lượng Biên phòng”, Tiểu đoàn số 12 đã bị tố cáo là nơi tồn tại nhiều tiêu cực. Bức thư này dẫn lời của một sĩ quan giấu tên.
“Theo Đại tá B., Tiểu đoàn số 12 được thành lập như là nơi để họ làm ăn chứ chẳng có liên quan gì đến một đơn vị chiến đấu. Thông tin này được xác nhận bởi nhiều đơn vị quân sự khác nhau đang chiến đấu bên cạnh Tiểu đoàn số 12. Tiểu đoàn số 12 chẳng thực hiện nhiệm vụ nào mà nó được giao”, bức thư tố cáo.
Không rõ giới chức Ukraine có thực sự tiến hành một cuộc điều tra xung quanh những cáo buộc trên hay không. Hồi đầu tháng 9 và sau đó là cả trong tháng này, tờ The Daily Beast đã liên lạc với Hội đồng Thành phố Kiev - đơn vị tuyển quân cho Tiểu đoàn số 12, cũng như cơ quan công tố Ukraine và văn phòng Tổng thống Poroshenko để hỏi về thông tin trên.
Các công tố viên cho biết, họ không nhận được bức thư tố cáo nào như nói ở trên trong khi văn phòng Tổng thống Poroshenko và Hội đồng Thành phố Kiev trả lời, họ không biết gì về thông tin được đưa ra về Tiểu đoàn số 12.
Tuy nhiên, tác giả bức thư khẳng định, cô đã chuyển bức thư đến tay giới chức Kiev. Maria Tomak cho hay, một đồng nghiệp của cô đã trình bức thư trực tiếp đến tay Tổng thống Poroshenko khi ông này có cuộc gặp với binh lính tình nguyện hôm 21/8. Maria cho hay, cô viết bức thư bởi Tổng thống không được phép tiếp xúc trực tiếp với binh lính.
Vài tháng sau khi bức thư được chuyển đi, các nhóm ủng hộ cho biết họ vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Maria khẳng định, đang có vấn đề tham nhũng trong quân đội.
Câu chuyện của Tiểu đoàn số 12 làm dấy lên câu hỏi về mức độ tham nhũng, mục ruỗng trong quân đội Ukraine và trong các sư đoàn tình nguyện được lập ra bởi các đảng phái chính trị, các nhóm hoạt động và các hội đồng địa phương.
Năng lực của quân đội Ukraine đã bị suy yếu nghiêm trọng dưới thời chính quyền Yanukovych và nó tiếp tục suy yếu dưới thời người kế nhiệm sau này.
Kiệt Linh - (tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét