Nhằm “lập thuyết” mưu chiếm 80% hải phận của vùng Đông Nam Á (theo đường Lưỡi Bò) - Mao Trạch Đông đã dựng dậy thuyết “Biển lịch sử” do đế quốc La Mã tuyên ngôn cách đây 2000 năm trước.
Đế quốc La Mã mở rộng quyền lực của mình dọc bờ biển Địa Trung Hải đến tận các Kim Tự Tháp, qua biên giới Palestine và đặt chân lên lãnh thổ Iran ngày nay…
Họ nắm chặt nguồn lợi nhờ “kiểm soát toàn bộ lúa mì tại Ai Cập cùng nhiều sản phẩm khác như nước hoa, gạch ngói và bia lúa mạch”, khai thác “thiếc (từ Anh) hoặc đồng (từ Iberia - tên cổ của bán đảo Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha)”, thâu tóm “vải, thảm, nước hoa, đồ thủy tinh và đồ gốm” của các vùng đất phía Đông.
Hải sản và đặc sản khắp nơi: “sò Colchester và trứng cá muối từ biển Baltic, mận khô từ Damascus (thủ đô của Syrie) hoặc từ Tây Ban Nha, nấm mối tại Syrie và một loại sản phẩm gọi là Auvergne tại Pháp” có mặt trên bàn ăn của các quý tộc La Mã.
Gia vị quý hiếm: quế, hạt nhục đậu khấu, hành tỏi “quý như vàng” - được chuyển về La Mã phong phú đến mức bạo chúa Nero “hỏa thiêu bà vợ Poppaea của mình bằng cách đốt gia vị với số lượng bằng cả sản lượng của Ả Rập trong một năm” gom lại (René Poirier - Những công trình vĩ đại của nhân loại, Phạm Quý Điềm biên dịch, NXB Trẻ 2001, tr. 75 và 96).
La Mã tiếp nhận những nguồn lợi trên không chỉ theo 56.000 dặm đường bộ do họ thiết lập, mà còn bằng đường biển qua các hải cảng quan trọng như Thessalonica, Brindisi, Ostia, Smyrna, Marseilles, Cadiz với tàu thuyền tấp nập tới lui để chuyển “hàng hóa tràn ngập về đường phố thành La Mã”. Do lợi ích lớn lao từ hoạt động ở các cảng quốc tế và xuất phát từ quyền lực thực tế của mình trên biển nên “người La Mã gọi Địa Trung Hải là Mare Nostrum tức là biển của chúng ta” (René Poirier - sđd tr. 95). Hai mươi thế kỷ sau, Mao Trạch Đông lập lại tuyên ngôn trên của La Mã vì lợi ích riêng:
“Hồi thế kỷ thứ nhất đế quốc La Mã cũng đòi chủ quyền lãnh thổ toàn vùng biển Địa Trung Hải mà họ gọi là “Biển lịch sử của chúng tôi” (Mare Nostrum: Notre Mer/ Our Sea). Địa Trung Hải là vùng biển bao la chạy từ bờ biển Tây Ban Nha qua Pháp, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ đến các bờ biển Trung Đông và Bắc Phi. Đó là một quan niệm bá quyền lỗi thời từ 2000 năm trước.
“Mặc dầu vậy, từ 1955 - để phục hồi chủ nghĩa bá quyền, Mao Trạch Đông lại nêu lên thuyết Biển Lịch Sử để đòi chủ quyền lãnh thổ tại vùng biển và các hải đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Theo ngoa ngôn của Bắc Kinh, đường Lưỡi Rồng (dân gian gọi là Lưỡi Bò) rộng bằng phân nửa lục địa Trung Hoa. Họ cho đó là một vấn đề “bất khả tranh nghị”.
“Về điểm này chúng ta nhắn nhủ nhà cầm quyền Bắc Kinh rằng: Trong thế kỷ này và dưới vòm trời này, không có điều gì, việc gì, hay vấn đề gì là bất khả tranh nghị. Về mặt tinh thần, văn hóa và đạo lý, Trung Quốc không thể nói một đàng, làm một nẻo. Họ phải tôn trọng danh dự quốc gia và chữ ký của họ trong công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (…) Nếu không đưa ra sự giải thích hợp lý và các cơ sở pháp lý thì Trung Quốc chỉ là kẻ sử dụng “luật rừng xanh” theo chủ trương “mạnh được yếu thua” và “cá lớn nuốt cá bé” để tước đoạt 4/5 thềm lục địa pháp lý của Việt Nam, đồng thời tước đoạt 7/8 thềm lục địa pháp lý của Phi Luật Tân và Mã Lai”
Tài liệu của luật sư Nguyễn Hữu Thống “Hoàng Sa - Trường Sa theo Trung Quốc sử” đã viết như vậy và chỉ rõ :
“Tất cả lý lẽ và lập trường của Trung Quốc thu gọn trong câu: “Biển Nam Hoa là Biển Lịch Sử của Trung Quốc” (…) Theo các luật gia và chuyên viên hải học trên thế giới, thuyết Biển Lịch Sử của đế quốc La Mã và đế quốc Đại Hán đã lỗi thời và lạc hậu. Kể từ 1982, vấn đề Biển Lịch Sử hay Nội Hải đã được giải quyết chung thẩm bởi Điều 8 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Tòa án Quốc tế định nghĩa:
“Biển Lịch Sử là Nội Hải, nghĩa là vùng biển tọa lạc trên đất liền về phía bên trong đường cơ sở của Biển Lãnh Thổ. Theo Tòa Án Tối Cao: “Ngoại trừ trường hợp các quốc gia quần đảo (như Phi Luật Tân hay Nhật Bản), Biển Lịch Sử hay nội hải của một quốc gia nằm bên trong đất liền về phía bên trong đường cơ sở của biển lãnh thổ“. Trong khi đó, Biển Nam Hoa chỉ làngoại hải chạy từ bờ biển Trung Hoa đến bờ biển Nam Dương, và rộng tới 2000 cây số” (LS Nguyễn Hữu Thống).
Trung Quốc không chỉ xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa ở phía Nam Việt Nam, họ còn dòm ngó vùng biển phía Bắc và đòi Việt Nam: “không được tiến hành việc thăm dò trong một khu vực rộng 20.000km2 trong vịnh Bắc Bộ do họ tự ý định ra. Họ còn đòi “không để một nước thứ ba vào thăm dò vịnh Bắc Bộ”.
Lấy cớ “đưa nước thứ ba vào thăm dò không có lợi cho sự phát triển kinh tế chung của hai nước và an ninh quân sự của hai nước”. Đó chỉ là một lý do để che đậy ý đồ đen tối của họ. Cũng vì vậy cuộc đàm phán về đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ từ tháng 8 đến tháng 11.1974 đã không đi đến kết quả tích cực nào” (Công bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam 4.10.1979). Để rồi, Trung Quốc nổ súng (14.3.1988) đánh chiếm các nhóm đảo và đá ngầm: Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa, Gạc Ma, Xubi ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tập tài liệu “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam” 360 trang, biên soạn bởi: Ủy ban Biên giới quốc gia và các nhà nghiên cứu: Nguyễn Nhã, Nguyễn Đình Đầu, André Menras Hồ Cương Quyết, Trần Doãn Trang và Nam Tuân, Ông bà Trần Đăng Đại, Phạm Hân, Phạm Hoàng Quân, Hồ Bạch Thảo, Nguyễn Hồng Thao, Hoàng Việt, Quốc Pháp, Lưu Văn Lợi, Hải Biên(NXB Trẻ, quý IV - 2013, tr. 99) thông tin phía Trung Quốc sau ngày đánh chiếm trái phép đã tiến hành điều tra liên tục về lợi ích chiến lược vùng biển Trường Sa:
“Theo ước tính của Bộ Địa chất và Tài nguyên Khoáng sản Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, vùng quần đảo Trường Sa có trữ lượng dầu và khí đốt tự nhiên rất lớn lên đến 17,7 tỷ tấn (1,60 x 1010 kg), so với 13 tỷ tấn (1,17 x 1010 kg) của Kuwait và được xếp vào danh sách một trong bốn vùng có trữ lượng dầu khí lớn nhất thế giới. Năm 1988, biển Đông chiếm 8% tổng số lượng đánh bắt cá và hải sản của thế giới, một con số chắc chắn còn có thể tăng lên. Trung Quốc đã dự đoán rằng biển Đông chứa lượng cá và các nguồn dầu mỏ, khí gas tự nhiên có giá trị lên đến một nghìn tỷ đô la”.
Mật độ hàng hải qua Trường Sa đứng vào hàng đông đúc nhất trên thế giới. “Trong thập niên 1980, mỗi ngày có ít nhất 270 lượt tàu đi qua quần đảo Trường Sa và hiện tại hơn một nửa số tàu chở dầu siêu cấp của thế giới chạy qua vùng biển này hàng năm. Lượng tài chở dầu chạy qua biển Đông lớn gấp ba lần lượng tàu chạy qua kênh Suez và gấp năm lần lượng tàu qua kênh đào Panama; gần 20% lượng dầu thô trên thế giới được chuyên chở ngang qua biển Đông”.
Quần đảo Trường Sa còn giữ vị trí quan trọng đối với việc giám sát các hoạt động trên biển Đông: “Ví dụ, đá Vành Khăn là một điểm lý tưởng để quan sát các tàu của Hải quân Mỹ chạy qua vùng biển phía Tây Philippines; quần đảo Trường Sa nằm ngang vùng biển thiết yếu để đến Đài Loan”.
Do sức hấp dẫn ấy, nên Trường Sa hiện vẫn là một trong những “tọa độ vàng” của Bắc Kinh trên bản đồ “Biển lịch sử ” do Mao Trạch Đông khoanh vùng, để lại... (còn nữa).
Giao Hưởng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét