Hoàng thân Sihanouk và tổng thống Indonesia Sukarno |
Sihanouk bị Lon Nol và Sirik Matak lật đổ (1970), thất thế phải đáp xuống Bắc Kinh gặp Mao, Mao nói: “Ngài đáng trở thành một người cộng sản - kể từ nay xin ngài hãy cân nhắc việc trở thành một người cộng sản”!
Là một ông hoàng bay bướm, thích ngao du, lẽ nào Sihanouk chịu khép mình vào “đảng Mao”. Ông đáp:
- Thưa chủ tịch, tôi không hiểu chủ nghĩa cộng sản cũng như chủ nghĩa Mác - Lênin là gì. Tôi đã đọc “Sách đỏ” của chủ tịch, thế là đủ.
1. PHNOM PENH: THỦ ĐÔ CỦA NỮ THẦN CALYPSO VÀ CÁC VŨ NỮ APSARA:
Mao chưa buông tha “kẻ ngoại đạo”, vẫn cố thuyết phục để Sihanouk đem sinh mạng chính trị của mình đổi lấy “một vé đến thiên đường”. Có điều, lòng ngưỡng mộ lý tưởng quân chủ trung lập (không cộng sản) đã bắt rễ quá sâu trong máu Sihanouk. Mao khó mà “nhuộm đỏ” những bức tường màu vàng rực ở cung điện hoàng gia Campuchia vốn là màu đặc trưng, quý phái và chói sáng trong ký ức Sihanouk từ ngày ông lên ngôi vua lần thứ nhất năm 1941, mới 18 tuổi (lúc Mao đang còn lận đận) – 14 năm sau, Sihanouk nhường ngôi cho thân phụ là hoàng thân Suramarit làm Quốc vương, còn ông làm thủ tướng (được bầu).
Với vị thế chính trị đó, tháng 4.1955, trên diễn đàn Hội nghị thượng đỉnh các nước Á Phi không liên kết lần thứ nhất nhóm ở Bandung, Sihanouk tuyên bố nước “Campuchia trung lập”. Đến 1960, Quốc vương Suramarit băng hà, Sihanouk lên làm Quốc trưởng.
Dưới quyền Sihanouk, những con đường chính trong thủ đô Phnom Penh trung lập mang tên một số lãnh tụ của các chế độ chính trị khác nhau trên thế giới như: đại lộ Charles de Gaulle (tổng thống Pháp), đại lộ Mao Trạch Đông, đại lộ Liên bang Xô-viết… Ông cho phép mở những hiệu sách bán tiểu thuyết trữ tình của Pháp, đĩa hát Mỹ và tác phẩm triết học phương Tây (Mao rất kỵ). Phnom Penh có những vũ trường đỏ đèn qua đêm. Có quán cà phê hảo hạng Apsara thấp thoáng những vũ nữ má hồng. Có quán rượu mang tên Calypso - nữ thần mây mưa lãng mạn trong trường ca Odyssée – đã yêu đơn phương Ulysse suốt 7 năm và hứa hẹn sẽ trao người mình yêu “một trái tim không bao giờ ngừng đập”.
Buổi trưa, du khách có thể bất chợt bắt gặp giữa Phnom Penh cô bán sách nằm mơ màng bên những cuốn “Đứa con đi hoang trở về” của André Gide, hoặc gối đầu lên “Bạo chúa Caligula”và những “Con người phản kháng” của Albert Camus để ngủ. Bernard Krisher - một trong những trưởng văn phòng của tuần báo Newsweek tại châu Á - là nhà báo đầu tiên phỏng vấn hoàng đế Hirohito của Nhật – đến Phnom Penh mùa xuân 1965 dự dạ hội hoàng cung với “những người mẫu xinh đẹp lái những chiếc xe hơi đời mới nhất và sang trọng nhất giống như một buổi trình diễn thời trang ở Paris” và đọc thấy trong bản tin hàng ngày của hãng thông tấn Khmer lúc ấy đăng danh sách “hàng nhập khẩu ở nước ngoài với số lượng những cuộn phim Kodak và những chai rượu Perrier”. Bernard Krisher nhận xét: “Người Campuchia, dưới thời Sihanouk, được sống trong một tủ kính tuyệt vời - và không ai có thể ném đá vào cái tủ kính đó”.
Mười năm sau, Khmer Đỏ thay vì ném đá, đã đặt bom giật nổ tung tất cả, muốn lật mặt đất Phnom Penh lên để moi tìm hạt giống “bảo hoàng” sót bên dưới, lạnh lùng theo kiểu hồng vệ binh của Mao từng đập phá lăng mộ Thành Cát Tư Hãn và Chu Nguyên Chương - hoàng đế khai sáng nhà Minh (Minh Thế Tổ). Một nhận xét khác: trong thời trị vì của Sihanouk, mặc dầu đâu đó vẫn tồn tại những xóm nghèo, song thủ đô Phnom Penh vẫn “giống như một thành phố êm đềm ở một tỉnh của Pháp (…) lối sống hòa nhã, tử tế. Phnom Penh đã tự xưng là hòn ngọc của Đông Nam Á, mặc dù Sài Gòn cũng đã ở ngôi vị như vậy. Tất cả đã qua đi, đã bị Khmer Đỏ xóa sạch” (Hun Sen - sđd. tr. 232).
2. BẮC KINH: THỦ ĐÔ VỚI ĐỢT “SÓNG THẦN MÀU ĐỎ”:
Cùng thời điểm 1965 – 1969, khi thủ đô Phnom Penh mở cửa rộng thoáng, Bắc Kinh thế nào? Trần Trường Giang (sđd ở Kỳ 8, tr.46-47) thuật: Ngày 18.8.1966, lễ meeting Đại cách mạng văn hóa cử hành trọng thể tại thủ đô. Chu Ân Lai thông báo: trung ương quyết định, toàn bộ sinh viên trên cả nước và một bộ phận học sinh trung học làm đại biểu cho lực lượng hồng vệ binh, phân chia thành từng tốp, lần lượt đến Bắc Kinh để Mao chủ tịch tiếp kiến.
Chỉ trong thời gian rất ngắn, hàng triệu thanh thiếu niên trên cả nước “đi bằng xe lửa, ô tô, đi bộ, trèo qua núi cao, vực sâu, lũ lượt kéo đến (…) bất luận đi bằng phương tiện gì, ăn ngủ ở nhà nghỉ hay khách sạn đều không phải trả tiền, thậm chí còn được phát tiền lộ phí, bởi họ là khách quý của Mao chủ tịch, được Mao chủ tịch mời đến”.
Khoảng thời gian đó, đường phố thủ đô Bắc Kinh tràn ngập “toàn người là người, nhà nhà có khách, cửa hàng cửa hiệu đầy ắp khách (ăn không trả tiền)”. Từng đợt, từng đợt tiếp tục đến, đông quá không còn chỗ ở “họ kéo nhau ra công viên, ra các đường phố lớn dựng nhà bạt làm chỗ ăn ở tạm. Tổ chức đem bánh mì, bánh bao, trứng gà phát không tận tay. Cả thủ đô Bắc Kinh gồng mình lên đón tiếp họ”. Việc mua bán tắt nghẽn. Rồi sau đó?
Họ cầm “Sách đỏ” của Mao hăng máu bước vào “thời của những kẻ giết người”. Tài liệu Tân Tử Lăng ghi: “chỉ riêng hạ tuần tháng 8.1966, nội thành Bắc Kinh đã có hàng ngàn người bị đập chết tươi - nhiều người khi ấy đã được chứng kiến những cuộc tắm máu, những kiểu giết người cực kỳ man rợ như thời Trung cổ”.
Tập thể đao phủ gồm những hồng vệ binh trẻ tuổi dùng gậy gộc đao búa đánh vào đầu những người thuộc 4 đối tượng do Mao quy định: “địa chủ, phú nông, phản cách mạng và phái hữu đi theo con đường tư bản”. Máu chảy, Mao cấm quân đội và công an không can thiệp, ngăn cản, hoặc nổ súng vào hồng vệ binh, dẫu chỉ “bắn lên trời” để dọa !
Không khí thù hằn tràn ra khỏi thủ đô, bao trùm cả nước Trung Hoa rộng lớn, tỉnh Hồ Nam là một trong những điển hình: “Khắp nơi là những bố cáo giết người của tòa án tối cao bần nông và trung nông lớp dưới, những khẩu hiệu kêu gọi giết sạch 4 loại người (đã nêu trên). Trong 66 ngày từ 13.8 đến 17.10.1967 có 4.519 người thiệt mạng, trong đó gồm 4.193 người bị giết, 326 người bị buộc phải tự sát” - theo Tân Tử Lăng.
3. SIHANOUK: “TÔI LÀ NGƯỜI THEO ĐẠO PHẬT. HÃY THA LỖI CHO TÔI”
Khác Mao, Sihanouk không thích bạo lực. Ông thích soạn nhạc, chơi saxophone sành sỏi và đạo diễn nhiều cuốn phim như “Hoa hồng Bokor” do chính Sihanouk thủ vai một đại tá người Nhật trong thế chiến thứ hai đã yêu thương một cô gái Campuchia xinh đẹp (do vợ ông, bà hoàng Monique đóng) – gởi gắm thông điệp: “tình không biên giới”.
Gặp gỡ các lãnh tụ: De Gaulle, Nehru, Nasser, Khruschchev, Boumédienne, Sékou Touré… trong nhiều trường hợp Sihanouk vượt qua rào cản ngoại giao để thân mật hơn khi tiếp chuyện. Với tổng thống Achmed Sukarno (1901 - 1970) của Indonesia chẳng hạn. Sukarno là“một nhà ngôn ngữ học hoàn hảo” giỏi tiếng Hà Lan, nói thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Pali (ngôn ngữ cổ Ấn Độ).
Còn Sihanouk giỏi tiếng Pháp, học tiếng La tinh và tiếng Hy Lạp cổ điển tại trường Trung học Lycée Chasseloup Laubat (nay là trường Lê Quý Đôn - TP. HCM). Họ, hai người, Sihanouk và Sukarno ngay lần gặp mặt đầu tiên đã tỏ vẻ tâm đắc, nói chuyện bằng tiếng Pháp không cần phiên dịch, nhanh chóng thành “đôi bạn chân tình” hiếm có trong giới những lãnh tụ. Sukarno chiêu đãi, hoàng thân Sihanouk cụng ly hát bài La vie en rose (Đời đẹp tựa bông hồng),J’attendrai (Anh sẽ đợi) và chia tay hát bài Sayonara (Chào tạm biệt) vượt qua nghi lễ quốc gia, đến gần với “tình nghệ sĩ”. Còn Mao?
Mao thuyết giảng chủ nghĩa Mác – Lênin “mang màu sắc Trung Quốc”.
Sihanouk cám ơn:
- Tôi tán thành những lý tưởng của chủ tịch, nhưng tôi không biết gì về chủ nghĩa cộng sản. Tôi không thể trở thành một người cộng sản tốt được.
Vì Sihanouk “không biết gì”, nên Mao hướng dẫn “đọc những luận văn tóm lược về chủ nghĩa cộng sản mà người ta nói là để làm cho chủ nghĩa Mác Lê-nin dễ hiểu hơn” - nói trắng ra, Mao muốn khuyên Sihanouk “học thuộc lòng” những sách nhập môn về lý thuyết cộng sản dành cho các đảng viên dự bị. Đến đó, Sihanouk thấy cần kết thúc:
- “Thưa chủ tịch, rõ ràng là tôi không thể – tôi đã quá già để không thể thay đổi triết lý sống của mình. Tôi là người theo đạo Phật. Hãy tha lỗi cho tôi”.
Nghe vậy “Mao Trạch Đông hoàn toàn thất vọng đối với tôi (Sihanouk)”, để không lâu sau Mao xoay sang “hết lòng ủng hộ chế độ Pol Pot”, sẵn sàng làm theo mật lệnh của Mao. Văn kiện của Bộ Ngoại giao Việt Nam 4.10.1979 nêu rõ: Trung Quốc đã “gạt Quốc trưởng Sihanouk và những người thân cận của ông ta, để xây dựng nên một chế độ phát xít diệt chủng (do Pol Pot đứng đầu) có một không hai trong lịch sử loài người và thông qua chế độ đó hoàn toàn kiểm soát nước Campuchia, biến Campuchia thành một nước chư hầu kiểu mới và căn cứ quân sự của họ để tiến đánh Việt Nam từ phía Tây Nam” (tài liệu đd Kỳ 43).
Cuộc đối thoại giữa Mao và Sihanouk trên do chính Sihanouk kể, tóm lược từ Hồi ký Sihanouk– những lãnh tụ thế giới mà tôi từng biết, Trần Chí Hùng dịch, sđd Kỳ 44, tr. 151-152. (những câu trong ngoặc kép có nội dung liên quan trích từ nguyên văn bản dịch).
Là người theo đạo Phật, Sihanouk rất khó xử khi một “người bạn lãnh tụ” nào đó mời ông tham gia những trò giải trí “sát sinh” như đi săn bắn hoặc câu cá. Một đoạn Hồi ký Sihanouk về mối quan hệ với nguyên soái Josip Broz Tito của Nam Tư nói rõ điều đó. Tito thân Sihanouk tới nỗi mỗi lần Sihanouk đến thăm, Tito tự tay lái xe đưa tới ngôi biệt thự nhỏ bằng gỗ trên đảo Wanga, lấy từ hầm rượu một chai vang trắng hảo hạng của Nam Tư sản xuất từ 1892 (năm sinh Tito) để mời và đích thân “làm món thịt quay kiểu Mỹ cho Monique vợ tôi và tôi, rồi tự tay pha cà phê Thổ Nhĩ Kỳ tỏa hương thơm ngào ngạt”. Nhưng “có một trò giải trí tôi không chấp nhận là săn bắn và tôi cũng không thích đi câu trong khi Tito lại rất thích cả hai, đặc biệt là đi săn” (sđd. tr. 165).
Ở đoạn khác: “trong chuyến đi thăm Phnom Penh, Tito muốn tôi tổ chức một cuộc đi săn voi (…) làm sao tôi có thể biện hộ cho việc săn bắn những con dã thú trước 80.000 vị sư mà họ có thể “xé tôi ra từng mảnh” vì buộc tội tôi là một nguyên thủ quốc gia theo đạo Phật không được phép sát sinh” – đi săn voi, câu cá là phạm giới (sđd. tr. 171).
Khi Sihanouk nói “tôi là người theo đạo Phật” Mao ít nhiều “bẽ mặt”, vì Mao đã ra lệnh đàn áp tàn nhẫn những người Phật tử sau ngày nắm chính quyền: “cộng sản thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949 Phật giáo phải đương đầu với một chính sách duy vật, vô thần, xem tôn giáo là thuốc phiện, là công cụ của giai cấp thống trị - chính sách chung là bài trừ tôn giáo” (Trần Quang Thuận - Phật giáo Trung Quốc, NXB Tôn Giáo, Hà Nội quý IV - 2008, tr. 537).
Trần Quang Thuận viết tiếp: “Cộng sản Trung Hoa tuyên bố chính sách tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng” để huyễn hoặc và che mắt công chúng, bởi: “tự do không tín ngưỡng” có nghĩa là cho phép những người vô thần “có quyền chống lại bất kỳ tín ngưỡng tôn giáo nào”(trong đó có Phật giáo và Công giáo).
Ngày 4.8.1950, chưa đầy một năm thành lập nước CHND Trung Hoa, Mao Trạch Đông chính thức nêu quan điểm: “xem tu sĩ Phật giáo, đạo sĩ Lão giáo (…) là ký sinh trùng của xã hội, phương trượng trụ trì ở các đại tự là thành phần địa chủ sống bằng mồ hôi nước mắt của dân”,mở đường cho chiến dịch càn quét dã man chùa chiền, tự viện, sát phạt bắt bớ các vị cao tăng, hòa thượng, chư tăng ni và thiện nam tín nữ khắp Trung Quốc, với những cuộc đấu tố tra khảo đẫm máu giữa sân chùa, được giải mật và sẽ tường thuật chi tiết ở kỳ sau (còn nữa)
Giao Hưởng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét