Tổng thống Obama |
"Chúng tôi vẫn đang chờ đợi để xem xem liệu những tổn thất gây ra cho nền kinh tế của Nga có ảnh hưởng đến các hoạt động của Moscow trong khu vực đó của thế giới hay không", thư ký Earnest cho biết trong cuộc họp báo ngày hôm qua.
Theo lời ông Earnest, dấu hiệu cho thấy việc thực thi các biện pháp trừng phạt có thành công hay không phụ thuộc vào việc Moscow có chấp nhận các điều kiện ngừng bắn và các tiêu chuẩn quốc tế cơ bản.
"Chúng tôi tiếp tục có những quan ngại, nhưng rõ ràng chế độ trừng phạt mà Mỹ đang áp dụng đã gây tổn thất đối với nền kinh tế Nga và Nga đang phải trả giá cho hành động của họ ở Ukraine”, thư ký Nhà Trắng đã nói như vậy.
Mỹ, Liên minh Châu Âu và các nước phương Tây đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt về kinh tế lên Nga vì cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng UKraine. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây không chỉ nhằm vào các cá nhân Nga mà còn nhằm vào những ngành, lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế của Nga như ngân hàng, quốc phòng và năng lượng.
Những biện pháp trừng phạt trên vẫn được duy trì bất chấp việc Moscow kiên quyết bác bỏ cáo buộc về việc nước này can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Đông Âu khuất phục trước sức mạnh của Putin?
Trong khi Mỹ thừa nhận không thể khuất phục được Nga bằng các đòn trừng phạt thì Liên minh Châu Âu (EU) tiếp tục đối mặt với vấn đề mâu thuẫn, rạn nứt trong nội bộ. Nhiều nước Đông Âu được cho là bị khuất phục trước sức mạnh của Tổng thống Putin và của nước Nga.
Trên thực tế, nhiều nước Đông Âu có mối quan hệ tốt với Nga và phản đối việc phương Tây trừng phạt Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ví dụ như Hungary, dù là một thành viên NATO nhưng Thủ tướng của Hungary lại thực sự mến mộ Tổng thống Nga Putin. Ông này gần đây tuyên bố Tổng thống Putin là một hình mẫu chính khách mà ông muốn hướng tới. Hay như một thành viên khác của NATO là Slovakia, Thủ tướng nước này đã ví việc NATO có ý định triển khai quân ở nước ông giống như sự chiếm đóng của Liên Xô năm 1968. Bộ trưởng Quốc phòng của Cộng hòa Czech – cũng là một thành viên NATO, đã đưa ra sự so sánh tương tự. Chính phủ Czech còn cùng với Slovakia và Hungary phản đối gay gắt việc Liên minh Châu Âu áp dụng các biện pháp trừng phạt với Nga. Ngoài ra, Serbia – một thành viên trong “đối tác vì hòa bình” của NATO đã long trọng đón chào Tổng thống Putin đến thủ đô Belgrade trong tháng này để dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Hồng quân Liên Xô giải phóng thành phố. Ông Putin đã được đón chào bằng màn diễu binh hoành tráng và rầm rộ.
Với Ba Lan, mọi việc bắt đầu có sự đổi khác. Trước đây, Ba Lan vẫn còn dẫn đầu trong các nỗ lực ở Liên minh Châu Âu và NATO trong việc ủng hộ cho chính quyền Kiev và trừng phạt Nga. Tuy nhiên, trong tháng này, sau khi Thủ tướng mới – bà Ewa Kopacz lên cầm quyền, bà này đã nhanh chóng ra lệnh cho Ngoại trưởng Ba Lan khẩn cấp thay đổi chính sách trong vấn đề liên quan đến Nga và Ukraine. Phát biểu trước Quốc hội, nữ Thủ tướng Kopacz không ngần ngại bày tỏ lo ngại về việc Ba Lan có thể bị “cô lập” ở Châu Âu do việc đặt ra “các mục tiêu không thực tế” ở Ukraine.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tự chúc mừng mình về việc giữ vai trò dẫn dắt trong một “phản ứng thống nhất” của phương Tây đối với Nga và Tổng thống Putin. Mỹ cho rằng, họ đã cùng với Châu Âu lập ra được một mặt trận đoàn kết, thống nhất chống lại Nga và cô lập Tổng thống Putin. Trên thực tế, một phần lớn trong liên minh NATO đã bắt đầu lặng lẽ ngả về phía Moscow. Những chính phủ này làm thế một phần vì các lý do kinh tế như họ phụ thuộc vào nguồn năng lượng cũng như thị trường xuất khẩu của Nga. Các nước Châu Âu đang thực sự lo ngại về hậu quả của những biện pháp trừng phạt leo thang mà chính họ đang áp đặt lên Nga – một trong những đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của họ.
Thủ tướng Czech Bohuslav Sobotka từng thẳng thừng tuyên bố nước ông không muốn NATO đưa quân đến Ba Lan và các nước Baltic như một cách để răn đe Nga. Ông Sobotka nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Slovakia Roberto Fico. Ông Fico không chỉ bác bỏ ý tưởng đưa quân NATO đến khu vực mà còn khước từ lời kêu gọi tăng chi tiêu quân sự của Tổng thống Obama và miêu tả các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga là hành động “tự sát”, “vô nghĩa.” Mạnh mẽ hơn, Thủ tướng Hungary Viktor Orban hồi cuối tháng 7 đã có bài phát biểu trong đó ông này miêu tả Nga là một hình mẫu “bởi những giá trị tự do (ở Mỹ) ngày nay gắn liền với tham nhũng, sex và bạo lực”.
Nếu những diễn biến trên được gọi là “phản ứng thống nhất” hay mặt trận thống nhất, đoàn kết thì có lẽ đó là mặt trận được dựng lên bởi Tổng thống Putin chứ không phải là Tổng thống Obama.
Vân Linh - (tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét