Tên lửa chiến thuật của Liên Xô triển khai tại Cu Ba, nhắm vào nước Mỹ |
Chưa đầy một năm sau ngày Trung Quốc thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên (10.1964), Mao Trạch Đông đã lớn tiếng tuyên bố: “ Trung Quốc phải giành lấy Đông nam châu Á bao gồm cả miền nam Việt Nam...” (8.1965).
Lúc chưa có gì, Trung Quốc mang “mặc cảm hạt nhân” trước những lời đe dọa của Mỹ.
Khi đã sở hữu vũ khí nguyên tử, Mao Trạch Đông quay ra “đe dọa” các nước láng giềng của mình. Bằng chứng: tại cuộc họp bộ chính trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc tháng 8.1965, Mao Trạch Đông hô hào:
- “Chúng ta phải giành cho được Đông nam châu Á, bao gồm cả miền nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore … Một vùng như Đông nam châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản.. xứng đáng với sự cần thiết phải chiếm lấy… Sau khi giành được Đông nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô – Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây” (Văn kiện của Bộ Ngoại giao CHXHVN: “Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua”-công bố ngày 4.1.1979).
Muốn “thổi bạt gió Tây” và chen lên ngôi “bá chủ” toàn cầu, chuyển thế giới “hai cực” (Mỹ – Liên Xô) thành “ba cực” (Mỹ – Liên Xô – Trung Quốc) theo công thức Kissinger, Mao Trạch Đông phải lật ngược chính sách liên minh:
1. xem Liên Xô là kẻ thù – khi mà trước đó, trong chiến tranh Triều Tiên – Trung Quốc và Liên Xô là “hai nước anh em” sát cánh đánh Mỹ.
2. Xem Mỹ là bạn – dầu trong chiến tranh Triều Tiên, Mỹ là địch thủ “không đội trời chung” đã gây thương vong cho khoảng 1 triệu quân Trung Quốc (song Trung Quốc chỉ thừa nhận: Trung Quốc và Bắc Triều Tiên thương vong 1.103.000 người. Riêng Trung Quốc là 300.000 người, với 115.000 quân chết trận).
Với đối sách trên, Mao Trạch Đông nghênh đón tổng thống Mỹ Nixon sang thăm Bắc Kinh (xemkỳ 25). Tại hội đàm Trung Nam Hải, Nixon nói với Mao Trạch Đông:
- “Người Trung Quốc và người Mỹ chúng ta xích lại gần nhau không phải bằng lời lẽ triết lý hoặc hữu nghị mà do mệnh lệnh của nền an ninh quốc gia (của Mỹ và Trung Quốc). Tôi cho rằng các quyền lợi của chúng ta là chung trong các lãnh vực…” (Hồi ký Richard Nixon - sđd. ở Kỳ 24, tr.697).
Từ “quyền lợi chung” đó, Nixon lưu ý Mao Trạch Đông về lực lượng hạt nhân của Liên Xô “đã tiến bộ với một tốc độ đáng sợ trong vòng 4 năm qua - từ 1968-1972” (Richard Nixon - sđd. tr.692).
Sau chuyến thăm Trung Quốc bảy năm, hai nước Trung Quốc – Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (1.1.1979) dưới “thời Đặng Tiểu Bình”. Và Đặng Tiểu Bình kế tục Mao Trạch Đông liên minh với Mỹ “thời tổng thống Jimmy Carter”. Carter đã ký văn bản chuẩn y kế hoạch siêu mật về cuộc “chiến tranh hạt nhân hạn chế” tấn công Liên Xô và các nước Đông Âu. Tên gọi kế hoạch là: “President Directive 59”: PD59-ngày 25.7.1980.
Hơn 30 năm sau, tài liệu PD59 được Cục lưu trữ hồ sơ quốc gia Mỹ – Nara giải mật, cho biết cuộc chiến hạt nhân sẽ do Mỹ chủ động đánh trước, ít nhất theo hai đợt. Đợt đầu, nhằm làm tê liệt khả năng phòng thủ và hủy diệt các trung tâm công nghiệp Liên Xô và các nước đông Âu. Sẽ tùy theo mức độ thiệt hại của đối phương để tính toán đánh đợt thứ 2 tiếp đó.
Do yêu cầu “tối mật”, nên nhiều lãnh đạo hàng đầu trong chính phủ Mỹ như ngoại trưởng Edmun Muskie vẫn không được hỏi ý kiến và không hay biết gì. Cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brezinski và bộ trưởng Quốc phòng Harold Brown cùng tướng William Odom chịu trách nhiệm mở các đợt diễn tập, chuyển vũ khí hạt nhân vào vị trí tấn công thường trực, hướng đến các mục tiêu chấm sẵn trên “bản đồ quân sự” theo đúng “chỉ thị PD 59” siêu mật.
Về mặt công khai, trước ngày Carter chuẩn y PD59 khoảng một tháng, Bộ trưởng Quốc phòng Anh tuyên bố đồng ý cho Mỹ đặt 160 tên lửa hạt nhân cách thủ đô Luân Đôn 97km chĩa về phía Liên Xô. Chuyên gia Marsall Shulman khẳng định “cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đe dọa sự sống còn cho cả hai phía”. vì rõ ràng “không ai có thể chiến thắng trong cuộc đối đầu hạt nhân”.Và, đó chỉ là:“cuộc chạy đua vào cõi chết”... (còn nữa)
Giao Hưởng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét