Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch (phải) trước nội chiến |
“Nhất tự trường xà” (con rắn dài hình chữ Nhất) là tên gọi thế trận “dàn hàng ngang” hiểm hóc của Tưởng Giới Thạch, trùng trùng giăng đánh đại quân của Mao Trạch Đông đang tiến về uy hiếp Bắc Kinh ở giai đoạn đỉnh điểm của cuộc chiến tranh Quốc - Cộng…
Tưởng Giới Thạch (1887-1975) - người tỉnh Chiết Giang - thọ giáo những bài học chính quy về chiến lược và chiến thuật quân sự tại Nhật năm 21 tuổi (1908) và tại Liên Xô năm 37 tuổi (1924), làm Tổng tư lệnh Quân đội Quốc dân đảng, thành lập chính phủ Quốc dân đảng Trung Hoa tại “thủ phủ Nam Kinh” năm 40 tuổi (1927).
Giai đoạn tiếp đó, trong thập niên 1930-1940, Tưởng Giới Thạch gắng sức tạo dựng lực lượng lục quân, không quân và hải quân, tạo sức mạnh vũ trang chống Cộng, lùng sục tiêu diệt Hồng quân Trung Hoa.
Tháng 8.1942, Tưởng Giới Thạch đã bắt giam Hồ Chí Minh tại huyện Đức Bảo, tỉnh Quảng Tây khi Hồ Chí Minh rời chiến khu Cao Bằng (vượt biên giới Việt - Trung sang Trung Quốc) tìm cách bắt liên lạc với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai.
Chu Ân Lai đang ở Trùng Khánh gặp Tưởng Giới Thạch yêu cầu trả tự do cho Hồ Chí Minh. Chu Ân Lai “còn gặp Phùng Ngọc Tường - một tướng lĩnh Quốc dân đảng yêu nước, bàn biện pháp cứu Hồ Chí Minh. Chính Phùng Ngọc Tường cũng đã đích thân gặp Tưởng Giới Thạch để thuyết phục Tưởng thả Hồ Chí Minh” (Trần Quân Ngọc - sđd. ở Kỳ 42. tr. 174-175). Tưởng Giới Thạch giam Hồ Chí Minh “suốt 13 tháng trời”, giải qua “13 huyện lỵ” và “13 nhà tù”- chính trong khoảng tù đày này, Hồ Chí Minh viết “Nhật ký trong tù” (sđd. tr. 175).
Nhận định về Tưởng Giới Thạch, cuốn “Ảnh hưởng Trung Quốc sử 100 danh nhân” Nhân dân xuất bản xã Bắc Kinh 1999, sđd. tr. 133 - 135, viết : “Nhận xét và đánh giá Tưởng Giới Thạch là chuyện rất khó trong lịch sử” - vì tuy phát động cuộc chiến chống Cộng, nhưng ông ta “cũng là người thống nhất quần hùng, kết thúc cuộc tranh chấp giữa các tập đoàn quân sự lũng đoạn, kiên trì kháng Nhật 8 năm. (…) Tuy nhiên cũng cần phải chỉ ra rằng, trong 8 năm kháng Nhật, Đảng CSTQ trước sau vẫn là người đứng mũi chịu sào”.
Cuối cuộc chiến Quốc - Cộng, Tưởng Giới Thạch thi triển chiến thuật “nhất tự trường xà” trên các mặt trận. Ông bố trí đội hình theo hàng ngang (chữ Nhất) trải dài ngót hàng trăm, hàng nghìn cây số (như “trường xà Nam Trường Giang” từ Hồ Khẩu đến Nghi Xương ngót 1.800km do 118 sư đoàn trấn giữ). Cuối cùng, vẫn bị các tư lệnh mặt trận của Mao Trạch Đông nhưTrần Nghị (tư lệnh kiêm chính ủy Dã chiến quân 3 - Hoa Đông), Lưu Bá Thừa (tư lệnh Dã chiến quân 2 - Trung Nguyên), Đặng Tiểu Bình (chính ủy Dã chiến quân 2) phá thủng phòng tuyến.
Để chống “trường xà”, Mao tung quân chia cắt đối phương làm nhiều đoạn (chặt đứt liên hệ và phá vỡ sức mạnh tổng lực). Cắt và bao vây (nhưng chưa đánh) phối hợp với cắt và không bao vây (nhưng đánh bất ngờ) - nổ súng theo phương châm “đánh hai đầu trước, đánh khúc giữa sau”. Điển hình:
“Ngày 29.11.1948, Đảng Cộng sản với binh lực một triệu quân, phát động chiến dịch Bình Tân, (…) chia cắt thế trận “nhất tự trường xà” của địch làm mấy đoạn. Cắt đứt liên hệ giữa Bắc Bình (tức Bắc Kinh), với Thiên Tân (và Đường Cô)”. Mao Trạch Đông “vây Trương Gia Khẩu và Tân Bao An ở phía Tây (nhưng không đánh ), thu hút địch ở Bắc Bình, Thiên Tân không cho chạy sang phía Đông ra biển - chia cắt Bắc Bình với Thiên Tân (nhưng không vây)… để về sau có thể tuần tự tiêu diệt từng bộ phận”. Lần lượt “đánh chiếm Tân Bảo An và Trương Gia Khẩu (ở phía Tây) sau đó giám sát cảng Đường Cô (ở phía Đông) và tập trung đánh vào Thiên Tân”.Kết quả :
Thiên Tân là thành phố lớn thứ hai ở Hoa Bắc, phòng thủ kiên cố, đã bị 340.000 quân Mao Trạch Đông tổng công kích (14.1.1949): “qua một ngày kịch chiến, (quân Mao Trạch Đông) tiêu diệt hoàn toàn quân phòng thủ (của Tưởng Giới Thạch), bắt sống tư lệnh Trần Trường Tiệp và giải phóng Thiên Tân”.
Thiên Tân thất thủ, 250.000 quân Tưởng Giới Thạch đóng ở Bắc Kinh rúng động, rơi vào tâm thái tuyệt vọng. Tướng tư lệnh Phó Tác Nghĩa của Quốc dân đảng buông súng - chấp thuận ký kết “hiệp định giải phóng hòa bình Bắc Bình (Bắc Kinh)” - để Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc cử hành nghi thức trọng thể nhập thành Bắc Kinh giữa hơn 2 triệu dân cầm cờ đỏ vẫy chào.
Không ngờ, trong cách mạng văn hóa vô sản, Mao đảo ngược thế trận “nhất tự trường xà”thành “trường xà nhất tự” - và “nhất tự” của Mao là một chữ: “tử”. Ứng dụng chiến thuật “chia cắt”, Mao (lấy cớ đang có xung đột với Liên Xô) để Lâm Bưu ra “mệnh lệnh số 1” di tản các nguyên soái của “dòng nước ngược tháng hai” (xem Kỳ 67) ra khỏi thủ đô Bắc Kinh, mỗi người một ngã: Trần Nghị (đến Thạch Gia Trang), Diệp Kiếm Anh (đến Trường Sa), Từ Hướng Tiền(đến Khai Phong), Nhiếp Vinh Trăn (vào bệnh viện)... (còn nữa).
GIAO HƯỞNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét