Vua Phổ Nghi trong chiếc áo tù mang số 981 |
Mao Trạch Đông thường nhắc đến cựu hoàng Phổ Nghi (trong các cuộc gặp gỡ với chính khách quốc tế) như một trong những điển hình mầu nhiệm về kết quả cải tạo tư tưởng của nền cộng sản Trung Hoa…
Nhưng trước ngày trở thành công dân của Mao (sau hơn 9 năm tẩy não 1950-1959), Phổ Nghi (khoảng 1945-1949) đã mấy lần đề nghị Stalin cho ông định cư ở Liên Xô để tránh bị Mao Trạch Đông (và cả Tưởng Giới Thạch) sát phạt. Nhưng Stalin từ chối…
Đó là những ngày cựu hoàng bị quản thúc và trôi dạt trên đất Nga mang theo nhiều bảo vật của hoàng cung, giấu dưới chiếc rương có hai đáy do quan hầu cận tin cẩn của ông: Lý Quốc Hùng thiết kế (xem Kỳ 71).
Lý Quốc Hùng kể:
Ở Nga, Phổ Nghi gọi Lý đến, chỉ chiếc rương da (dùng đựng máy quay phim) dài chừng 45cm, rộng 15cm, cao 60cm, bảo hãy tìm cách giấu các bảo vật trong chiếc rương ấy. Lý nói muốn vậy phải tạo đáy rương thành hai lớp mới được. Bằng cách “rọc lớp nhung đen trong rương ra, lót một miếng ván gỗ dưới đáy, sau đó canh đến độ cao nhất định thì lấy miếng ván khác đậy lên, xong rồi dán vải nhung đen lại, như vậy rất khó nhìn ra” (Vương Khánh Tường, sđd ở Kỳ 71, tr. 434).
Phổ Nghi khen hay, thúc Lý Quốc Hùng thực hiện. Lý dùng con dao cùn làm “rương hai đáy” vào ban đêm, vì ngại ban ngày dễ bị tạp vụ lui tới phát hiện. Qua ba đêm mới xong, Phổ Nghi“đem ngọc thạch, phỉ thúy, đồng hồ… đặt vào - tổng cộng có 468 món - bên trên đáy giả xếp đầy quần áo mặc thường ngày. Nếu không dùng thước đo thì khó phát hiện rương này có hai đáy. Phổ Nghi nhìn trái nhìn phải có vẻ rất hài lòng”. Có điều, bảo vật nào kích thước lớn không giấu dưới đáy rương đành để ngoài, cộng thêm một số khác có giá trị thấp hơn, được Phổ Nghi gom lại và thông qua Cục Nội vụ địa phương hiến tặng chính phủ Liên Xô. Cục trưởng Cục Nội vụ phái ngay những chuyên gia đến thẩm định, tiếp nhận và ngỏ lời cảm ơn. Dịp ấy “Phổ Nghi đưa ra yêu cầu được sống tại Liên Xô” (sđd. tr.436) - để khỏi bị dẫn độ về Trung Quốc.
Sau cuộc “hiến tặng”, còn nhiều bảo vật khác Phổ Nghi tiếc nuối giữ lại, như không ít đồ trang sức bằng bạch kim cẩn đá quý, song chưa biết cất giấu vào đâu. Lý Quốc Hùng phải may“trong áo veste của ngài một cái túi” để đựng những thứ đó. Nhưng “khi tắm cũng phải cởi y phục để bên ngoài, như vậy thì không an toàn, vì nếu chẳng may bị phía Liên Xô phát hiện, chắc chắn bảo vật sẽ bị tịch thu. Điều Phổ Nghi lo lắng hơn cả (khi gặp phải trường hợp bị phát hiện còn sót bảo vật chưa hiến tặng) là sẽ mất tín nhiệm. Công lao hiến tặng bảo vật trước kia thành công toi (có thể dẫn đến) nguyện vọng được sống tại Liên Xô trở thành ảo tưởng”.
Phổ Nghi quyết định “thà mất bảo vật chứ không để mất tín nhiệm với Liên Xô - vậy là ngài chọn độ 500 viên trân châu hơi nhỏ và không được tròn lắm giao cho tôi (Lý Quốc Hùng) đi tiêu hủy”. Và “đêm đó tôi chất nhiều củi trong lò sưởi cho lửa cháy to, rồi ném trân châu vào - Phổ Nghi luôn đứng một bên nhìn và không có ý gì luyến tiếc” (sđd. tr.437).
Nhưng còn kim cương ?
Phổ Nghi lúng túng chưa biết phải làm thế nào. Bởi “giấu không giấu được, hiến (thêm cho Liên Xô) thì không hiến được (…) vì lúc đầu không tặng một lượt luôn, mà nếu hiện giờ đem ra thì phía Liên Xô chắc chắn nghĩ ngài còn nhiều cổ vật khác, như thế thì hỏng bét”.
Để bạn đọc rõ tâm trạng Phổ Nghi lúc ấy - cũng như những gì mà người hầu cận tin cẩn của Phổ Nghi (Lý Quốc Hùng) chứng kiến và kể lại, kèm lời xác định “người già có thể trí nhớ có sai lầm nhưng tôi tuyệt đối không lưu lại nửa câu nói dối với đời sau” - chúng tôi trích nguyên văn đoạn dịch sau đây của Phượng Thủy:
“Trước tiên, Phổ Nghi đưa cho Dục Nham (cháu Phổ Nghi) một viên kim cương đường kính 2cm bảo đi đập nhỏ ra rồi ném đi để người khác không nhìn thấy. Không ngờ, viên kim cương này cứng quá đập không bể được. Dục Nham đành chịu bó tay. Phổ Nghi liền bảo tôi tiếp tục sứ mạng hủy bảo vật. Tôi hỏi Dục Nham tìm cách nào đập, anh ta nói dùng búa sắt đập nhưng không bể. Tôi không tin. Dục Nham thách tôi làm thử.
“Đêm đó, chờ cho chung quanh vắng lặng, không người, tôi vác cây búa to chuồn ra cửa sau. Tôi đặt viên kim cương trên bậc cửa xi măng rồi dơ búa thẳng cánh đập xuống. Hai lần đầu, kim cương trơn trợt, búa đập xuống nó lăn đi. Lần thứ ba đập mạnh xuống nền xi măng dầy 2cm (nền xi măng bị bể) mà viên kim cương vẫn trơ ra không mẻ một chút nào. Kim cương cứng chắc đến nỗi người ta phải kinh ngạc.
“Sau khi nghe tôi báo cáo, Phổ Nghi quyết định không đập nữa, cũng không ném đi, mà đem kim cương và các thứ bảo vật khác phân phát cho bọn tôi (4 người theo hầu) - ngài còn năm lần bảy lượt căn dặn bọn tôi không được để phía Liên Xô biết.
“Tôi nhớ Phổ Nghi đã cho tôi ba món: một viên kim cương, một huy hiệu bằng lam ngọc, một huy hiệu dùng gắn trên mũ. Ba người cháu của ngài (Dục Nham, Dục Chiêm, Dục Đường) mỗi người được 3, 4 món.
“Cất ở đâu mới ổn? Cuối cùng tôi nghĩ ra cách: giấu trong xà bông thơm (…) tôi đem mấy món đồ nhét vào trong miếng xà bông rồi nắn trở lại hình dạng cũ, vuốt cho nó không còn cạnh, góc như đã dùng qua, đem phơi khô, sau đó cất đi (sđd. tr. 452-453).
Phổ Nghi còn giao Lý Quốc Hùng một sợi dây chuyền bạch kim “cẩn kim cương lấp lánh tuyệt đẹp” ném vào ống khói lớn. Những người khác đem chôn bảo vật dưới góc tường, bên đường đi lót gạch, hoặc trong chậu đất trồng hoa… Kim cương, vòng ngọc, nhẫn vàng phát tán vội vàng trong đêm tối, không tránh khỏi bị rơi vãi ít nhiều. Nên trời sáng, lính gác của Liên Xô lượm được đem hỏi Phổ Nghi: “Vật này của ai?” (còn nữa).
GIAO HƯỞNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét