Bành Đức Hoài và Mao Trạch Đông những năm 1950 |
Ngay lúc đại quân Kim sắp sa vào “địa võng” của tướng Mc Arthur, Stalin đã nhiều lần giục Mao xuất quân ứng cứu, nhưng Mao “chưa thể” - vì đang phải thuyết phục những tướng lãnh phản đối chủ trương “kháng Mỹ viện Triều” của Mao lúc đó…
Ngày 4.10.1950, Mao triệu tập hội nghị bất thường Bộ Chính trị mở rộng tại Trung Nam Hải bàn việc có “nên” hay “không nên” đưa quân sang giúp Bắc Triều Tiên. Phòng họp Di Niên Đường nóng hẳn lên bởi cuộc tranh luận gay gắt với phần lớn nghiêng về ý kiến “không nên động binh ra nước ngoài”, với lý do: Cuộc nội chiến trong nước chưa tắt hẳn tại vùng biển Đông hải và miền sơn cước Tây nam:
1. Ở vùng biển Đông hải: đang ủ sẵn nguy cơ “xung đột vũ trang” vì tổng thống Truman đã ngang nhiên đưa quân Mỹ chiếm đóng Đài Loan với danh nghĩa bảo vệ Chính phủ Trung Hoa dân quốc do Tưởng Giới Thạch làm tổng thống (giữa năm 1950).
2. Ở vùng sơn cước Tây nam: quân dân Tây Tạng chưa hoàn toàn hưởng ứng hiệu triệu của Chính phủ trung ương đối với việc “giải phóng hòa bình Tây Tạng”, nên đã “đóng cửa biên giới” và nổ súng kháng cự. Mãi đến thời điểm quân Mỹ đẩy lùi quân Kim về lại nơi xuất phát ở Bắc Triều Tiên (10.1950) - thì tại Trung Quốc, đại quân do Đặng Tiểu Bình và Lưu Bá Thừa chỉ huy mới “tiêu diệt được 5.700 quân Tạng, mở toang cánh cửa tiến vào Tây Tạng”và cuộc bình định đất Phật, giao tranh giành lấy “nóc nhà thế giới” chỉ mới bắt đầu - theo Mao Mao: Cha tôi Đặng Tiểu Bình, sđd ở Kỳ 53-54, tr. 835 (hơn một năm sau, tháng 11.1951 - cánh quân thiện chiến thuộc Cục Tây nam do Đặng Tiểu Bình làm bí thư thứ nhất, quyền tổng chỉ huy, mới chiếm được thủ đô Lhasa của Tây Tạng - GH).
Lý do nữa do các khai quốc công thần của Mao đưa ra để cản trở chủ trương “kháng Mỹ viện Triều” là: nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa còn quá non trẻ, mới tròn một tuổi (1.10.1949-1.10.1950), đang cần khôi phục nội lực, bắt tay xây dựng nền kinh tế sau chiến tranh, tích lũy ngân khố quốc gia, bồi đắp dần kho tàng đang hầu như trống rỗng.
Mao phải ra sức thuyết phục, viện dẫn Liên Xô đang tiếp sức để Trung Quốc tái thiết đất nước, cho Trung Quốc vay 300 triệu đô la Mỹ, giúp đào tạo đội ngũ chuyên gia vào công cuộc xây dựng kinh tế quốc dân và sức mạnh quốc phòng, theo đúng Hiệp ước hữu nghị và tương trợ Liên Xô - Trung Quốc ký cách đó mấy tháng (14.2.1950). Gần hơn (7.1950) Stalin cam kết sẽ trang bị khí tài đầy đủ cho 40 sư đoàn của Trung Quốc để “viện Triều” đánh Mỹ.
Hội nghị chuyển sang hướng ủng hộ Mao và đề cử Lâm Bưu đảm nhiệm Chí nguyện quân (vì Lâm Bưu từng làm tư lệnh Quân dã chiến Đông Bắc, rất rành đường đi nước bước ở “vùng biên giới sông Áp Lục” nên có thể xây dựng căn cứ hậu phương chiến lược vững chắc cho đại quân tham chiến) nhưng Lâm Bưu từ chối, viện lẽ:
- “Quân ta trang bị lạc hậu, đại đa số đều là thứ vũ khí cà khố cướp được của Nhật. Bên quân Mỹ mỗi quân đoàn có tới 1.500 khẩu pháo các loại, bên ta mỗi quân đoàn chưa nổi 300 khẩu pháo. Mà xe tăng thì lại càng ít ỏi. Nếu không có số lượng pháo binh và thiết giáp gấp 4, gấp 5 lần quân Mỹ, thì không tài nào trụ được và hậu quả sẽ không biết thế nào lường hết”. (Tôn Hồng Quân - Lương Tú Hà, sđd ở Kỳ 1, tr. 248).
Lâm biện bạch thêm Lâm đang bệnh, sức khỏe kém, khó đảm đương đại sự.
Đang lúc “khủng hoảng vì khiếm khuyết vai trò tư lệnh”, vào 16 giờ chiều hôm ấy, tướng Bành Đức Hoài đáp máy bay từ Tây An đến Bắc Kinh, xuất hiện trước cổng hội trường Di Niên Đường. Mao rất mừng, đích thân và ân cần bước khỏi phòng họp ra đón. Đêm ấy, Mao dẫn Bành Đức Hoài thả bộ trong khuôn viên Trung Nam Hải, nhắc chuyện: Kim Nhật Thành là đảng viên ruột rà, đã gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 19 tuổi (1931), làm sư đoàn trưởng Sư đoàn 3, của Quân đoàn 2, thuộc Liên quân kháng Nhật vùng Đông Bắc giáp giới Triều Tiên - Trung Hoa năm 25 tuổi (1937), bị Nhật truy đuổi nên Kim phải vượt sông Amur lên đất Nga và trở thành sĩ quan của hồng quân Liên Xô. Bởi vậy Kim (với Mao Trạch Đông và Stalin) có mối quan hệ “đồng đảng” sâu xa. Mao kết luận:
Không giúp Kim thì giúp ai nữa? Mà giúp Kim, giúp Bắc Triều Tiên, trước hết cũng vì lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc ! Thà đánh Mỹ ở ngoài nước còn hơn đánh Mỹ ngay trên đất Mao. Phải lấy Triều Tiên làm “vùng đệm” ngăn quân Mỹ trực tiếp đổ bộ gây chiến trên lãnh thổ Trung Hoa.
Thấm những lời phân tích lợi hại của Mao, Bành Đức Hoài tuyên bố (trước phiên họp toàn thể của hội nghị Bộ Chính trị mở rộng những ngày tiếp đó):
- Việc xuất quân giúp Triều Tiên là việc nhất thiết phải làm (…) nếu không, quân Mỹ yên vị được trên sông Áp Lục và Đài Loan, muốn xâm lược nước ta thì bất cứ lúc nào cũng sẵn có đủ cớ…
Hội nghị tán thành “viện Triều”.
Ngày 8.10.1950, Mao ký Quyết định tổ chức lực lượng “Quân chí nguyện nhân dân Trung Quốc” (sang chiến đấu trên chiến trường Triều Tiên) do Bành Đức Hoài làm Tư lệnh kiêm Chính ủy. Ngay hôm sau 9.10.1950 “cán bộ binh đoàn 13 và cán bộ cấp Quân đoàn trở lên của các đơn vị thuộc lực lượng tham chiến tới dự cuộc họp được tổ chức tại phòng họp khách sạn Liên Ninh nghe Bành Đức Hoài tuyên bố: “Tôi ra lệnh, tất cả các đơn vị tham chiến, nội trong 10 ngày kể từ giờ phút này, phải hoàn tất mọi công tác chuẩn bị cho việc xuất quân ra nước ngoài tác chiến”.
Qua 18.10.1950 “vào lúc hoàng hôn, đạo quân đầu tiên của Chí nguyện quân nhân dân Trung Quốc đi tiên phong, bắt đầu vượt qua sông Áp Lục, Bành Đức Hoài có mặt trong đội hình đạo quân tiên phong ấy” (Tôn Hồng Quân - Lương Tú Hà, sđd ở Kỳ 1, tr. 249-250).
Bên kia sông Áp Lục, liên quân Mỹ - Liên Hiệp Quốc vừa chiếm được 2/3 lãnh thổ Bắc Triều Tiên (gồm cả thủ đô Bình Nhưỡng lẫn vùng biên giới “nhạy cảm” với Trung Quốc) vẫn chưa hay biết địch thủ nguy hiểm của họ đang vượt “dòng sông định mệnh” hướng đến nơi đóng quân của Mỹ và đồng minh trước bình minh 19.10.1950 - mở đường cho bốn quân đoàn với ngót 260.000 quân Trung Quốc ồ ạt tiến theo sau, đặt chân lên chiến trường Bắc Triều Tiên 25.10.1950, mở màn cuộc đọ sức lịch sử giữa thống tướng Mc Arthur và nguyên soái Bành Đức Hoài.
Mãi mãi nước Mỹ nhắc đến Thống tướng tài hoa Mc Arthur 70 tuổi (sinh 1880) - thời chiến tranh Triều Tiên - thân mật vĩnh cửu như “người lính già không bao giờ chết”! Còn Mao Trạch Đông ca ngợi Bành nguyên soái 52 tuổi (sinh 1898) của mình: “Ai dám cầm gươm lên ngựa - ngoài Bành đại tướng của ta”? Trớ trêu là, cả hai danh tướng danh thần một thời: Mc Arthur và Bành Đức Hoài, sau này đều bị Truman và Mao Trạch Đông cách chức (còn nữa).
GIAO HƯỞNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét