Lưu Bá Thừa (đeo kính) cùng Đặng Tiểu Bình (thứ 2 từ trái) |
Lưu Bá Thừa là một trong 10 vị được phong hàm nguyên soái đợt đầu tiên (năm 1955) và duy nhất (tính đến nay 2014) trong lịch sử nước CHND Trung Hoa (9 vị khác: Chu Đức, Bành Đức Hoài, Lâm Bưu, Trần Nghị, Hạ Long, La Vinh Hằng, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh Trăn và Diệp Kiếm Anh). Ông có biệt danh “độc nhãn long”. Bởi:
1. Sinh năm Nhâm Thìn 1892 (cầm tinh con Rồng - tức long) vào chủ nhật 4.12, nhằm 16.10 âm lịch. 2. Bị mất mắt phải năm 24 tuổi (1916) trong trận đánh Phong Đô (tỉnh Tứ Xuyên), chỉ còn một mắt trái (độc nhãn). Ghép năm sinh (long) + một mắt (độc nhãn) thành tên gọi phổ biến: độc nhãn long Lưu Bá Thừa.
Năm “độc nhãn long” 35 tuổi (1927), Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cử ông sang Liên Xô theo học Học viện quân sự Frunze về chuyên ngành soạn thảo dự án chiến lược và tham mưu chiến thuật. Ông là một trong những ngôi sao sáng lập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn Bát Lộ Quân, Tham mưu trưởng lục quân - là nhà lý luận quân sự đương đại và danh thần khai quốc của Mao.
Trước ngày mở “phiên tòa không tuyên bố” ở Lư Sơn, Quân ủy trung ương do Mao làm chủ tịch đã mở hội nghị với hàng nghìn cán bộ cao cấp tham dự (5.1958) gián tiếp phê bình độc nhãn long Lưu Bá Thừa đã khinh suất “không xem tác phẩm của chủ tịch Mao Trạch Đông là giáo trình quân sự cơ bản, mà chỉ coi là tài liệu tham khảo, như vậy không được (…) không thể phủi vàng giống như phủi bụi đất sét”! - mắc lỗi “giáo điều quân sự” (La Nguyên Sinh, sđd ở kỳ 4, tr. 182).
Vợ Lưu Bá Thừa - bà Uông Vinh Hoa, kể: “người đầu tiên bị phê bình theo “chủ nghĩa giáo điều quân sự” là ông nhà tôi. Sau đó không lâu ông ấy bị gọi về Bắc Kinh (…) ông đã phải suy nghĩ quá nhiều, cả đêm không ngủ, mắt trái còn lại của ông đỏ ngầu. Lên xe lửa, suốt đêm tiếp theo ông cũng không chợp mắt được”. Những năm cuối đời của ông “chìm trong bóng tối dày đặc”và gánh chịu “rất nhiều áp lực về tâm lý và tinh thần” (La Nguyên Sinh, sđd. tr. 184-185).
Mao Trạch Đông (vẫn với thủ thuật lão luyện “vừa đánh vừa xoa”) đồng ý cử ông làm “Tổ trưởng tổ chiến lược” của Quân ủy trung ương, nhưng “hữu danh vô thực”, bởi “tổ” ấy thành lập trên nền của “hai không” nghiệt ngã: không có nhân sự và không kinh phí - (La Nguyên Sinh, sđd. tr. 186). Vượt lên ứng xử phũ phàng của Mao, Lưu nguyên soái vẫn hoạt động tự giác, đích thân đi thị sát vùng Đông Bắc, hướng dẫn lực lượng biên phòng Tây Tạng ứng dụng“thế đánh gọng kìm” trong xung đột vũ trang biên giới với Ấn Độ 1962 - 1964.
Rồi, Tổ chiến lược quân sự của ông cũng giải tán. “Độc nhãn long” bị gạt khỏi guồng máy Trung Nam Hải (mùa hè 1966), chuyển nhà ra ở dưới chân núi phía Tây ngoại ô Bắc Kinh (mùa thu 1966). Lúc ấy, cách mạng văn hóa vừa được Mao cổ vũ vượt điểm xuất phát, đang sung sức lao tới trước. Hàng mấy triệu hồng vệ binh khắp nơi trong nước kéo về Bắc Kinh “diện kiến Mao chủ tịch” hò hét náo loạn suốt đêm ngày. Không chịu nổi, hai nguyên soái Diệp Kiếm Anh và Nhiếp Vinh Trăn phải tránh đi, cùng dời chỗ ở về khu núi ẩn cư với “độc nhãn long”.
Thêm nữa, Trần Nghị và Từ Hướng Tiền luôn tới nơi ấy, hợp thành nhóm “5 nguyên soái” bàn luận thời cuộc. Họ bàn gì ? Nghe mấy câu đối thoại giữa Lưu Bá Thừa và Trần Nghị thì rõ (La Nguyên Sinh, sđd. tr. 193):
Lưu Bá Thừa nói: “Xem ra mắt trái của tôi cũng sắp mù rồi”. Trần Nghị: “Mù cũng tốt chứ sao. Người ta thường nói, mắt không nhìn thấy thì lòng bớt buồn!”. Trần Nghị nói mà không giấu được vẻ uất ức, Lưu Bá Thừa tiếp: “Nhưng tai tôi có điếc đâu. Kể cũng lạ, mắt hỏng thì tai lại rất thính. Anh hãy nghe, lại reo hò rồi!”.
Vừa nói Lưu Bá Thừa vừa chỉ tay ra cửa sổ phía đông: “từ phía đó, tiếng loa tuyên truyền do “phái tạo phản” của cách mạng văn hóa dưới chân núi phát lên, vang đến tận chỗ hai người. Lưu Bá Thừa tức giận bảo: “Ngày nào cũng đến giờ này là chúng lại lên lớp”. Trần Nghị thở dài: “Nơi đây xem ra cũng chẳng phải là nơi yên tĩnh”. Họ phải “nghe” và phải “thấy” nhiều chuyện trái ngang, nhất là:
Nguyên soái Hạ Long bị Giang Thanh và Khang Sinh vu cáo “mưu sự binh biến”
Đặng Tiểu Bình, Tổng bí thư đảng, Phó thủ tướng thứ nhất, bị ghép tội danh “tên đầu sỏ thứ hai trong bọn đang cầm quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa” (tên đầu sỏ thứ nhất Bành Đức Hoài đã bị đánh đổ)…
Rồi đây, tới lượt ai?
Năm vị nguyên soái họp tại nhà “độc nhãn long” quyết định hành động. Giữa tháng 2.1967:Trần Nghị, Diệp Kiếm Anh, Từ Hướng Tiền và Nhiếp Vinh Trăn “xuống núi”, công khai đối đầu với Giang Thanh. Họ ra mệnh lệnh: không được tùy ý đấu tố các nhà lãnh đạo lão thành có công lập quốc, không được tấn công hoặc can thiệp vào nội bộ quân đội, không được tùy tiện thành lập các tổ chiến đấu. Mệnh lệnh công bố ngay giữa các cuộc họp Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương, có sức công phá trực diện thành trì của “cách mạng văn hóa vô sản” do Mao vừa dựng lên. Trước “dòng nước ngược” đó, dưới sự chỉ đạo của Mao, Giang Thanh và đồng đảng giăng cao câu khẩu hiệu bạo lực giữa đường phố Bắc Kinh:
“LẤY MÁU TƯƠI ĐỂ BẢO VỆ ĐẠI CÁCH MẠNG VĂN HÓA !”
Và Mao Trạch Đông - Giang Thanh đã “lấy máu tươi” theo cách nào? (còn nữa).
GIAO HƯỞNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét