(TNO) Giai đoạn cuối 1986 đến tháng 3.1988 là quãng thời gian đối đầu căng thẳng giữa ta và các lực lượng nước ngoài âm mưu chiếm đóng các đảo ở Trường Sa. Trong đó, tàu Trung Quốc nguy hiểm và hung hãn nhất.
Tàu chiến Trung Quốc cắt mũi khiêu khích tàu vận tải của ta trên vùng biển Cô Lin - Len Đao, tháng 5.1988 |
“Tàu Trung Quốc xuống, bắn chìm 2 - 3 cái”
Thượng tá Lê Văn An (nguyên Chỉ huy trưởng khu vực, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân) vẫn nhớ như in tháng 10.1987. Khi đó, ông mới học xong lớp bổ túc cán bộ chỉ huy - Tham mưu Binh chủng hợp thành, Học viện Lục quân và tiếp tục nhận nhiệm vụ Đảo trưởng Trường Sa. Trong 1 chuyến công tác ra đảo, ông được Tư lệnh Giáp Văn Cương giao nhiệm vụ: “Tàu Trung Quốc nó xuống đây, cậu bắn chìm cho tớ 2 - 3 cái nhé!”.
Đảo trưởng An thật thà: “Nếu trong đất liền, giao bắn bao nhiêu xe tăng - quân lính, tôi cũng bắn được, vì đó là mục tiêu “động trong tĩnh”. Nhưng với mục tiêu tàu, tôi mới học chỉ huy binh chủng hợp thành về, nhiệm vụ này sợ không hoàn thành, cùng lắm chỉ bắn bị thương 1 - 2 chiếc thôi”. Tư lệnh Cương vỗ vai: “Cũng được, nhưng phải bắn trúng!”.
“Từ đầu năm 1986, anh em chỉ huy đã dự đoán sẽ có đụng độ ở Trường Sa”, thượng tá Lê Văn An kể lại và minh chứng: “Nhìn từ khâu huấn luyện bộ đội cho đến việc trang bị vũ khí - khí tài chiến đấu là biết ngay”.
Mộ liệt sĩ hi sinh tại Trường Sa, tháng 5.1988 |
Quả thật, từ tháng 10.1987, hoạt động của nước ngoài trên các đảo ở khu vực Trường Sa gia tăng đột biến. Nhiều tàu giả dạng đánh cá liên tục tiếp cận các đảo Sinh Tồn, An Bang, Đá Tây, Song Tử Tây, Trường Sa Đông...
Từ 16.5 - 6.6.1987, hải quân Trung Quốc tập trận. Ngày 14.12, Trung Quốc đưa đoàn tàu đánh cá gồm 14 chiếc xuống hoạt động thăm dò và đặt bia kỷ niệm ở 1 đảo. Giữa tháng 10 - 11.1987, Trung Quốc cho tàu Hải Dương 4 và một số tàu chiến đi qua khu vực đảo An Bang, Thuyền Chài, Trường Sa Đông, Trường Sa, Song Tử Tây (có lúc đi sát đảo của ta khoảng 1 hải lý)...
Ngày 24.10.1987, các đảo Trường Sa chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, tránh âm mưu khiêu khích. Đồng thời, Lữ đoàn 146 cũng nhận nhiệm vụ nhanh chóng đóng thêm 4 đảo (Tiên Nữ, Đá Lớn, Đá Tây, Chữ Thập).
Ngày 28.10.1987, tàu HQ-613 đưa một lực lượng công binh, phân đội chiến đấu ra đóng giữ đảo Đá Tây. Ngày 30.10 bộ phận chiếm đảo Đá Tây đã lên đảo làm nhà bạt, tàu HQ-613 neo ngoài để bảo vệ. Tuy nhiên, do sóng to gió lớn, tàu phải chở lực lượng Đá Tây về Trường Sa Đông.
Đến 27.11, bộ đội lại trở về trực ở đảo Đá Tây. Do nhiều lần sóng to tràn lên đảo, không đảm bảo an toàn, anh em phải về căn cứ Cam Ranh. Ngày 28.12.1987, tàu HQ-604 đưa bộ đội và vật liệu xây dựng ra đóng giữ và làm nhà cấp III ở đảo Đá Tây, đến ngày 18.8.1988 mới xong.
Với 3 đảo còn lại, kế hoạch đóng giữ theo dự kiến cũng bất thành, do thời tiết quá khắc nghiệt.
Đối mặt
Đầu tháng 1.1988, Đảng ủy Quân chủng Hải quân nhận định: “Tình hình trên biển ngày càng phức tạp, Trung Quốc sẽ tăng cường hoạt động, thăm dò, trinh sát, tranh chấp chủ quyền, xâm chiếm một số đảo chìm xen kẽ với các đảo của ta hoặc hoạt động vũ trang khiêu khích đánh chiếm một số đảo của ta”.
Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương bắn đạn thật, kiểm tra vũ khí của bộ đội Thuyền Chài, tháng 5.1988 |
Đảng ủy chỉ rõ: “Nhiệm vụ bảo vệ vùng biển và quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng nhất và cũng vinh quang nhất trong năm 1988”.
Hoạt động đóng giữ các đảo lại gấp rút triển khai. Ngày 23.1.1988, tàu HQ- 613 chở lực lượng, vật liệu ra đóng giữ, triển khai làm nhà cấp III ở đảo Tiên Nữ, đến 6.2.1988 hoàn thành và bàn giao cho bộ đội đóng giữ đảo. Ngày 27.1.1988, tàu HQ-611 và HQ-712 do Lữ trưởng 146 Phạm Công Phán làm Biên đội trưởng và trung tá Nguyễn Văn Dân, tham mưu phó Vùng 4, làm biên đội phó, đưa 1 đại đội công binh và 2 khung đóng giữ đảo đi làm nhiệm vụ.
Bữa ăn trong giờ trực chiến của khẩu đội pháo trên đảo Phan Vinh, tháng 3.1988 |
Ngày 30.1.1988, lữ trưởng Phán chỉ huy 2 tàu, từ Trường Sa Đông về đóng giữ đảo Chữ Thập (lúc này trung tá Nguyễn Văn Dân đi với HQ-07, làm nhiệm vụ tại Đá Lớn).
6 giờ ngày 30.1.1988, khi cách đảo Chữ Thập khoảng 5 hải lý, có 4 tàu chiến Trung Quốc ra ngăn cản không cho tàu ta tiếp cận đảo (có lúc chỉ cách tàu ta 300 mét) nên 2 tàu ta phải quay về Trường Sa Đông.
Từ tình hình này, Quân chủng Hải quân ra lệnh: “Nêu cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu. Khi gặp tàu địch, tránh khiêu khích, bình tĩnh xử lý tình huống. Nếu địch nổ súng vào ta, thì kiên quyết đánh trả”.
Ngày 5.2.1988, tàu HQ-611 và HQ-712 cơ động đến Đá Lát, đổ bộ, triển khai làm nhà cấp III, đến 20.2.1988 thì xong và giao cho bộ đội bảo vệ đảo.
Công binh Hải quân xây dựng, củng cố đảo Phan Vinh, tháng 5.1988 |
Ngày 13.2.1988, tàu HQ-505 kéo LVC-556 chở công binh, ra phối hợp với HQ-671 và HQ-701 đóng giữ đảo Đá Lớn (tàu HQ-07 cùng xây dựng và bảo vệ). HQ-505 cũng đến Trường Sa Đông, nhưng do sóng to gió lớn, tàu bị đứt 2 neo nên phải quay về.
Ngày 15.2.1988, HQ-701 được lệnh ủi bãi phía Tây Nam Đá Lớn. Tàu HQ-671 cũng ủi bãi, nhưng máy bị hỏng, phải neo đậu. HQ-505 đến Đá Lớn ngày 17.2 và đưa LVC-556 vào bãi cạn phía Nam Đá Lớn, để công binh triển khai làm nhà cấp III, đến ngày 13.3 hoàn thành.
Ý định của ta là khảo sát và đưa lực lượng đóng giữ Châu Viên từ 13.2.1988; sử dụng tàu HQ-851 khi cần cho ủi bãi để giữ đảo. Ngày 18.2, cả 2 tàu HQ-851 và HQ-614 cùng tiến hành khảo sát đóng giữ, nhưng do sóng quá to, tàu rê neo, tàu Trung Quốc ép tàu ta liên tục. Ngày 19.2, tàu HQ-851 lại hỏng máy, nên ta không thực hiện được kế hoạch đóng giữ Châu Viên.
Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, khẳng định: “Nếu tối 18.2, ngày 19.3.1988 mình không linh hoạt, cứ dập dình với mấy tàu của Trung Quốc, thì không lên được Đá Đông, đâm ra mất cả Châu Viên lẫn Đá Đông”.
Ông nhận định: “Đá Đông quan trọng hơn Châu Viên nhiều. Nó dài, có hồ trong đó, tàu bè vào trong đó đậu bình thường”. (Còn tiếp)
“Sáng 18.2.1988 là mùng 2 Tết, nhóm 9 anh em từ tàu HQ-614 đổ bộ lên Châu Viên cắm cờ. Vừa cắm xong thì gió mùa Đông bắc ùa về, kèm nước lớn khiến tàu HQ-614 bị trôi neo, tách khỏi đảo. Lúc này trời đã tối, tàu phải nổ máy chạy cạnh đảo, tìm cách kéo anh em ra.
Nửa đêm, Tư lệnh Hải quân ra lệnh: Sáng mai bằng mọi giá phải lên Châu Viên. Buổi sáng chuẩn bị lên thì 4 tàu chiến Trung Quốc kéo đến, quay pháo đe dọa nổ súng, khiến ta không lên được. Lúc ấy chúng tôi nghĩ Châu Viên là đảo nhỏ, không quan trọng bằng giữ Đá Đông, Đá Tây, Đá Lớn, Tốc Tan (những đảo lớn từ vài cây đến 30 km vuông). Thêm nữa, lực lượng của mình mỏng, phải tập trung vào các đảo lớn, không thể triển khai đến tất cả các đảo, bãi ngầm nhỏ”.
(Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân)
|
>>Giữ Trường Sa trước tham vọng bá quyền - Kỳ 5: Quyết tử
>> Giữ Trường Sa trước tham vọng bá quyền - Kỳ 4: Những cuộc đối đầu căng thẳng>> Giữ Trường Sa trước tham vọng bá quyền - Kỳ 3: An Bang, Thuyền Chài giữa vòng vây
>> Giữ Trường Sa trước tham vọng bá quyền - Kỳ 2: Chạm trán
>> Giữ Trường Sa trước tham vọng bá quyền - Kỳ 1: Kiểm soát 'lá chắn của biển Đông'
Mai Thanh Hải
Ảnh: Nguyễn Viết Thái
Ảnh: Nguyễn Viết Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét