Giáo sư Lyle J. Goldstein ở Viện nghiên cứu Hải quân Trung Quốc trực thuộc Trường Hải chiến của tiểu bang Rhode Island đã đưa ra nhận định trên trong bài phỏng vấn dưới dạng hỏi đáp đăng hôm 5/7.
Lợi thế của các bên
Với việc Trung Quốc đã tiến hành công cuộc hiện đại hóa quân đội mạnh mẽ từ hai thập niên qua kể từ khi họ chịu tổn thất nặng nề trong cuộc chiến với Việt Nam năm 1979 thì giờ đây Trung Quốc ‘đang gặt hái thành quả’, theo lời vị giáo sư.
“Để chuẩn bị cho các kịch bản chiến tranh khác nhau với Hoa Kỳ hay Nhật Bản, Trung Quốc đã xây dựng sức mạnh được trang bị đầy đủ và huấn luyện tốt,” ông giải thích.
“Trong những lĩnh vực then chốt như tàu ngầm, giao tranh trên mặt nước hay tấn công chớp nhoáng, Trung Quốc có những lợi thế kỹ thuật đáng kể”, ông nói.
Giáo sư Goldstein cũng cho rằng ở một số khía cạnh nào đó của một cuộc xung đột quân sự, Việt Nam cũng có lợi thế.
Ông chỉ ra rằng Trung Quốc đặc biệt không mạnh trong việc tiếp liệu trên không nên Việt Nam có thể tận dụng điều này để chiếm ưu thế trên vùng trời nhất là ở khu vực Biển Đông vốn nằm cách xa không phận Trung Quốc.
“Trong trường hợp khó khăn, Việt Nam có thể tính đến việc đẩy xung đột từ trên biển sang trên bộ ở khu vực biên giới giữa hai nước do lục quân của họ có thể sánh ngang với quân đội Trung Quốc,” ông phân tích nhưng cũng cho biết Trung Quốc có thể không kích hoặc phóng tên lửa vào các căn cứ không quân và hải quân của Việt Nam.
Giáo sư Goldstein có bằng thạc sỹ chuyên ngành nghiên cứu chiến lược tại Trường Quan hệ Quốc tế John Hopkins và theo học tiến sỹ tại Đại học Princeton. Ông nói thông thạo tiếng Hoa và có thời gian nghiên cứu ở Trung Quốc.
Học viện nghiên cứu Hải quân Trung Quốc mà ông có công sáng lập và làm giám đốc đầu tiên cho đến năm 2011 có chức năng nghiên cứu về hải quân ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc để phục vụ cho Hải quân Hoa Kỳ.
Điểm yếu
Việc cả Việt Nam và Trung Quốc đều lệ thuộc vũ khí Nga đã giúp hai bên nắm rõ hơn về thực lực quân sự một cách tổng thể.
Giáo sư Goldstein cho biết cuộc xung đột biên giới hồi năm 1979 đã khiến Trung Quốc ‘có sự tôn trọng đáng kể’ đối với năng lực chiến tranh của Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng theo ông thì các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc đã chỉ ra một số điểm yếu trong sức mạnh quân sự của nước láng giềng của họ.
Đó là Việt Nam không có kinh nghiệm điều khiển những khí tài đặc biệt tối tân như tàu ngầm vốn đang được xem là sức mạnh chủ lực của họ.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng nhìn thấy những điểm yếu của Việt Nam trong các lĩnh vực do thám, nhắm mục tiêu và xử lý chiến sự.
Nhà nghiên cứu người Mỹ cũng cho biết các nhà phân tích từ lâu nay đã chỉ ra rằng Trung Quốc đặc biệt yếu về chiến tranh dưới lòng biển và rằng Hà Nội có thể đã tìm ra điểm yếu trong hệ thống khí tài của Trung Quốc mà họ có thể khai thác.
Yếu tố Mỹ
Về phía Việt Nam, Giáo sư Goldstein cho rằng nước này đã chứng tỏ họ có khả năng chỉ huy bộ binh hiệu quả nhưng năng lực không quân và nhất là hải quân của họ thì vẫn còn rất hạn chế.
Do đó, ông cho rằng mặc dù các tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam đặt mua từ Nga giúp tăng cường đáng kể năng lực hải quân của nước này nhưng do hạm đội tàu ngầm vốn thuộc vào dạng lực lượng phức tạp nhất của quân đội nên Việt Nam phải cần hàng chục năm mới xây dựng được một đội tàu ngầm thật sự hiệu quả và đáng tin cậy.
Về khả năng Mỹ có thể dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Giáo sư Goldstein nhận định rằng Washington ‘sẽ thận trọng’ do lợi ích của việc này đối với Mỹ ‘chẳng có bao nhiêu’ trong khi nó có thể sẽ làm theo thang căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Khác với các nước như Nhật Bản và Philippines vốn là những nước đồng minh mà Mỹ có hiệp ước, trong đó có quy định việc bán vũ khí hay tập trận chung, Việt Nam phải xây dựng quan hệ quân sự với Mỹ từ con số không.
Trong một số lĩnh vực như do thám trên biển thì Việt Nam có thể nhờ rất nhiều vào công nghệ Mỹ nhưng họ sẽ gặp khó khăn để tích hợp thiết bị của Mỹ vào hệ thống vũ khí hiện có của họ mà đa phần là mua từ Nga.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét