Thiếu tướng Lê Văn Cương. Ảnh: Nguyễn Hưng
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công An: Bắt đầu vòng xoáy mới
Trung Quốc tuyên bố rút giàn khoan về nhưng họ rút đi đâu, sau làm những gì mới là điều quan trọng. Tôi đã nói từ đầu tháng 5 là họ sẽ rút về, vì giàn khoan này chỉ là một phép thử về mặt chính trị, thử xem Việt Nam phản ứng thế nào rồi mới tính những việc sau. Thử xong rồi thì là hoàn thành rồi.
Tôi cho rằng bây giờ chính thức bắt đầu một vòng xoáy khác, nguy hiểm hơn ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa vài ba giàn khoan nhỏ hơn, hiệu quả hơn đến tác nghiệp khu vực họ vừa hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Họ đồng thời huy động hàng trăm tàu cá vào khu vực này đánh bắt. Có thể nói vòng xoáy sẽ càng ngày càng nghiêm trọng, đây chỉ là một mắt xích đầu tiên.
Khi đưa các giàn khoan khác vào, Trung Quốc sẽ thực sự thăm dò khai thác dầu khí, thậm chí là ký với nước ngoài, coi như vùng này mặc nhiên của họ. Quan hệ Việt - Trung cũng bắt đầu vòng xoáy mới, trong kế hoạch của Trung Quốc là vài năm nữa chiếm toàn bộ Biển Đông.
Điểm đáng lưu ý là vừa qua Việt Nam đã thể hiện cho Trung Quốc thấy rõ lập trường vững chắc của mình.
Ông Dương Danh Dy. Ảnh: Nguyễn Chung
|
Ông Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Trung Quốc: Họ còn gây sự nhiều
Lúc này chúng ta chưa thể khẳng định Trung Quốc rút hẳn giàn khoan, biết đâu họ di chuyển đi rồi di chuyển lại thì sao. Trung Quốc đang tìm cách giảm nhẹ ảnh hưởng. Cứ làm qua lại như vậy để giảm bớt sôi sục của dư luận. Có thể lúc này Trung Quốc di chuyển giàn khoan để tránh cơn bão đang vào Hoàng Sa.
Tôi cho rằng họ còn gây sự nhiều, còn làm những chuyện khác nữa. Họ tuyên bố khoan được hai mũi dầu rồi, họ sẽ khoan tiếp hoặc là đặt giàn khoan ở chỗ khác trong vùng nước Việt Nam. Hành động tiếp theo của Trung Quốc còn tùy vào Việt Nam, nếu thế lực của ta mạnh, dư luận thế giới tiếp tục ủng hộ thì sẽ khác, nếu ta tỏ ra yếu đuối thì họ sẽ có hành động khác.
Ông Hoàng Việt. Ảnh: Nguyễn Đông
|
Ông Hoàng Việt, thạc sĩ Luật Quốc tế, cố vấn học thuật của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa
Lúc 6h sáng nay, Trung Quốc cho biết giàn khoan đi được 37 hải lý về căn cứ Nam Á ở đảo Hải Nam. Tuy nhiên đến giờ chúng ta vẫn chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng, vì các hành động của Trung Quốc rất khó đoán.
Tôi cho rằng Trung Quốc rút giàn khoan về vì thấy các phản ứng từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là phản ứng từ phía Mỹ, mang tính chất cứng rắn. Trung Quốc không muốn ở trong thế hoàn toàn đối đầu với cộng đồng quốc tế, chứng minh họ vẫn có không gian để thương lượng được. Lúc nào họ cũng nói sẵn sàng thương lượng.
Có thể coi đây là điều nằm trong chiến thuật của Trung Quốc, tức là không đẩy sự việc đến tận cùng của xung đột, khi căng thẳng nhất, có thể xảy ra va chạm thì Trung Quốc sẽ xuống thang. Nhưng không có nghĩa Trung Quốc sẽ dừng ở đó, mà sẽ đợi cơ hội khác, trong thời gian khác để tiếp tục làm việc khác.
Những hành vi tương tự sẽ có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai gần. Tôi dự đoán, nếu Việt Nam không có chiến lược đối phó hiệu quả, hoặc cộng đồng quốc tế không có tiếng nói kiên quyết thì cái đích Trung Quốc đang nhắm tới vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Giàn khoan 981 được thiết kế để chịu được tất cả các cơn bão lớn nhất từ trước đến nay, cho nên không có lý gì là giàn khoan này không chịu được cơn bão đang vào Hoàng Sa.
Khu vực Trung Quốc vừa hạ đặt giàn khoan có dầu hay không là do Trung Quốc tuyên bố. Họ cũng có thể tung hỏa mù nhiều. Chúng ta nên đặt vấn đề việc rút giàn khoan chưa phải là hành động cuối cùng cho thấy Trung Quốc từ bỏ tham vọng ở Biển Đông, chỉ là một bước đi chiến thuật của Trung Quốc.
Việt Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét