Ông Abe và Kaieda có quan điểm trái ngược
Không khuất phục được thủ tướng Shinzo Abe trong các vấn đề trên trường quốc tế, Trung Quốc (TQ) đã tính cách gây sức ép với ông này thông qua các đảng đối lập tại Nhật. Tuy nhiên, chiêu trò này có thành công hay không thì khó nói trước.
Mời đối thủ của ông Abe tới thăm
Banri Kaieda, lãnh đạo đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), đã đến Bắc Kinh vào đêm thứ Ba và tổ chức hội đàm với các quan chức cấp cao của Trung Quốc. Trong chuyến thăm TQ, ông Kaieda sẽ họp với một trong bảy thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc vào thứ Tư.
"Tôi muốn trao đổi thẳng thắn ý kiến với các quan chức cấp cao Trung Quốc", Kaieda nói với các phóng viên tại trụ sở của đảng ở Tokyo trước khi rời Nhật, "Tôi muốn thực hiện bước đầu tiên để cải thiện mối quan hệ của hai nước."
Đây sẽ là lần đầu tiên Kaieda tới thăm Trung Quốc sau khi trở thành người lãnh đạo của đảng DJP, lực lượng chính trị đối lập lớn nhất với đảng cầm quyền của ông Abe (đảng Dân chủ tự do LDP). Ông Kaieda sẽ được tháp tùng bởi một số thành viên khác trong đảng, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Toshimi Kitazawa.
Kaieda cũng có kế hoạch để gặp ông Vương Gia Thụy, Trưởng ban đối ngoại của Trung ương của Đảng Cộng sản TQ và cựu thành viên hội đồng nhà nước Đường Gia Triền, hiện giữ chức chủ tịch Hội hữu nghị Trung Quốc - Nhật Bản.
Các nhà lãnh đạo DPJ dự định sẽ kêu gọi các quan chức TQ để thực hiện một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo của 2 chính phủ. Kể từ khi ông Shinzo Abe đắc cử thủ tướng vào cuối 2012, hội nghị thượng đỉnh giữa 2 nước vẫn chưa được tổ chức.
Kaieda sẽ làm rõ với phía TQ rằng đảng của ông phản đối việc chính phủ gần đây đã diễn giải lại Hiến pháp cho phép Nhật thực hiện phòng vệ tập thể.
Kẻ thù của kẻ thù là bạn
Đây là triết lý ngoại giao của TQ có từ thời Mao Trạch Đông, họ áp dụng suốt trong thời gian chiến tranh lạnh cho đến tận bây giờ. Khi chống Mỹ thì TQ kết thân với Liên Xô, khi có mâu thuẫn với Liên Xô thì TQ ngả sang Mỹ và giờ, khi khó chịu với Mỹ thì họ quay sang Nga.
Khi TQ gặp khó khăn trước chính sách ngoại giao cứng rắn của ông Abe thì họ tìm cách tác động từ các đảng đối lập ở Nhật. Tuy nhiên, không phải lúc nào điều này cũng thành công. Đầu năm ngoái, khi tranh chấp tại Senkaku dâng cao do TQ khiêu khích Tokyo, chính quyền Bắc Kinh đã mời ông Yukio Hatoyama - cựu thủ tướng Nhật Bản và cũng là người của đảng DJP sang thăm. Ông Hatoyama khi đó có những phát ngôn trái ngược với quan điểm của chính quyền ông Abe.
Ông Hatoyama thừa nhận có tranh chấp ở đảo Senkaku, trong khi quan điểm của ông Abe là chủ quyến của Nhật với Senkaku không cần phải tranh cãi. Dù vậy, sau vụ đó thì uy tín của ông Abe trong nước và các đồng minh cũng không hề giảm.
Anh Tú (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét