Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi
Đây là phản ứng chính thức của Trung Quốc trước bình luận mới đây của ông Michael Fuchs – Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương về Biển Đông.
Theo đó, tại Hội thảo về Biển Đông lần thứ 4 do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ngày 11/7, ông Fuchs cho rằng, tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông hiện tại không phải chỉ do một bên duy nhất gây ra. Tuy nhiên, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ tái khẳng định quan điểm của Washington là các hành vi “đơn phương và khiêu khích” của Trung Quốc buộc cộng đồng quốc tế phải đặt câu hỏi về sự sẵn sàng tuân thủ luật pháp quốc tế của Bắc Kinh. Ông Fuchs cũng kêu gọi các bên tranh chấp ngưng mọi hoạt động xây dựng mới, giữ nguyên hiện trạng ở khu vực này, nhằm thực thi Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa khối ASEAN và Trung Quốc, được thông qua năm 2002.
Không chỉ có Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Michael Fuchs mà trước đó, rất nhiều chính trị gia hàng đầu của Washington đã thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc “gây mất ổn định” ở khu vực với cách hành xử “nguy hiểm và dọa dẫm” nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của mình tại Biển Đông.
Thượng viện Mỹ ngày 10/7 còn thông qua Nghị quyết S.RES.412 về tình hình an ninh châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có nội dung yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan phi pháp Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Tuy nhiên, Trung Quốc – vẫn giữ thái độ phớt lờ và hằn học trước sự lên án của Mỹ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung trong vấn đề Biển Đông – nơi hành xử độc đoán và ngang ngược của Bắc Kinh đang được xem là “mối nguy hiểm” cho toàn khu vực.
Không chỉ ngang nhiên nhận vơ rằng Bắc Kinh có cái gọi là “chủ quyền không thể chối cãi” đối với quần đảo Trường Sa (của Việt Nam – PV), mà Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi còn trắng trợn vu cáo các nước khác đang “chiếm đóng bất hợp pháp” các đảo trên quần đảo này.
Dù không trực tiếp đề cập đến Mỹ nhưng ông Hồng Lỗi cũng có ý “nhắc nhở” Washington khi nói: “Trung Quốc mong các nước ngoài khu vực giữ lập trường trung lập, nhận rõ phải trái, thiết thực tôn trọng những nỗ lực chung của các nước trong khu vực nhằm giữ gìn hoà bình và ổn định của khu vực”.
Trung Quốc từ trước đến nay luôn né tránh quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và muốn giải quyết tranh chấp ở khu vực này trên cơ sở hiệp thương, đàm phán song phương trực tiếp với từng nước liên quan. Tuy nhiên, không khó để nhận ra rằng, là nước lớn và mạnh nhất trong các bên tranh chấp, trên bàn đàm phán song phương, Bắc Kinh sẽ dễ dàng chiếm ưu thể, có thể áp đặt sức mạnh và buộc đối phương phải theo luật chơi của họ.
Linh Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét