KTĐT - Hơn hai tháng sau khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động hung hăng, khiêu khích như chủ động đâm, va tàu cá và các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.
Ngoài những hành động gây hấn trên thực địa, Trung Quốc còn khiến dư luận thế giới phẫn nộ khi công bố bản đồ khổ dọc, ngang nhiên nuốt trọn gần như toàn bộ Biển Đông.Trước những bước đi leo thang căng thẳng trên biển của Trung Quốc, dư luận quốc tế đã liên tục thể hiện sự phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc và đánh giá cao cách hành xử kiềm chế, mang tính xây dựng của Việt Nam. Lần lượt Liên minh châu Âu (EU), Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), Hội đồng Nghị viện Tổ chức Pháp ngữ (APF), Tổ chức Liên đoàn Nhà báo ASEAN (CAJ) và nhiều hội hữu nghị của các nước với Việt Nam đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về những căng thẳng đang diễn ra ở Biển Đông do các hành động của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế.
Hàng loạt hội thảo quốc tế về Biển Đông đã diễn ra tại Pháp, Sri Lanka, Na Uy, Argentina, Cuba, Mỹ… lên án những hành động sai trái của Trung Quốc, phản đối sự “mơ hồ” và thiếu cơ sở của bản đồ “9 đoạn” rồi
“10 đoạn” mà Bắc Kinh công bố, đồng thời kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, thể hiện vai trò là một nước lớn có trách nhiệm. Lãnh đạo và chính giới nhiều nước cũng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc gây căng thẳng tình hình khu vực. Gần đây nhất, ngày 10/7, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua Nghị quyết mang mã số S.RES.412 về Biển Đông, trong đó yêu cầu Trung Quốc đưa tình hình trở lại nguyên trạng trước ngày 1/5. Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nhật Bản ngày 11/6 cũng đã thông qua nghị quyết kêu gọi Trung Quốc kiềm chế các hành động khiêu khích ở Biển Đông. Trong cuộc hội đàm mới đây với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng New Zealand John Key nhấn mạnh Trung Quốc phải tuân thủ những nguyên tắc và quy định của các thỏa ước quốc tế mà nước này đã tham gia và cần giải quyết một cách hòa bình bất đồng nảy sinh sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan thăm dò dầu khí tại Biển Đông. Giới chức Australia cũng bày tỏ quan ngại về hành động phô trương sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng cách hành xử ngang ngược của Trung Quốc thời gian qua đang ảnh hưởng xấu tới hòa bình và an ninh khu vực.
Rõ ràng, những diễn biến trên cho thấy, Việt Nam không hề đơn độc trong cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Mỹ ngày 10/7. Ảnh: TTXVN
|
Thêm bằng chứng về chủ quyền biển đảo Việt Nam Sáng 15/7, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam khai mạc triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa - chủ quyền Việt Nam". Triển lãm trưng bày hơn 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật, những thông tin, chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam qua các thời kỳ, được trưng bày theo 3 phần chính: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử; Bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa; Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim Việt Nam và bạn bè quốc tế... Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày những tư liệu mới sưu tầm như: Giấy chứng sinh của bà Mai Kim Quy sinh ra ở Hoàng Sa do cơ quan hành chính Pháp đặt tại Hoàng Sa cấp năm 1940… (Linh Anh) |
Rõ ràng, những diễn biến trên cho thấy, Việt Nam không hề đơn độc trong cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Hồng Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét