Ngày 3/5/2014, trên trang web của Cục Hải sự Trung Quốc đưa cảnh báo hàng hải số 14033 về việc giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shinyou 981) "tác nghiệp tại Nam Hải".
Cảnh báo này cho biết, từ ngày 2/5 đến 15/8, giàn khoan Hải Dương 981 sẽ hoạt động tại tọa độ 150 29'N/1110 12'E. Cấm tất cả các loại phương tiện không được xâm nhập vào khu vực Hải Dương 981 hoạt động trong phạm vi bán kính 1 hải lý.
Đối chiếu theo tọa độ trên thì giàn khoan Hải Dương 981 đã xâm phạm vào Lô 143 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý (221km) và cách phía Nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 18 hải lý. Đây là khu vực hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Hải Dương 981 là giàn khoan kiểu nửa chìm hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 m, độ sâu giếng khoan tối đa 12.000 m, và là giàn khoan cấp siêu sâu đầu tiên do Trung Quốc sản xuất (trên thế giới hiện chỉ có khoảng 20 giàn khoan hoạt động ở độ sâu 3.000 m).
Giàn khoan Hải Dương 981 dài 114 m, rộng 90 m, gồm năm tầng, cao 136 m được Trung Quốc mệnh danh là “Offshore Oil Aircraft Carrier – Hàng không mẫu hạm dầu mỏ”, đủ sức chống bão mạnh cấp 10. |
Ngày 4/5/2014, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shinyou 981), ngang nhiên xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Trả lời tại buổi họp báo, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan Haiyang Shiyou 981 nêu trong thông báo hàng hải của Cục Hải sự Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị, Việt Nam kiên quyết phản đối“.
Ngày 6/5/2014, Bộ ngoại giao Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào khu vực Biển Đông, cho rằng đây là một hành động mang tính khiêu khích và gây bất ổn định khu vực.
Đi kèm với giàn khoan Hải Dương 981 là hàng trăm tàu quân sự, tàu cá, máy bay chiến đấu liên tục gây rối trên vùng biển Việt Nam, chủ động “tấn công” các tàu Cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Hàng trăm tàu quân sự, tàu cá, máy bay Trung Quốc quanh giàn khoan
Ngày 14/5/2014, số lượng các tàu quân sự của Trung Quốc tại thực địa gồm có 2 hộ vệ tên lửa, 2 tàu vận tải đổ bộ có lượng giãn nước 17.000 tấn, được trang bị: 1 bệ gồm có 8 ống phóng tên lửa đối không, 1 bệ pháo 76 mm, 2 bệ với 4 khẩu pháo 30 mm. Số lượng tàu cá vỏ sắt Trung Quốc có lượng giãn nước 100 - 150 tấn cũng được tăng gần gấp 3 về số lượng so với ngày 13/5, từ 15 lên 40 chiếc.
Ngày 25/5/2014, Trung Quốc vẫn duy trì số lượng hơn 120 tàu, bao gồm tàu hải cảnh, tàu vận tải, tàu kéo, tàu cá và một tàu chiến nhằm bảo vệ giàn khoan.
Ngày 26/5/2014, Trung Quốc duy trì 113 tàu quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Quan sát của Cục Kiểm ngư cho thấy xuất hiện tàu tên lửa tấn công nhanh, quanh khu vực giàn khoan hạt đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam từ 25 - 30 hải lý. Trung Quốc còn điều động tàu khu trục tên lửa hoạt động cách giàn khoan 15 - 20 hải lý.
Ngày 27/5/2014, Trung Quốc đã tiến hành di dời vị trí đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Cục Hải sự Trung Quốc thông báo qua Đài Hải sự (tỉnh Hải Nam) cho biết giàn khoan Hải Dương 981 được hai tàu Hải Dương 612 và 613 kéo, với tốc độ dịch chuyển 4 hải lý/giờ. Giàn khoan 981 sẽ di chuyển về phía Đông Nam đảo Tri Tôn 25 hải lý. Đảo Tri Tôn thuộc Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngày 8/6/2014, Trung Quốc duy trì gần 120 tàu các loại ở quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong đó có 40 tàu hải cảnh, hơn 30 tàu vận tải và tàu kéo, 35-40 tàu cá, 4 tàu quân sự.
Ngày 16/6/2014, Trung Quốc duy trì 115-119 tàu các loại quanh khu vực giàn khoan, trong đó có 39-41 tàu hải cảnh, 14-15 tàu vận tải, 17-19 tàu kéo, 38 tàu cá và 6 tàu quân sự.
Ngày 18/6/2014, Trung Quốc duy trì khoảng 110-118 tàu các loại ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trong đó có 39-41 tàu hải cảnh, 14-15 tàu vận tải, 17-20 tàu kéo, 35-37 tàu cá, 5 tàu quân sự. Bên cạnh đó, còn có 3 máy bay quân sự lượn vòng trên khu vực giàn khoan.
Ngày 21/6/2014, Trung Quốc tiếp tục duy trì 118 tàu các loại, gồm khoảng 43 tàu hải cảnh, hơn 14 tàu vận tải, 17 tàu kéo, 38 tàu cá và 6 tàu quân sự để bảo vệ quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981.
Ngày 22/6/2014, Trung Quốc đã tăng thêm 16-19 tàu so với ngày 21-6, nâng số tàu có mặt ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam lên 133-137 tàu các loại. Trong đó gồm khoảng 42-44 tàu hải cảnh, hơn 14 -15 tàu vận tải, 18-19 tàu kéo, 54 tàu cá và 5 tàu quân sự.
Ngày 23/6/2014, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì 117-121 tàu các loại, gồm 42-44 tàu hải cảnh, 14-15 tàu vận tải, 18-19 tàu kéo, 38 tàu cá và 5 tàu quân sự để bảo vệ quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981 đang hạ đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Trong buổi sáng 23/6, 5 tàu Trung Quốc cùng vây ép, dùng tốc độ cao đâm vào mạn phải, mạn trái tàu KN-951 của kiểm ngư Việt Nam, khiến tàu KN-951 bị móp méo be mạn phải, mạn trái và hỏng một số thiết bị ở lan can.
Ngày 26/6/2014, ngoài việc duy trì 121 tàu các loại, Trung Quốc đã huy động thêm 2 máy bay chiến đấu và 1 máy bay trinh sát ra hoạt động ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981.
Ngày 3/7/2014, Trung Quốc duy trì 114-119 tàu các loại ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trong số đó có khoảng 44-46 tàu hải cảnh, 14-16 tàu vận tải, 15-16 tàu kéo, 34 tàu cá vỏ sắt và 7 tàu quân sự. Số tàu quân sự của Trung Quốc quanh khu vực giàn khoan tăng lên so với bình thường (6 tàu).
Ngày 10/7/2014, với 100% số phiếu ủng hộ, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua nghị quyết mang mã số S.RES.412 về Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức trả lại nguyên trạng như trước ngày 1/5/2014.
Ngày 13/7/2014, Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Trung Quốc duy trì khoảng 110-115 tàu các loại, trong đó có 43-44 tàu hải cảnh, 15-16 tàu vận tải, 16-17 tàu kéo, 31-33 tàu cá vỏ sắt và 5 tàu quân sự hoạt động quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Ngày 15/7/2014, Cục Kiểm ngư cho biết, Trung Quốc duy trì khoảng 70-75 tàu các loại hoạt động quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Trong đó có 32-34 tàu hải cảnh, 17-18 tàu vận tải, 16-18 tàu kéo, 5 tàu quân sự. Các tàu cá Trung Quốc đã di chuyển khỏi khu vực giàn khoan 981 đang hạ đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam về khu vực đảo Hải Nam.
Trung Quốc buộc phải rút giàn khoan Hải Dương 981
Tối 15/7/2014, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết trong ngày 15/7, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đang thực thi pháp luật trên biển ghi nhận giàn khoan 981 dịch chuyển khoảng 8 hải lý.
Lúc 23g17 ngày 15/7/2014, Tân Hoa xã dẫn nguồn từ Công ty TNHH cổ phần dịch vụ mỏ dầu trên biển Trung Quốc tuyên bố giàn khoan Hải Dương (Haiyang Shiyou) 981 đã ngưng hoạt động khu vực biển gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hãng tin này khẳng định giàn khoan Haiyang Shiyou 981 đã hoàn tất quá trình khoan thăm dò dầu khí ở khu vực trên trong thời gian 73 ngày.
Giàn khoan này sẽ được đưa về hoạt động ở khu vực Lăng Thủy ở đảo Hải Nam. Công ty TNHH cổ phần dịch vụ mỏ dầu trên biển Trung Quốc là doanh nghiệp giám sát và vận hành giàn khoan Haiyang Shiyou 981.
Tân Hoa xã dẫn lời ông Khâu Trung Kiến, chuyên gia địa chất dầu khí thuộc viện kỹ thuật Trung Quốc cho rằng sở dĩ Trung Quốc cho rút giàn khoan Haiyang Shiyou 981 ra khỏi khu vực biển gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là để bảo vệ an toàn tính mạng cho công nhân Trung Quốc đang làm việc trên giàn khoan, cũng như trang thiết bị của giàn khoan này trong thời điểm mùa bão đang bắt đầu ở biển Đông.
Ông này còn cho rằng dù đã phát hiện có nguồn dầu ở khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan này trong vùng biển của Việt Nam nhưng tạm thời chưa cho khai thác vì Bắc Kinh còn phải tổng hợp, phân tích và đánh giá những tài liệu về khu vực này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét