Hình minh họa.
Kim Young-hie, một nhà bình luận có tiếng của tờ JoongAng Ilbo ngày 14/7 có bài phân tích về chuyến công du Hàn Quốc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cũng như nhiều chuyên gia khác ông Young-hie nhận định, Tập Cận Bình muốn kéo Hàn Quốc ra khỏi hệ thống an ninh đồng minh 3 bên Mỹ - Nhật - Hàn trong bối cảnh chạy đua sức mạnh, tầm ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Chuyến công du Seoul của Tập Cận Bình và cuộc tấn công quyến rũ của ông Bình trong thời gian ở Hàn Quốc có mục đích rõ ràng là nhằm vào Nhật Bản với dấu hiệu muốn trở thành siêu cường quân sự, trong đó Hoa Kỳ đứng đằng sau hoạt động tái vũ trang của Tokyo.
Xác nhận quyết định của Tokyo thực hiện quyền tự vệ tập thể mặc dù Bắc Kinh và Seoul lo ngại là có vai trò của Washington, điều này đã trở thành 1 chủ đề trong chuyến công du Hàn Quốc của ông Tập Cận Bình.
Ngay sau khi nhậm chức tháng 11/2013, Tập Cận Bình công bố một học thuyết mới về cái gọi là "giấc mơ Trung Hoa" khi cùng 6 thành viên khác của Thường vụ Bộ chính trị đi thăm bảo tàng quốc gia trong 1 buổi triển lãm cho thấy quỹ đạo trỗi dậy của Trung Quốc từ "khó khăn và ô nhục" trong cuộc Chiến tranh Thuốc phiện vào năm 1840 để trẻ hóa đất nước.
Bối cảnh của cái gọi là "giấc mơ Trung Hoa" có thể được tóm gọn lại là nhằm mục đích "giành lại" (bành trướng) lãnh thổ của triều đại nhà Thanh. Trong bài phát biểu của mình tại đại học quốc gia Seoul, Tập Cận Bình lại nói về giấc mơ Trung Hoa.
Ông Bình nhắc lại một vài nhân vật đặc biệt trong quan hệ Hàn - Trung như Hoàng tử Kim Kyo-gak đã trở thành một tu sĩ Phật giáo tu khổ hạnh và qua đời ở ngọn Cửu Hoa Sơn tại Trung Quốc. Choe Chi-won đã từng giữ chức quan cao trong triều đại nhà Đường hay Joseon hỗ trợ nhà Minh trong cuộc chiến với Nhật Bản năm 1592, Baekbeom Kim Gu chống Nhật ở Trung Quốc....Tập Cận Bình đang cố thuyết phục Hàn Quốc tham gia giấc mơ Trung Hoa của mình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Hàn Quốc. |
Đáng chú ý là ông Bình không hề đề cập đến những cuộc xâm lược của họ vào bán đảo Triều Tiên hay sự can thiệp của Bắc Kinh trong Chiến tranh Triều Tiên đã ngăn chặn sự thống nhất của 2 miền bán đảo.
Ngăn chặn cái gọi là giấc mơ Trung Hoa của Trung Quốc là mục đích chính của trục chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Ngay sau khi Tập Cận Bình đi Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến thăm Úc và New Zealand, hỗ trợ Washington đối phó với Bắc Kinh.
Bất cứ khi nào có cơ hội, Tập Cận Bình đều nhấn mạnh rằng Thái Bình Dương đủ lớn cho cả 2 siêu cường, về cơ bản là để tuyên bố ý định của mình chia đôi Thái Bình Dương, duy trì sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Tây Thái Bình Dương. Tại hội nghị về Các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á tại Thượng Hải hồi tháng 5, Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh, an ninh châu Á phải được bảo vệ bởi người châu Á.
Trớ trêu thay, lập luận của ông Bình lại có chung ý tưởng với chiến lược rút lui của Tổng thống Mỹ Richard Nixon khỏi cuộc chiến Việt Nam năm 1969. Học thuyết của ông đặt ra là, đồng minh của Mỹ ở châu Á nên tự phụ trách an ninh của chính họ.
Những người rất thận trọng với tuần trăng mật trong quan hệ Hàn - Trung cho rằng, quan hệ song phương hiện nay không khác nào một con rắn lớn đang quấn quanh một con thỏ. Đó là một sự so sánh khủng khiếp, nhưng nếu Hàn Quốc sa đà vào mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc để rơi vào cái gọi là giấc mơ Trung Hoa giành lại "vinh quang" của Càn Long nhà Thanh kiểm soát Hồng Kông, Đài Loan, Nội Mông và có thể là các đảo ở Biển Đông, quan hệ Hàn - Mỹ, Hàn - Nhật có thể sẽ vượt qua một cây cầu không bao giờ trở lại được.
Sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Hàn Quốc, hợp tác kinh tế và các hoạt động trao đổi đào tạo dự kiến sẽ được mở rộng, nhưng Hàn Quốc phải thận trọng với việc bị kéo vào "giấc mơ Trung Hoa" của Tập Cận Bình. Seoul cần phải tách bạch các mối quan hệ riêng rẽ với những trò chơi quyền lực ở Đông Bắc Á bằng cách duy trì quan điểm trung lập và thực dụng.
Cải thiện quan hệ hai miền Triều Tiên, khôi phục quan hệ Hàn - Nhật, duy trì hợp tác an ninh Hàn - Mỹ cũng quan trọng như quan hệ Hàn - Trung. Trung Quốc đang cố gắng để làm hài lòng Hàn Quốc chỉ vì Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Khi mối quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên cải thiện đến một mức độ nhất định, lập trường của 2 miền Triều Tiên đối với Trung Quốc sẽ được tăng cường và sự phụ thuộc của Bình Nhưỡng vào Bắc Kinh cũng sẽ giảm. Tùy thuộc vào những gì Seoul sẽ làm, bản chất vấn đề an ninh ở Đông Bắc Á là cơ hội tốt nhất cho Hàn Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét