Máy bay cảnh báo sớm C-295
Hiện tại, không quân Việt Nam đang có khoảng hơn 400 máy bay gồm tiêm kích, trực thăng và ném bom với các loại máy bay chủ lực: Su-27, Su-30, Su-22 và cả Mig-21Bis. Tuy nhiên, chúng ta chưa có máy bay cảnh báo sớm.
Do vậy, có nhiều nguồn tin cho rằng Việt Nam đang quan tâm đến việc trang bị một số máy bay cảnh báo sớm. Hồi cuối tháng 5/2013, Không quân Indonesia cử một máy bay vận tải chiến thuật CN-295 bay trình diễn sang 6 nước ASEAN trong đó có Việt Nam. Chiếc máy bay này là biến thể của máy bay C-295 do hãng sản xuất máy bay PT Dirgantara của Indonesia hợp tác với Airbus chế tạo.
Sau khi chứng kiến năng lực của CN-295, quân đội Việt Nam đánh giá rất cao. Theo báo chí Indonesia khi đó thì Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua các máy bay loại này.
Trong khi đó, báo Độc Lập của Nga cũng đồng ý với khả năng Việt Nam đang tìm kiếm một máy bay cảnh báo sớm nhưng cho rằng lựa chọn của Việt Nam là máy bay C-295 của Airbus.
Vốn dĩ C-295 là máy bay vận tải tầm trung nhưng được phát triển thêm cấu hình khí động học để lắp đặt hệ thống radar xoay để trở thành máy bay giám sát và cảnh báo sớm trên không.
Máy bay sử dụng 2 động cơ cánh quạt PW127G cho phép nó đạt tốc độ tối đa 576km/h và tốc độ hành trình 480 km/h. Phạm vi hoạt động của máy bay đạt tới 5400km và hoạt động liên tục trong 9h. Độ cao tối đa của C-295 đạt được khoảng 7930m.
Mua thêm hệ thống phòng thủ biển Bastion-P
Cuối năm 2013 có tin từ Tuần báo Tin tức công nghiệp quốc phòng Nga cho biết việt Nam đang đàm phán với Nga để mua thêm 1 hệ thống tên lửa bờ biển Bastion-P nữa.
Nguồn tin của tờ báo trên nói: Việt Nam và Nga đã thảo luận về khả năng mua thêm một tiểu đoàn tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion-P thứ ba, cũng như các máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2 và các hệ thống tên lửa phòng không.
Hệ thống tên lửa Bastion-P là hệ thống phòng thủ hiện đại mà hiện tại Nga mới chỉ xuất khẩu cho 2 nước là Việt Nam và Syria. Trung Quốc cũng từng đề nghị mua nhưng Nga không đồng ý bán.
Đạn của hệ thống Bation-P là loại tên lửa Yakhont có tầm bắn từ 120 km đến 300 km. Khi bắn, tên lửa này có hai hành trình cơ bản. Một là bay tầm thấp với độ cao cách mặt biển 9-15 m. Ở hành trình này, tầm bắn tối đa khoảng 120 km. Hai là hành trình hỗn hợp, ban đầu bay cao với độ cao tối đa lên tới 14 km nhưng đến gần mục tiêu thì hạ thấp độ cao xuống 9-15m để diệt chiến hạm. Ở hành trình hỗn hợp, tầm bắn tối đa của tên lửa đạt đến 300 km. Tốc độ tên lửa ở tầm tao đạt 780m/s còn ở tầm thấp đạt 680m/s
Ở hành trình bay sát mặt biển (cách mặt biển 5-15 m) rất khó để đánh chặn được tên lửa Yakhont. Mặt khác, Bastion-P sử dụng chiến thuật “bầy sói” để tấn công mục tiêu với 3 tên lửa đi theo 3 quỹ đạo khác nhau. Do đó các hệ thống phòng không của chiến hạm vô cùng khó khăn để đánh chặn được nó.
Một tên lửa Yakhont có đầu đạn nặng 200 kg có thể tiêu diệt hầu hết các loại tàu chiến chỉ với một quả đạn.
Một hệ thống Yakhont có thể bao quát một vùng bờ biển dài 600 km. Hiện tại Việt Nam đã có 2 hệ thống Bastion-P. Tuy nhiên bờ biển của Việt Nam dài gần 2000 km do đó 2 hệ thống là chưa đủ để kiểm soát toàn bộ. Mặc dù hiện tại chưa có các thông tin xác minh của Bộ Quốc phòng Việt Nam nhưng với điều kiện địa lý của Việt Nam cũng như nhu cầu hiện đại hóa lực lượng để đảm bảo năng lực quốc phòng, việc đàm phán mua thêm một hệ thống Bastion-P là hoàn toàn có căn cứ.
(Theo Người Đưa Tin)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét