Tân Hoa xã ngày 5/9 cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký quyết định trao tặng bằng danh dự cho 2 phi công thuộc phi đội máy bay chiến đấu đầu tiên tham gia thử nghiệm cất và hạ cánh trên tàu Liêu Ninh, tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc.
Tân Hoa Xã chỉ thông báo ngắn gọn 2 phi công thiệt mạng trong các bài diễn tập mà không nêu chi tiết vụ việc. Hai phi công này thuộc binh chủng không quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), trong khi 2 chiếc chiến đấu cơ gặp nạn là Shenyang J-15 (còn gọi là cá mập bay).
Chiến đấu cơ J-15 của Trung Quốc tập cất và hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh |
Hãng AP đưa tin, các cuộc thử nghiệm loại này đặc biệt nguy hiểm, trước nay các chuyến bay thử nghiệm thường được thực hiện một cách bí mật và việc phi công tử nạn cũng không được thông báo.
Đối với "cá mập bay" J-15, theo truyền thông quốc tế, máy bay tiêm kích này đã nhiều lần gặp lỗi kỹ thuật trong quá trình thử nghiệm trên mặt đất, trước khi hoàn thành lần cất hạ cánh đầu tiên trên tàu sân bay Liêu Ninh vào ngày 25/11/2012.
Sự cố đầu tiên diễn ra vào khoảng thời gian 6/2011-11/2012 khi phi công đang điều khiển chiếc J-15 hạ cánh xuống trung tâm thử nghiệm ở Tây An, Tây Bắc Trung Quốc.
Trong quá trình hạ cánh, thiết bị cảnh báo trên J-15 báo hiệu hệ thống thủy lực bị rò rỉ. Ngay lập tức, phi công thử nghiệm hạ độ cao máy bay trước khi hệ thống thủy lực hỏng hoàn toàn. Sau khi hạ cánh trong điều kiện khó khăn, phi công thử nghiệm đã không thể dường chiếc J-15 do không còn phanh. Cuối cùng, đội kỹ thuật dưới mặt đất phải dựng tấm lưới cản để giữ cho máy bay không vượt ra ngoài đường băng.
Ít lâu sau, trong bài thử khác hạ cánh trên boong tàu sân bay mô phỏng, J-15 tiếp tục gặp lỗi kỹ thuật động cơ. Trong quá trình tiếp cận mặt boong, một trong 2 động cơ của chiếc J-15 gặp lỗi, tốc độ giảm xuống và gây ra tình huống có thể gây cháy hoặc nổ máy bay. Phi công ngay lập tức tắt động cơ gặp lỗi và điều khiển máy bay hạ cánh.
Vụ tai nạn thứ 3 mà J-15 gặp phải khi thử nghiệm việc đưa thiết bị móc cáp vào một trong 2 dây hãm trên mặt đất (mục đích dừng máy bay trên tàu sân bay). Phi công J-15 đã lao trên đường băng với tốc độ 200km/h mà không cất cánh. Sau khi móc thành công dây hãm đầu tiên, do lực quá mạnh làm máy bay giật ngược, phần đuôi đập mạnh xuống đất. Rất may, chiếc cáp hãm thứ 2 đã níu chiếc J-15 đứng trên đường băng.
Chính viên phi công thử nghiệm này sau đó đã được chỉ định thực hiện chuyến hạ cánh đầu tiên trên boong tàu sân bay Liêu Ninh, ngày 25/11/2012. Người này đã điều khiển chiếc J-15 móc vào 2 trong số 4 cáp hãm trên boong tàu.
Theo tạp chí Wired, tình trạng trục trặc kỹ thuật mà J-15 gặp phải không có gì đáng ngạc nhiên bởi chiến đấu cơ này là thiết kế sao chép “không giấy phép” từ tiêm kích hạm Su-33 (Liên Xô). Vì vậy, trong quá trình phát triển nó sẽ gặp nhiều vấn đề chất lượng.
Một "vận đen" khác gây thót tim của quân đội Trung Quốc là một con tàu ngầm suýt bị rơi xuống một rãnh vực có độ sâu 3.000m dưới biển.
Cụ thể, trong một cuộc tuần tra thường xuyên ở vùng nước sâu hồi tháng 4/2014, tàu ngầm 372 đã gặp phải một sự thay đổi đột ngột về mật độ nước và sự thay đổi trong áp suất, khiến các đường ống trong buồng động cơ bị hư hỏng. Tàu ngầm sau đó bắt đầu lao thẳng xuống một rãnh sâu trong lòng đại dương.
Lúc này, ông Wang Hongli, thuyền trưởng của tàu ngầm 372, bình tĩnh ra lệnh cho các thủy thủ xử lý và trong vòng ba phút đã đưa con tàu thoát khỏi nguy hiểm. Hệ thống lặn của tàu 372 trở lại bình thường ba giờ sau đó và con tàu tiếp tục chuyến tuần tra kéo dài 20 ngày. Chi tiết cụ thể về vụ việc được giữ bí mật. Tờ SCMP tiết lộ ông Wang công tác trong biên chế hạm đội Nam Hải của Trung Quốc.
Đây là lần hiếm hoi quân đội nước này công khai thừa nhận về sự cố kỹ thuật trong hoạt động của mình. Theo giáo sư Liu Guijie, đại học Đại dương Trung Quốc, ở độ sâu 3.000m, không có gì phải nghi ngờ rằng tàu ngầm trên chắc chắn sẽ gặp nạn. Đây là một tình huống thực sự nguy hiểm vì độ lặn sâu thông thường của nó chỉ ở khoảng 300 - 500m.
Thuyền trưởng Wang và thuộc cấp được Quân ủy Trung ương Trung Quốc khen thưởng hạng nhất, mức khen thưởng cao thứ 2 trong quân đội Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét