(PetroTimes) - Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vừa từ Sri Lanka trở về thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi hành đến Colombo. Trên đường đi, ông Tập ghé Ấn Độ, nơi mà chính quyền New Delhi vừa thiết lập quan hệ ở “cấp độ mới” với Tokyo… Cuộc đối đầu Trung-Nhật đang được thể hiện qua việc tranh giành từng đồng minh một.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Từ ngày 6 đến ngày 9/9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thăm và làm việc hai nước Nam Á là Bangladesh và Sri Lanka. Tháp tùng ông Abe trong chuyến công du này là lãnh đạo của 50 công ty hàng đầu của Nhật Bản. Điều đó đủ để thấy, vấn đề kinh tế là trọng tâm hàng đầu. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản tới Sri Lanka trong vòng 24 năm qua. Hai lĩnh vực hợp tác đã được các bên ký kết. Sri Lanka đồng ý áp dụng truyền hình kỹ thuật số mặt đất của Nhật và chấp nhận sự hỗ trợ của Tokyo trong việc xây dựng và quản lý các nhà máy nhiệt điện hiệu suất cao.
Hình ảnh một nước Sri Lanka với cuộc nội chiến kéo dài có lẽ vẫn chưa phai mờ và đây chính là nguyên nhân khiến các công ty Nhật Bản còn lưỡng lự trước khi quyết định đầu tư vào đất nước này. Nhưng 5 năm sau khi nội chiến kết thúc, Sri Lanka đã đạt mức tăng trưởng kinh tế ổn định và chuyến thăm Colombo lần này của Thủ tướng Abe sẽ giúp các doanh nghiệp Nhật Bản thay đổi cách nhìn đối với đất nước ở Nam Á này.
Kết thúc chuyến thăm Sri Lanka, Thủ tướng Abe và Tổng thống Rajapaksa nhất trí hợp tác về an ninh biển vào lúc mà Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng trong việc xác quyết chủ quyền trên các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Theo tin báo chí Sri Lanka, Nhật Bản sẵn sàng cung cấp tàu tuần tra cho Sri Lanka để giúp nước này tăng cường khả năng bảo vệ lãnh hải.
Còn tại Bangladesh, Thủ tướng Abe thông báo các khoản đầu tư mới vào những dự án cơ sở hạ tầng, như đường hầm dưới dòng sông Brahmaputra, nhà máy nhiệt điệt chạy bằng than. Nhật còn tỏ ra rất quan tâm đến dự án xây cảng nước sâu ở miền Nam Bangladesh, dự án mà ban đầu chính quyền Dhaka đã muốn nhờ Trung Quốc xây dựng. Bangladesh còn dự trù xây một khu công nghiệp dành riêng cho các nhà đầu tư Nhật Bản.
Khi kinh tế đã thông thì vấn đề chính trị trở nên khá dễ dàng. Trong cuộc gặp với ông Abe, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina ủng hộ việc Nhật Bản ra tranh cử chức ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Bà Sheikh nói Bangladesh sẽ rút lui không ra tranh cử. Trước đó, Nhật Bản và Bangladesh đều tranh chiếc ghế không thường trực ở Hội đồng Bảo an (HĐBA) cho nhiệm kỳ 2015-2016. Trên thực tế, Nhật chưa bao giờ che giấu tham vọng trở thành thành viên thường trực của HĐBA.
Chuyến công du cuối tháng 7/2014 của Thủ tướng Shinzo Abe đến Nam Mỹ, Trung Mỹ và Caribê không chỉ được thiết kế như một nỗ lực xây dựng quan hệ kinh tế với khu vực nhằm cạnh tranh với Trung Quốc mà còn là một chiến dịch vận động hành lang để tạo sự ủng hộ một ghế thành viên không thường trực HĐBA, trong cuộc bầu cử tháng 10/2015.
Ngoài việc mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế của Nhật, chiếc ghế thường trực HĐBA sẽ giúp Tokyo cạnh tranh trực tiếp với Bắc Kinh. Trung Quốc là nước phản đối gay gắt nhất việc cải tổ mở rộng HĐBA vì nếu điều này được thực hiện, Nhật chắc chắn sẽ được bầu vào vị trí thành viên thường trực.
Bangladesh cũng như Sri Lanka đều nằm trên tuyến hàng hải giữa vùng Trung Đông giầu nguồn dầu hỏa với vùng Đông Á. Trung Quốc đã giúp xây nhiều hải cảng tại các quốc gia nằm trên tuyến đường có tính chất huyết mạch này. Nay đến lúc Nhật Bản mở cuộc phản công để đối lại với ảnh hưởng của Bắc Kinh ở các nước này.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hội kiến Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina ngày 6/9
Trung Quốc và Nhật Bản không chỉ tranh giành ở Bangladesh và Sri Lanka. Chuyến công du hai nước Nam Á này của Thủ tướng Abe diễn ra tiếp theo sau chuyến viếng thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Tokyo. Trong đó, hai nước, mà hiện đều gặp căng thẳng với Trung Quốc, đã đồng ý sẽ nâng quan hệ song phương lên một “cấp độ mới”. Xa hơn một chút, ngay khi ông Joko Widodo tuyên bố thắng cử Tổng thống Indonesia, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida đã có mặt ở Jakarta để tranh thủ sự ủng hộ của tân chính quyền Jakarta với những tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoa Đông, thông qua quan điểm của ông Widodo về tình hình Biển Đông.
Ngay khi ông Abe rời Sri Lanka, ngày 11/9 Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du 4 nước, Tajikistan, Maldives, Sri Lanka và Ấn Độ.
Bất chấp những tranh chấp về lãnh thổ với New Delhi, Bắc Kinh hy vọng thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ, để đối phó với trục Tokyo-New Delhi đang hình thành, trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc với các láng giềng Đông Nam Á đang xấu đi do nhiều tranh chấp lãnh thổ.
Th.Long (tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét