BizLIVE - Một Giáo sư Học viện Không quân Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng khi chưa có đủ bằng chứng mà đã có những phát ngôn đổ lỗi cho Nga gây ra vụ máy bay MH17 rơi thì Nga có quyền đòi hỏi bồi thường vì những động thái gây thiệt hại danh dự và tinh thần, bôi nhọ hình ảnh quốc tế của đất nước mình, theo đài Tiếng nói nước Nga.
Các chuyên gia Hà Lan đã công bố báo cáo chuyên viên sơ bộ về tai họa với máy bay "Boeing 777” của Malaysia, cướp đi sinh mạng của 298 người trên chuyến bay MH17, rơi trên lãnh thổ Ukraine.
Các chuyên viên khẳng định rằng chiếc máy bay bị vỡ tung trong chuyến bay do "cấu trúc bị thiệt hại vì tác động từ bên ngoài của một loạt vật thể năng lượng cao", tuy nhiên đến nay chưa xác định được nguồn gốc của “những vật thể” tử thần đó là cái gì và xuất phát từ đâu.
Theo thông báo của phía Hà Lan, kết luận cuối cùng về nguyên nhân thảm kịch này sẽ công bố trong vòng một năm sau khi xảy ra vụ việc, nhưng mốc thời gian có thể điều chỉnh tùy thuộc vào tiến độ điều tra.
Nói chung, theo quan điểm của phần lớn các chuyên gia Nga và nước ngoài, kết quả của báo cáo sơ bộ là chuyện có thể đoán trước được.
Trong cuộc đối thoại với đài "Tiếng nói nước Nga", Giáo sư Tiến sĩ khoa học chính trị
tại Học viện Không quân Thổ Nhĩ Kỳ và Đại học Tổng hợp Ozyegin ở Istanbul, cựu sĩ quan Không quân Thổ Nhĩ Kỳ Mesut Hakki nêu nhận xét: “Theo báo cáo sơ bộ gồm 34 trang, chiếc máy bay đã bị tấn công. Hóa ra vụ tai nạn không phải do lỗi của phi công mà cũng chẳng phải do trục trặc kỹ thuật của chiếc phi cơ dân dụng".
Bản báo cáo nói rằng những thiệt hại của cấu trúc máy bay là do tác động từ bên ngoài của rất nhiều vật thể có năng lượng cao. Điều này chỉ có thể xảy ra trong một cuộc tấn công bằng tên lửa. Hơn thế nữa, trong báo cáo nói về chuyện máy bay đã bị vỡ làm đôi trong không khí, nghĩa là hiện tượng chỉ có thể trong vụ nổ đủ lớn. Điều này đòi hỏi phải điều tra kỹ lưỡng hơn nữa và nghiên cứu kỹ càng tất cả các luận cứ và bằng chứng.
"Nhìn chung, đối với tôi thì tính chất hạn chế của kết quả bản báo cáo này còn quá hơn những gì dự kiến. Rút ra kết luận bây giờ vẫn còn là sớm”, giáo sư Mesut Hakki nói.
Vị giáo sư Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng: “Không thể đưa ra những tuyên bố kết tội khi không có đủ bằng chứng. Bởi những phát ngôn như thế gây ra hậu quả nghiêm trọng. Giống như công tố viên kém cỏi thất bại trong việc trưng ra những chứng cứ cần thiết để khẳng định sự xác đáng của lời buộc tội. Bởi vì chính những phát ngôn đó có thể quay ngược chống lại những nhân vật đã cáo buộc vô căn cứ.Về phần mình, bên bị hại mà ở đây là Nga có quyền đòi hỏi bồi thường vì những động thái gây thiệt hại danh dự và tinh thần, bôi nhọ hình ảnh quốc tế của đất nước”.
Trả lời câu hỏi làm sao mà một chiếc máy bay dân sự lại bay trong khu vực có chiến tranh? Ông Sun Hung, Phó giám đốc Viện Hàng không dân dụng và kiểm soát giao thông đường không Trung Quốc cho biết theo các quy tắc quốc tế về an ninh hàng không, đường bay của chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines phải được điều chỉnh để tránh vùng trời đông-nam Ukraina. Tuy nhiên, trên thực tế máy bay này đã không làm như vậy.
Chuyên gia hàng không Trung Quốc này còn cho biết: “Trong hệ thống hàng không dân dụng của thế giới đều có bộ phận dịch vụ thông tin bay. Trong trường hợp bình thường, dịch vụ thông tin bay ở mỗi nước cần công bố kịp thời những hướng dẫn đặc biệt cụ thể, liên quan đến bối cảnh không lưu trên lãnh thổ của nước ấy".
Nhưng thông tin cần được thông báo nhất chính là các thông tin liên quan với những sự kiện ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của các chuyến bay, yêu cầu đó càng quan trọng. Thí dụ, có sự thay đổi quy tắc nào đó, máy bay xảy ra sự cố thiết bị, đang có cuộc thao diễn hay tập trận, các cuộc phóng tên lửa hay việc tạo mây làm mưa nhân tạo v.v...
Về mặt lý thuyết, khu vực đang có hoạt động chiến sự cũng cần được đánh dấu, ít nhất là vùng nguy hiểm hoặc thậm chí bị cấm đối với các chuyến bay của hàng không dân dụng.
"Trước mỗi chuyến bay, nhân viên của bộ phận thông tin bay phải truyền đạt cho hãng hàng không bản thông báo về tình hình không lưu. Trên cơ sở tài liệu này sẽ vạch kế hoạch của chuyến bay, chuyển cho phi hành đoàn đánh giá và thực hiện”, vị chuyên gia Trung Quốc nói.
Theo quan điểm của chuyên viên Trung Quốc, thực tế phía Ukraine đã không truyền đạt các thông tin bay liên quan, xét từ góc độ đạo đức, ít nhất cũng là vô trách nhiệm.
Trong suốt thời gian dài, hàng loạt phương tiện truyền thông loan tin rằng Hoa Kỳ có dữ liệu từ vệ tinh trinh sát có thể làm rõ nguyên nhân đích thực của thảm kịch với chiếc Boeing. Tuy nhiên, người Mỹ đã chẳng vội công bố những dữ liệu đó.
Ông Sun Hung nhìn nhận ở đây có hai lý do: Thứ nhất, những tư liệu ấy không có lợi cho phía Ukraine. Thêm nữa, Hoa Kỳ không muốn lộ ra để thế giới biết về thực trạng bố trí, độ chính xác và những thông số đặc tính kỹ thuật khác của các bộ máy mà họ triển khai trên bầu trời.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét