(PLO) - Ngày 9-9, lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine cho biết họ không có khả năng bắn hạ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airline. Quân ly khai đưa ra tuyên bố trên sau khi báo cáo điều tra sơ bộ của Hà Lan cho rằng máy bay va vào “vật thể đầy sức mạnh”.
“Tôi có thể nói một điều duy nhất: đơn giản là chúng tôi không có các thiết bị quân sự có khả năng bắn hạ một máy bay phản lực chở khách như Boeing của Malaysia", Alexander Zakharchenko- Thủ tướng nước Cộng hoà nhân dân Donetsk tự xưng phát biểu với hãng tin Interfax của Nga .
Kiev và Washington cáo buộc quân nổi dậy đã bắn hạ MH17 vào ngày 17-7 với hệ thống tên lửa được Nga cung cấp đã giết chết tất cả 298 người trên máy bay, tuy nhiên không có bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào.
Nhân viên hãng hàng không MA khóc trong buổi bàn giao thi thể các nạn nhân trong vụ máy bay MH317 bị bắn rơi. Buổi lễ diễn ra tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Sepang, Malaysia) - (AP/Lai Seng Sin)
Các phần tử nổi dậy ly khai và Moscow đã liên tục phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào đến việc bắn rơi MH17 khi nó bay qua lãnh thổ Ukraine ở độ cao khoảng 10.000 mét và cho rằng quân đội Ukraine đã thực hiện hành vi này.
Miroslav Rudenko, một chỉ huy cao cấp của quân ly khai nói với Interfax: “Rõ ràng đây là một hành động khiêu khích của lực lượng vũ trang Ukraine để làm mất uy tín của Nga và lực lượng quân nhân”.
Ngày 9-9, các điều tra viên Ủy ban An toàn bay Hà Lan (OVV) xác nhận trong bản báo cáo sơ bộ về sự cố liên quan tới chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines cho rằng máy bay Boeing 777 gặp nạn vì những vật thể tốc độ cao, năng lượng lớn va chạm với máy bay từ bên ngoài.
Theo bình luận viên Richard Quest của hãng tin CNN nhận định, báo cáo của Hà Lan 'chưa kết tội được ai cả'. Theo đó, báo cáo này còn không hề đả động gì đến khái niệm “tên lửa”, huống chi xác định đến loại tên lửa bắn hạ MH17 và thủ phạm bắn hạ MH17.
Richard Quest nhận xét: “Vật thể làm cho máy bay rơi không thể đơn thuần đâm vào máy bay rồi phát nổ. Vật thể này phải tiếp cận máy bay ở một khoảng cách nhất định, sau đó phát nổ và phóng ra những mảnh kim loại nóng, sắc và dữ dội thì mới có thể tạo nên những dấu tích như vậy”.
Tuy báo cáo của OVV vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cho thảm họa máy bay ngày 17-7 nhưng nó có thể làm tăng áp lực phương Tây đối với vai trò của Moscow trong xung đột đẫm máu ở Ukraine.
Cũng trong ngày 9-9, Quân đội Ukraine cho biết sân bay gần thành phố Donetsk ở miền Đông Ukraine đã bị tấn công bằng tên lửa và súng cối trong bốn lần, nhưng không có ai bị thương vong.
Trước đó, đụng độ vẫn nổ ra xung quanh thành phố cảng Marioupol, ở Đông Nam Ukraine. Cho đến nay, xung đột chưa đến mức bùng phát mạnh, nhưng tình trạng này đe dọa khả năng thực thi thỏa thuận ngừng bắn giữa chính quyền Kiev và lực lượng đòi liên bang hóa ở miền Đông.
Nguyên Vi - Đại Thắng - Thu Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét