Trang tin Philstar ngày 27/6 dẫn lời ông Dennis Blair, hiện là một chuyên gia về châu Á cho rằng, Philippines, Nhật Bản và Việt Nam, mỗi nước cần phải có hành động mạnh mẽ chống lại những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Ông Blair, phục vụ Hải quân 34 năm và từng là Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ, cho rằng, các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc “không thể chỉ đơn giản nhượng bộ”, mà phải tìm ra các biện pháp đối phó với những hành động ngang ngược của Bắc Kinh.
Ông Blair cũng khẳng định rằng, Bắc Kinh sẽ tiếp tục có những hành động nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền đơn phương của nước này, nhưng sẽ dám không vượt qua “giới hạn tự đặt ra” để làm leo thang căng thẳng dẫn đến xung đột.
“Trung Quốc biết rằng nếu xung đột diễn ra ở biển Hoa Đông hoặc Biển Đông, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế”, theo ông Blair.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhận định, trong “giới hạn tự đặt ra”, Bắc Kinh sẽ tiếp tục mở rộng vùng nhận dạng phòng không hoặc tuyên bố các vùng đánh cá mới trên các vùng biển tranh chấp.
Ông Blair kêu gọi các nước láng giềng nên tận dụng “giới hạn tự đặt ra” của Trung Quốc, hợp sức chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh.
Hồi đầu tháng 5/2014, Trung Quốc hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển Việt Nam khiến căng thẳng Biển Đông leo thang. Tàu Trung Quốc còn ngang ngược đâm chìm tàu Việt Nam tại khu vực đặt giàn khoan.
Còn ở biển Hoa Đông, Trung Quốc đã điều chiến đấu cơ bay áp sát máy bay chiến đấu Nhật Bản và tàu Trung Quốc liên tục lai vãng ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Mới đây, Trung Quốc còn tung ra bản đồ dọc, trong đó có “đường lưỡi bò” (trước đây gọi là đường 9 đoạn nay trở thành đường 10 đoạn) nuốt trọn gần hết Biển Đông. Mỹ và Philippines cũng đã lên tiếng phản đối, bác bỏ tính pháp lý của tấm bản đồ này.
Hôm 25/6, trong hai sự kiện riêng biệt, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á - Thái Bình Dương Daniel Russel lại tố cáo những hành vi có nguy cơ gây bất ổn của Trung Quốc trong khu vực.
Theo hãng tin Pháp AFP, trong cuộc hội đàm với khách mời là Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cập đến điều được ông gọi là "hành vi gây bất ổn" của Trung Quốc tại Biển Đông.
AFP cũng nhấn mạnh, trong thời gian gần đây, Trung Quốc càng lúc càng lấn tới hơn trong việc áp đặt yêu sách chủ quyền của họ. Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, kể cả tại vùng biển gần bờ biển các nước láng giềng. Trước tình hình đó, Washington nhấn mạnh rằng Bắc Kinh phải tuân thủ "quyền tự do hàng hải" và thảo luận vấn đề Biển Đông trong các diễn đàn khu vực với các đồng minh của Mỹ. Trung Quốc đã tỏ thái độ bực tức trước yêu cầu này.
Hôm 25/6, phát biểu trong phiên điều trần tại Ủy ban đối ngoại tại Thượng viện Mỹ, ông Daniel Russel cho rằng, những hành động gần đây của Trung Quốc ở biển Đông và Hoa Đông khiến các nước láng giềng cảnh giác. Theo ông Russel, với tư cách một cường quốc đang trỗi dậy, Trung Quốc cần kiềm chế hành vi của mình. Việc cố tình coi nhẹ những biện pháp ngoại giao và biện pháp hòa bình khác trong việc xử lý bất đồng và tranh chấp, thay vào đó cưỡng ép về kinh tế và ngoài thực địa là hành động gây bất ổn, nguy hiểm.
Theo ông Russel, các hành động đơn phương này vừa làm gia tăng căng thẳng, vừa phá hoại vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Nguồn : Tin Mới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét