Cadn.com.vn) - Những vụ giao tranh bùng nổ ở đông Ukraine gieo thêm nhiều khó khăn cho cuộc điều tra vụ MH17 bị bắn rơi.
Cảnh sát Hà Lan và Australia ngày 28-7 tiếp tục cố gắng tiếp cận hiện trường vụ MH17 bị bắn rơi sau khi những cuộc xung đột đẫm máu giữa hai phe ở Ukraine nhấn chìm nỗ lực trước đó.
Các nhóm quốc tế hiện chưa thể tiếp cận hiện trường MH17 do xung đột bùng nổ ở đông Ukraine. Ảnh: CBS |
Khó tiếp cận hiện trường MH17
Ukraine và phương Tây cáo buộc phe nổi dậy bắn rơi MH17, sử dụng hệ thống tên lửa do Nga cung cấp. Moscow và phe nổi dậy đổ lỗi cho quân đội Ukraine. Và các nhà điều tra đang đổ xô đến hiện trường vụ việc để tìm ra sự thật sau thảm họa mà LHQ gọi tên là “tội ác chiến tranh”.
Mặc dù Malaysia đạt thỏa thuận với phe nổi dậy cho các nhóm quốc tế đến hiện trường MH17, song nhóm cảnh sát Hà Lan và Australia đã buộc phải hủy kế hoạch tới địa điểm trên do lo ngại an toàn khi các cuộc không kích dữ dội của chính quyền Kiev làm rung chuyển những thị trấn sát khu vực. “Cảnh sát không thể tiếp cận vị trí MH17 bị bắn rơi vào lúc này mà phải chờ vài ngày nữa”, Phó Tư lệnh Cảnh sát Australia Andrew Colvin thừa nhận. Tình trạng bất ổn cũng khiến nhà chức trách Hà Lan, vốn đang dẫn đầu cuộc điều tra vụ MH17 kết luận rằng, việc điều nhóm cảnh sát vũ trang đến bảo vệ hiện trường là “không thực tế”.
Vì vậy, Kuala Lumpur hiện vẫn đang đàm phán thỏa thuận ngừng bắn với Kiev và phe nổi dậy đảm bảo an toàn cho các nhà điều tra quốc tế. Khu vực ngừng bắn bao gồm cả hiện trường vụ thảm kịch có bán kính 35 km.
Các bên tiếp tục đổ lỗi nhau
Tại Ukraine, cả hai bên trong cuộc chiến tranh của Ukraine tiếp tục buộc tội nhau gây bùng nổ xung đột, chặn các lối vào hiện trường MH17.
Chính quyền Kiev còn cáo buộc phiến quân “phá hủy bằng chứng” trong khi phe nổi dậy nói rằng, quân đội Ukraine nhắm mục tiêu dân thường. Ukraine hôm 28-7 ra tuyên bố thừa nhận tiếp tục tấn công nhằm đánh bật quân nổi dậy, nhưng bác bỏ cáo buộc không kích gần địa điểm vụ tai nạn. Nhưng... “Kiev đang cố gắng loại bỏ các bằng chứng về tội ác của quân đội”, lãnh đạo phe nổi dậy Aleksander Borodai nói, đề cập đến cuộc tấn công quân đội Ukraine nhằm vào một số khu vực quanh hiện trường vụ MH17.
Trên trường quốc tế, Mỹ tiếp tục công bố các hình ảnh mới củng cố cáo buộc, Nga bắn tên lửa vào sâu lãnh thổ Ukraine. Trong khi đó, Điện Kremlin cáo buộc Nhà Trắng can thiệp trắng trợn vào công việc của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) và yêu cầu ngay lập tức để OSCE làm nhiệm vụ. Các quan sát viên OSCE sẽ được triển khai tại những trạm kiểm soát biên giới Nga giáp với đông Ukraine trong vài ngày tới. Moscow cũng cho rằngWashington gián tiếp thừa nhận sự hiện diện của hệ thống phòng không Ukraine trong khu vực MH17 bị bắn rơi. Hãng RIA Novosti cho biết, Mỹ xác nhận tính xác thực của các dữ liệu vệ tinh mà Bộ Quốc phòng Nga cung cấp trong cuộc họp báo hôm 21-7, cho biết, các thiết bị phòng không của Ukraine gần thành phố Donetsk ước tính gồm 4 tiểu đoàn Buk-M1.
Hơn 1 tuần sau thảm kịch, sự thật MH17 vẫn còn nằm tại hiện trường. Các bên vẫn đang tiếp tục cáo buộc lẫn nhau về tất cả những tội ác ở miền đông Ukraine. Và điểm duy nhất khiến các bên nhìn về một hướng là “một lệnh ngừng bắn ở đông Ukraine”. Và thực sự, đó là cách tốt nhất để giúp bảo vệ địa điểm máy bay rơi, di dời những thi thể còn lại và cho phép các nhà điều tra bắt đầu công việc.
Khả Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét