Và hơn 1/3 thế kỷ qua, nỗi đau còn đó.
Nhưng dường như sự hy sinh của những đoàn viên thanh niên hừng hực sức trẻ bị lãng quên...? Còn lại chăng là đau đáu nỗi đau của những người thân vọng về một niềm an ủi tinh thần xa thẳm...?
Bài 1: Đại tang trên công trường thủy lợi
12 giờ 5 phút, ngày 3/1/1978 (tức ngày 24/12 năm Đinh Ty). Một tiếng nổ lớn vang lên trên công trường thủy lợi cống Hiệp Hòa. Trong giây lát khoảng hơn 100 đoàn viên thanh niên bị đất đá vùi lấp. Tai nạn khủng khiếp chưa từng có đã làm rúng động cả tỉnh Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ.
35 năm đã qua, sau thảm họa ấy, ai còn, ai mất, ai nhớ, ai quên? Tôi về nơi 98 đoàn viên thanh niên đã hy sinh, gặp gỡ nhiều nhân chứng, lật lại tài liệu để rồi bàng hoàng nhận thấy sự kiện sập cống Hiệp Hòa còn rất nhiều câu chuyện không thể bị khuất lấp, còn nỗi đau và những hy sinh không thể bị lãng quên...
Khí thế lao động tập thể trên công trình thủy lợi Hiệp Hòa ngày ấy. Ảnh tư liệu. |
Công trường rộn tiếng ca
Ông Phan Văn Hợi - nguyên Bí thư Huyện Đoàn Thanh Chương - Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên tình nguyện xây dựng quê hương huyện Thanh Chương (gọi tắt là Tổng đội Thanh Chương) kể cho tôi nghe về vụ sập cống Hiệp Hòa với một trí nhớ như thể sự kiện này vừa mới xảy ra hôm qua.
“Ngày đó, đất nước vừa thống nhất được 3 năm, tỉnh Nghệ Tĩnh chủ trương chuyển khí thế 3 sẵn sàng thời chiến sang phong trào xây dựng XHCN trên quê hương. Tỉnh huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên tình nguyện đào đắp kênh mương, hoàn chỉnh hệ thống thủy nông.
Ngày 26/6/1976, Tổng đội Thanh Chương ra đời với khoảng 2.200 đoàn viên thanh niên (còn gọi là lực lượng 202). Những thanh niên ấy với “đôi gióng bata và chiếc sọt đi cùng năm tháng” đã làm nên những công trình thủy lợi rất lớn như hồ Kẻ Gỗ, Vách Bắc...Sau khi hoàn thành một số công trình, Tổng đội Thanh Chương được điều lên huyện Đô Lương, tham gia cải tạo cống Hiệp Hòa”.
Cống Hiệp Hòa - nằm trên hệ thống nông giang dẫn nước từ Bara Đô Lương tưới tiêu cho những cánh đồng các huyện Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu. Nếu không có hệ thống kênh đào dẫn nước từ sông Lam này, thì dải đất ven biển Diễn - Yên- Quỳnh (vựa lúa của Nghệ Tĩnh) sẽ trở nên khô cằn, nhiễm mặn, khó có thể canh tác được.
Cống Hiệp Hòa được xây dựng từ thời Pháp, nhưng trải qua thời gian bị lắng cặn và chiến tranh tàn phá, lưu lượng nước qua đây không đủ để tưới tiêu cho Diễn - Yên - Quỳnh nên phải mở rộng cống.
Lúc bấy giờ cống có 3 ống dài 50m được san phẳng phía trên để qua lại. Đoàn viên, thanh niên tình nguyện sẽ phải moi, nạo vét cống cũ, chỗ sâu nhất, để làm cống mới. Khoảng cách từ đáy cống lên mép trên chênh nhau tới 80 mét, nhìn cứ sâu hun hút. Một khối lượng đất mướn khổng lồ được đào và chuyển lên trên bằng thang và hệ thống dây kéo.
Từ xa nhìn lại, người ở công trường đông như kiến cỏ. Những chàng trai, cô gái đang độ tuổi mười tám đôi mươi hăng say lao động với hào khí: “Mo cơm quả cà, với tấm lòng người cộng sản, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Năm tháng ấy, Nghệ Tĩnh - quê hương của khẩu khí: “Thay trời đổi đất, sắp xếp lại giang sơn” sống những ngày hừng hực khí thế lao động tập thể. Đoàn viên thanh niên đến với công trình thủy lợi cống Hiệp Hòa từ khắp miền quê xứ Nghệ, bằng sức trẻ và lửa nhiệt tình. Họ tình nguyện tới nơi phải lao động nặng nhọc, nguy hiểm, ăn uống kham khổ và không màng được trả công điểm gì.
Tinh thần ấy đã phả vào trong bài hát: “Trên công trường rộn tiếng ca” trong đó có những câu: “Đôi bồ câu đang bay về hướng, anh và em đi ra nơi công trường. Gió lộng trời xanh chim hót hoa đưa hương, Với cả tình ta nâng bước ta lên đường”. Ngày ấy công trường cống Hiệp Hòa “rộn tiếng ca”. Cho đến 12 giờ 5 phút, ngày 3/1/1978...
Cạn khô nước mắt
Nhắc tới ngày này, ông Phan Văn Hợi nói vết thương lòng ông mãi đau nhức không thể nào liền sẹo. “Công trường nằm giữa hai bên núi, đào xuống lớp bề mặt toàn đá, nhưng khi xuống sâu thì địa chất xấu, đất lỏng. Tôi đi khảo sát thấy đất ở các cọc lở xuống, cống có thể bị sập. Tôi bảo phải thổi còi để ngừng làm việc và anh chị em phải ra khỏi cống ngay. Chưa kịp thổi còi thì một tiếng “rầm”, mặt đất rung chuyển. Một khối lượng đất đá khổng lồ từ núi đổ ụp xuống.
Bà Đặng Thị Cầm, ông Phan Văn Hợi, ông Đinh Văn Miên, bùi ngùi kể lại thảm họa sập cống Hiệp Hòa. |
Tiếng kêu cứu, tiếng người chạy, tiếng la hét xen trong tiếng khóc xé lòng. Cả công trường chỉ có một chiếc điện thoại. Hỗn loạn. Một tiếng sau ông Phan Văn Hợi mới gọi được điện báo tin cho UBND huyện Thanh Chương...? Lãnh đạo tỉnh Nghệ Tĩnh biết tin sớm hơn. Chủ tịch tỉnh Trương Kiện cùng nhiều cán bộ chủ chốt lập tức lên đường tới hiện trường. Lực lượng quân đội, công an được điều động khẩn cấp tới cống Hiệp Hòa cứu hộ. Nhưng đi tới nơi cũng phải mất cả giờ đồng hồ trong khi những người đang bị vùi lấp dưới đống đất đá chỉ có vài phút để tìm sự sống.
Trong bóng tối nhá nhem của chiều tà, ông Đinh Văn Miên, xã Cát Văn, huyện Thanh Chương - nguyên y tá phụ trách Tổng đội 202 không nén nổi cảm xúc khi nhớ về thời khắc kinh hoàng ấy: “Lúc ấy cả công trường nghỉ thay ca và ăn trưa. Cống sập nghe như tiếng bom. Tôi đang đứng trên cầu thấy cả 14 chiếc thang bắc từ dưới cống lên đều bị lấp. Có thang 7 người chết cùng một chỗ. Chúng tôi lao vào cứu hộ.
Nhiều người bị đất đá lấp kín đầu, chết vẫn đang trong tư thế quang gánh trên vai. Một số thanh niên bị đất ngập ngang ngực, ngang cổ nhưng đã chết ngạt. Đưa lên không cấp cứu được nữa.
Chúng tôi moi đất đá để cứu hộ từ 12h30 đến 20h30 vẫn chưa hết xác chết. Khi mang xác lên phải kiểm tra xem trong túi áo quần và trên cơ thể của người chết có gì không để thống kê và bảo vệ. Chỉ có hai cô gái đeo hoa tai vàng. Nhiều người mặt mũi biến dạng, thâm tím rất khó nhận ra. Một số hấp hối rồi cũng qua đời”.
Bà Đặng Thị Cầm ở xã Cát Văn - đội viên phụ trách nấu cơm cho công trường - ngày ấy mới 18 tuổi, giờ đây đã ngoài năm mươi - nhưng vẫn nhớ như in cảnh tượng hôm đấy: “Tôi gánh cơm ra công trường cho anh chị em ăn trưa. Gọi là cơm trưa mà chỉ có những nắm mì bột, không xốp, thấp nước lạnh luộc trôi, chúng tôi gọi là “chuông xe đạp”.
Một số người ngồi ăn ngay dưới lòng cống. Nhiều người vẫn chưa chịu dừng tay, tiếp tục làm. Cống sập. Khi đưa thi thể lên, một số vẫn còn chưa nuốt hết miếng bánh mì trong miệng. Đau quá, thương thắt ruột”, bà Cầm khóc nức nở.
Hôm ấy, bà Đặng Thị Cầm đã dùng tấm ván cốp pha để xác lên để gánh. Tấm ván nhỏ so với thi thể nên nhiều khi gánh được một đoạn thi thể bị rơi xuống. Bà Cầm lại đưa xác lên ván rồi gánh tiếp.
Chính quyền và quân đội đã huy động hai chiếc xe thùng chở cồn và nước ra hiện trường để tắm rửa khâm liệm cho các nạn nhân. Không gian ngập mùi cồn xen lẫn mùi nước lá thơm. Bà Cầm tự tay tắm rửa cho những người xấu số. Hơn 80 thi thể được đặt thành bãi dọc hai bên bờ sông... ?
Hồi đó không có bán sẵn quan tài. Thợ mộc ở địa phương được huy động đến cấp tốc đóng quan tài. Mỗi người sau khi khâm liệm, mặc một bộ đồ bảo hộ lao động mới và đưa vào quan tài cùng mảnh giấy ghi tên tuổi quê quán. Dân Đô Lương ào tới, dân Thanh Chương kéo sang. Một số gào khóc lật ván quan tài để tìm người thân. Lực lượng bảo vệ phải ngăn dân tiến vào hiện trường để công tác cứu hộ được thuận lợi.
Trong số 94 thanh niên tử nạn của huyện Thanh Chương, xã Cát Văn thiệt hại nặng nhất: 37 người chết. Hôm ấy, bà Giản Thị Lưu, xã Cát Văn đang ở nhà thì nghe tiếng “rầm” vọng tới. Linh cảm người mẹ mách bảo cống Hiệp Hòa có chuyện. Con gái b - chị Nguyễn Thị Huệ đang lao động bên đó. Rồi mọi ngả đường của xã Cát Văn nhao nhắc, tiếng khóc như ri. Bà Lưu khóc từ đầu nhà tới cuối nhà. Cậu học trò cấp 3 Nguyễn Đức Kiếm đã trèo lên xe ben để sang hiện trường xem có chị gái Nguyễn Thị Huệ có còn sống. Kiếm sang đến nơi thấy bạt ngàn nón lá, khăn mùi xoa và dép.
Chị Huệ được cứu thoát dù đất đã lấp tới gần thắt lưng. Nhưng hàng xóm của Huệ, chị Nguyễn Thị Thanh lại không có được may mắn đó. Cả xã Cát Văn trùm lên không khí tang tóc. Rú Đụn của xã sau một đêm đã có 37 ngôi mộ mang vòng hoa trắng.
Công tác cứu hộ vẫn tiếp tục. Tiểu đoàn 1 công binh của Tỉnh đội Nghệ Tĩnh, tiểu đoàn 25 trung đoàn 414 trực thuộc quân khu 4 được điều tới. Ngày thứ hai, ngày thứ ba, một số người mất tích vẫn chưa được tìm thấy. Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn nhớ câu chuyện một chiếc nón lá cứ bay đi bay lại gần cống Hiệp Hòa, rồi luẩn quẩn mãi một vị trí. Có mách bảo chăng? Đội cứu hộ đào xuống vị trí chiếc nón và tìm thấy thi thể của cô gái Nguyễn Thị Tài.
Ngày ấy, trong tang tóc, có một nhà báo đã lặng đi khi người yêu của mình bị vùi dưới cống. Nhà báo ấy nay tóc đã hoa râm, nhưng vẫn nguyên vẹn thương đau khi kể cho tôi nghe chuyện tình bi tráng của mình ....
Rốt cuộc, những người mất tích đã tìm được xác. Số người chết trong vụ sập cống Hiệp Hòa khiến cả tỉnh Nghệ Tĩnh nhức buốt: 98 người. Trong số đó hầu hết là đoàn viên thanh niên đang tuổi mười tám đôi mươi. Một số vừa nhận giấy báo trúng tuyển đại học. Một số sắp làm đám cưới.
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét