“Cố gắng từ đây đến 2020, chúng ta tập trung phục dựng để khách tham quan có thể nhìn thấy di sản Hoàng Thành, chứ không mang tính tưởng tượng như hiện nay”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh phát biểu sáng 25/7.
Phối cảnh Đoan Môn trong bản quy hoạch Hoàng Thành đến 2020. Ảnh: H.Nguyên. |
Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) đã trình bày bản đề án Quy hoạch chi tiết Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội tỷ lệ 1/500, tại cuộc họp thường kỳ sáng 25/7, do Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo chủ trì. Bản quy hoạch hình thành sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long tháng 11/2012.
Hiện tại, du khách chỉ có thể tưởng tượng Hoàng Thành qua một số hố khảo cổ, một số ít di tích còn lại như Điện Kính Thiên, Bắc Môn... Cho nên lãnh đạo thành phố đề nghị, quy hoạch chi tiết phải làm sao vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản và có thể dựng lên hình ảnh Hoàng Thành rõ nét hơn trong tương lai.
Về cơ bản, đề án trình bày trước UBND sáng 25/7 tập trung tôn tạo những kiến trúc cổ vốn là điểm nhấn của Hoàng Thành: Cột Cờ, Bắc Môn, Hậu Lâu sẽ được xử lý bớt rêu mốc, tu bổ những phần gạch đã bị mòn, sứt bằng vật liệu có màu sắc tương đương nguyên trạng. Riêng phần đất dưới thềm rồng gần điện Kính Thiên sẽ được khai lộ thêm để người xem thấy được phần đuôi rồng hiện bị lấp. Trong tương lai, các nhà quy hoạch cũng có hướng phục dựng hai cầu thang lên Bắc Môn-hiện nay được làm tạm bằng cầu thang sắt.
Một phần các công trình phụ, kiến trúc Pháp kém tiêu biểu được đề xuất hạ giải, trả lại không gian cho di tích. UNESCO đã đồng ý cho di chuyển vị trí của Cục tác chiến trong khu vực di sản. Trước ý kiến nhấn mạnh của lãnh đạo thành phố về phục chế Điện Kính Thiên, bên lập đề án cũng nhất trí, nhưng phải chờ trong tương lai khi đủ cơ sở mới có thể tiến hành. Khu vực sân trước Đoan Môn hiện nay sẽ được trồng thêm cây xanh, và có chức năng như một quảng trường lịch sử tại Hoàng Thành Thăng Long-nơi tổ chức các sự kiện lớn của thành phố.
Theo yêu cầu đặt ra cho đề án, 2 khu vực rộng khoảng hơn 18.000 m2 của Hoàng Thành bị chia cắt bởi đường Hoàng Diệu, cần được quy hoạch để trở thành một tổng thể thống nhất, đồng thời kết nối về không gian với Nhà Quốc hội. Theo đề án, để nối 2 cụm di tích, một đường ngầm sẽ được xây dựng cắt ngang lòng đường Hoàng Diệu.
Trước ý kiến làm hầm ngầm nối Thành cổ với khu vực 18 Hoàng Diệu, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh nói: “Đường hầm chỉ giải quyết mỗi vấn đề qua lại, trong khi không gian chủ yếu của chúng ta là không gian nổi”. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho rằng, phương án này khó khả thi, bởi làm hầm ngầm sẽ động đến nhiều lớp di tích dưới lòng đất. Lại có ý kiến đề xuất biến Hoàng Diệu thành phố đi bộ.
Đại diện Viện giải thích, sau khi quy hoạch tổng thể không gian, đường Hoàng Diệu đến 2030 vẫn là trục giao thông huyết mạch, nên ý tưởng trên khó khả thi. Thậm chí, trục đường Hoàng Diệu được khai thác với tần suất lớn phục vụ du lịch cho đến 2030. Trong khi chờ đợi, các nhà quy hoạch cũng đề xuất sẽ nghiên cứu để biến đoạn đường Điện Biên Phủ từ Cột Cờ ra quảng trường Ba Đình thành phố đi bộ. Lãnh đạo thành phố đề nghị đơn vị thiết kế nghiên cứu, bố trí giao thông, bãi đỗ xe gần đó với sức chứa đáp ứng nhu cầu của du khách.
Theo Tiền Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét