Để nói về nguồn gốc thì “trùng tang” không phải xuất xứ từ Trung Quốc cổ đại như nhiều ý kiến nhận định mà đây là khái niệm theo GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là mang màu sắc chung của văn hóa phương Đông nhưng trong đó, mỗi quốc gia vẫn có những cái riêng và những cái riêng ấy, đôi khi cũng ảnh hưởng đến nhau qua các thời kỳ, nghĩa là Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến Việt Nam và ngược lại.
Tuy nhiên, nếu áp đặt nó khởi nguồn từ một một quốc gia nào cụ thể thì không chính xác. Cũng như không thể xác định về mặt thời gian trùng tang ra đời năm, tháng… Chỉ biết, trên cơ sở sự ra đời của nhiều quan niệm khác trong tín ngưỡng, bao giờ cũng vậy, trải qua một quá trình lịch sử, có sự trải nghiệm thực tế, hiện tượng mới được đúc kết thành quan niệm rồi đi vào đời sống. Dẫu quan niệm ấy có thể vẫn mơ hồ đến nỗi không thể chạm vào hay gọi thành tên một cách cụ thể. Mà ở đây, trong hiện tượng “trùng tang”, “trùng” ám chỉ linh hồn của người chết hay sự việc “trùng” bắt người khác đi theo (buộc phải cùng chết) không thể nhìn hay sờ thấy được…
Nơi "nhốt trùng" ở chùa Hàm Long, Bắc Ninh. |
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu tín ngưỡng, các vấn đề về tâm linh phải như vậy mới “linh”, mới tồn tại trong đời sống tín ngưỡng đến hôm nay và chắc chắn sẽ cả trong tương lai. Bởi suy đến cùng, không có gì cụ thể trong tâm linh theo kiểu “người trần mắt thịt”, chỉ thực thực, hư hư đầy huyền ảo như đúng tên gọi của nó.
Vì là thực thực hư hư nên cái ranh giới giữa mê tín và không mê tín trong tâm linh nói chung và trong hiện tượng “trùng tang” nói riêng cũng rất mong manh. Về bản chất các vấn đề về tâm linh đều là hư cấu, thần thánh hóa các nhân vật có thật và dựa trên môi trường sống xung quanh con người theo kiểu “cha trời mẹ đất” với mục đích tôn vinh, tưởng nhớ, đánh dấu các hiện tượng thời tiết, địa lý... Do đó, dưới góc độ văn hóa, tín ngưỡng không thể mê tín. Nhưng do cách nhìn nhận và ứng xử của con người mà nó trở thành mê tín hoặc không, nghĩa là hoặc là người ta làm lệch lạc bản chất của tín ngưỡng (dị đoan) hay thông qua tín ngưỡng để trục lợi hoặc là coi tín ngưỡng đúng như bản chất của nó - hướng thiện con người về mọi mặt.
Bởi vậy, cái duy nhất, có thể nhìn thấy được, sờ thấy được để phân biệt sự mê tín và không mê tín của phong tục tập quán mang màu sắc tâm linh chính là sự trục lợi của người tham gia tín ngưỡng. Còn sự phân biệt trên cơ sở có “tuyệt đối hóa” lòng tin đối với tín ngưỡng hay không nói chung rất khó nói như nhận định của GS Ngô Đức Thịnh do tất yếu một điều khi tham gia tín ngưỡng, người ta phải có niềm tin.
Nói về sự trục lợi trong tín ngưỡng để phân biệt mê tín hay không mê tín thì sự trục lợi đó không chỉ xảy ra giữa con người với con người mà còn giữa con người với thần thánh. Cụ thể, chuyện người ta đi cầu cúng, lễ lạt rồi bày biện la liệt lễ vật, thậm chí cả tiền mặt với quan niệm “tốt lễ dễ kêu”, thần thánh sẽ phù hộ độ trì cho “cầu được ước thấy”. Như thế chả là trục lợi “thánh thần” và mê tín là sao?
Trở lại với chuyện “trùng tang”, chắc chắn đây không phải là chuyện mê tín dị đoan xét về bản chất mà là một hiện tượng trong đời sống tâm linh. Nhận định như cả hai nhà nghiên cứu văn hóa có thể coi là hàng đầu như GS Ngô Đức Thịnh và nhà văn hóa Trần Lâm Biền: “Những gì đã thuộc về đời sống tâm linh thì không nên đi tìm lời giải đáp có hay không, đúng hay sai, thực hay hư. Bởi sẽ không bao giờ tìm được cũng như không ai chứng minh được nó đúng hay sai… Mà hãy để nguyên nó như vậy. Quan trọng là chúng ta ứng xử với nó thế nào để rồi không trở thành mê tín dị đoan. Với “trùng tang” cũng thế”.
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, một bạn đọc đã nghiên cứu rất kỹ về “trùng tang” từ quan niệm đến cách trừ giải… đã khẳng định với báo giới: “Theo quan sát và chiêm nghiệm của tôi trước nhiều người chết và tình trạng xảy ra sau đó với người thân của người quá cố, có 4 trường hợp xảy ra: thứ nhất, người chết bị trùng tang kể cả đã làm giải trùng, nhưng người thân vẫn mất theo sau đó, thậm chí nhiều người liên tiếp. Trong trường hợp này, người sống rất hoang mang, lo sợ. Thứ hai, người quá cố bị trùng tang có khi không làm giải “trùng”, nhưng người thân vẫn hoàn toàn “bình an vô sự”, có khi còn gặp may mắn. Trong trường hợp này, người thân tin không có chuyện “trùng tang”. Thứ ba, người quá cố không bị trùng tang, thậm chí là chết đúng số, vào giờ đẹp… song người thân vẫn gặp rủi ro, bất trắc, kể cả có người chết. Trường hợp này, người sống không tin vào việc dự báo có trùng tang hay không. Thứ tư, người quá cố không bị trùng tang và gia đình, người thân vẫn bình an kể từ khi trong nhà có người quá cố. Do đó, người còn sống không màng đến chuyện “trùng tang” và cho rằng, người chết đã “đúng số”.
Như vậy, với những quan sát, chiêm nghiệm trên đây thì càng thấy việc đi tìm đúng hay sai, thực hay hư chuyện trùng tang… như GS Ngô Đức Thịnh và nhà văn hóa Nguyễn Lâm Biền nhận định là không nên làm. Lại đúng hơn với quan niệm của Phật giáo mà ở bài “Thực hư về cái gọi là “trùng tang” đã nói, đại ý là: Sống chết là do nghiệp lực (nôm na là do phúc hay tội) của mỗi người quyết định. Nghiệp tuy có chung và riêng song nghiệp riêng vẫn giữ vai trò chủ động, quyết định, có tính cách độc lập, không ai có thể thay thế cho ai. Vì thế, Phật giáo hoàn toàn phủ nhận việc ngày giờ mất cũng như chôn cất của một người mà có thể ảnh hưởng đến sự sống chết của người khác…”.
Bởi vậy, không nên mê tín và biến chuyện “trùng tang” thành mê tín để rồi cho người khác trục lợi. Còn nói như nhà Phật: “Vì tập tục đã ăn sâu vào tâm thức mọi người nên Phật giáo vẫn khuyên các phật tử không an táng thân quyến vào những ngày “trùng” nhằm giúp họ tâm an và lo lắng chu toàn cho người đã khuất, đồng thời nỗ lực cầu nguyện cho linh hồn được siêu thoát. Như vậy là làm được một việc: “âm dương lưỡng lợi” theo quan điểm của Phật giáo”.
Quan điểm duy vật thì quan niệm có bệnh khắc phải chữa, nghĩa là có hiện tượng “trùng tang”, sẽ có cách giải. Và một trong những cách giải ấy là nhờ nhà chùa “nhốt trùng” hoặc một số cách dùng các vị thần sa, chu sa, địa liền... cho vào túi rồi đặt trong quan tài người chết; dùng bộ linh phù để gối đầu, hoặc dán lên ngực... như ở bài “Thực hư chuyện trùng tang” chúng tôi đã nêu.
Có ý kiến cho rằng, "trùng tang" ra đời từ thực tế của đời sống con người: "Sinh có hẹn tử bất kỳ”, do đó, người sống lo lắng cho người chết không biết chết đã "đúng số" chưa hay chết oan uổng và cái chết ấy có ảnh hưởng tới người sống không, nếu có thì sẽ như thế nào… Đây là nguyện vọng chính đáng mà người sống lo cho vong linh của người đã khuất và để giải tỏa cho mình thì họ nghĩ ra những cách giải cũng mang màu sắc hết sức tâm linh. Từ đó khái niệm về "trùng tang", nhập mộ ra đời.
Theo Petrotimes
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét