Cả thị trấn dùng 1 mó nước
Mó nước Bách Linh nằm sát bên miếu Bách Linh nên người dân dùng cái tên này gọi cả hai di tích để cho dễ nhớ. Mó nước chỉ rộng chừng 1,5m nép bên chân núi đá, xung quanh được bao bọc bởi một lớp đá tảng xanh như rêu.
Theo quan sát của chúng tôi thì lượng nước tại đây chỉ cao chừng 50cm, cạnh được đặt một máy bơm cỡ lớn bơm nước sinh hoạt cho hơn 4 ngàn người thuộc trị trấn Quảng Uyên. Chứng kiến cảnh tượng đối nghịch này khiến chúng tôi như không tin nổi vào mắt mình và thật khó lí giải cho hiện tượng hiếm thấy này.
Chị Lương Thị Son, ở thị trấn Quảng Uyên bày tỏ: "Tôi ở gần mó nước suốt mấy chục năm rồi mà chưa bao giờ thấy nước cạn, lượng nước ở đây lúc nào cũng duy trì ở mức cao bằng đầu gối, hễ cạn một chút thì ngay lập tức nước từ trong kẽ đá lại đẩy ra. Cách đây vài năm, khi chính quyền xây dựng nhà máy nước, chúng tôi vẫn cho rằng không hợp lí vì mó nước nhỏ bé kia mà đặt cả một chiếc máy bơm thì thật hài hước, bản thân tôi cũng tưởng nước sẽ cạn, nào ngờ máy bơm hết công suất phục vụ cho cả thị trấn mà vẫn không hết nước".
Theo nhiều người cao tuổi ở thị trấn Quảng Uyên thì dù mùa mưa hay mùa khô mức nước tại đây vẫn không thay đổi, nước vẫn trong như ngọc... Thậm chí như mùa mưa năm 2004 nước lũ xung quanh ào ào từ núi đổ xuống như thác, con suối phía dưới cũng đục ngầu thế nhưng nước ở đây vẫn chẳng hề hấn gì. Hay như mùa khô năm 2010, xung quanh thị trấn người dân điêu đứng vì không có nước để dùng, nhưng nước ở mó Bách Linh vẫn tuôn chảy, thậm chí có người ở cách xa vài cây số cũng phải đến đây lấy nước về để dùng...
Mó nước Bách Linh trong như ngọc và được người dân bảo vệ nghiêm ngặt. |
Mó nước của "thần"
Theo ông Thang Văn Thụ, nguyên Bí thư Đảng ủy huyện Quảng Hòa (nay là huyện Quảng Uyên và Phục Hòa) thì mó nước Bách Linh thuộc sự quản lí chung của một trăm vị thần ngự ở miếu Bách Linh, cách mó nước khoảng 30m.
Không ai biết mó nước cùng với ngôi miếu thiêng xuất hiện từ bao giờ. Lịch sử kể lại rằng, xưa kia miếu Bách Linh được làm bằng gỗ, diện tích chỉ bé chừng nửa gian nhà. Đến đầu thế kỷ XX, vua Khải Định đã vi hành đến đây và dừng chân bên miếu. Thấy miếu nằm ở vị trí đẹp, bên cạnh lại có mó nước trong như ngọc, là địa huyệt của đất Quảng Uyên nên đã sai một cánh thợ từ dưới đồng bằng lên đây xây dựng lại miếu và mó nước. Kiến trúc miếu được thay đổi giống ở dưới đồng bằng, quy mô của miếu được mở rộng bằng hai gian nhà và tồn tại cho đến ngày nay.
Ông Thụ cho biết: "Vì mó nước Bách Linh do một trăm vị thần cai quản nên vào mỗi dịp lễ hội tháng 2 âm lịch hằng năm, người dân thường rước rồng đến đây để làm lễ. Trên đường rước rồng người dân không được đánh trống, chiêng mà phải đợi đến lúc tắm rửa cho rồng bằng nước trong mó xong thì mới bắt đầu đánh trống".
Sở dĩ phải tắm rồng bằng nước mó Bách Linh vì người dân quan niệm, nước ở đây là của thần linh ban tặng cho người dân, vì thế các vị thần phải được uống nước trong vắt vào dịp đầu năm rồi mới đến lượt người trần mắt thịt... Cách đây hơn chục năm, đã có người cả gan uống nước ở mó trước thần linh trong ngày lễ hội nên đã bị các thần phạt nặng, ăn ngủ thất thường, có hôm ngủ thông hai ngày không dậy và thức liền 2 ngày... đêm nằm thì miệng nói lảm nhảm những thứ trên trời dưới bể mà người thân không ai hiểu nổi. Về sau, gia đình người này biết chuyện liền đem hai mâm lễ đến mó nước và miếu Bách Linh xin tha mạng, thật không ngờ là chỉ vài ngày sau người này khỏi bệnh trước sự ngỡ ngàng của người thân và hàng xóm.
Một máy bơm nước được đặt tại mó Bách Linh để hút nước phục vụ cho trên 4.000 người dân thị trấn Quảng Uyên. |
Rắn thần canh giếng
Khi hỏi người dân ở thị trấn Quảng Uyên về mó nước Bách Linh, nhiều người bảo đến ông Thang Văn Thụ kèm theo lời giới thiệu: "Chỉ có ông ấy mới là người biết nhiều chuyện nhất về miếu và giếng".
Nghe người dân giới thiệu là vậy, nhưng khi gặp ông Thụ chúng tôi mới thán phục trí nhớ tuyệt vời hiếm người có được. Ông kể rành rọt về thời gian xảy ra những chuyện kỳ bí quanh miếu và giếng Bách Linh: "Thời kỳ tiêu thổ kháng chiến, quân và dân ta định phá miếu và vùi lấp giếng đi để giặc Pháp không có chỗ ẩn nấp. Để làm việc này, quân ta huy động hơn 10 người kèm theo búa tạ đến để đập. Thế nhưng, đoàn người vừa xuất hiện ở trước miếu thì có hai con rắn hổ mang đuôi đỏ, thân to như cây tre, dài đến gần 4m từ trong miếu bò ra ngự ở hai cổng tam quan rồi ngóc đầu cao ngang lưng người lè lưỡi phè phè ngăn cản đoàn người đập phá. Khiếp sợ trước sự xuất hiện của rắn, đoàn người đã vác búa ra về không phá miếu và vùi lấp mó nước nữa, đoàn người vừa đi khỏi thì con rắn cũng biến mất".
Một trong những sự kiện khác đó là vào tháng 5/1953 khi quân Pháp cho máy bay ném bom khu vực mó nước và miếu Bách Linh nhằm tiêu diệt cứ điểm quân ta. Máy bay ném bom của quân Pháp dội hàng chục quả bom xuống nhưng không trúng miếu, những quả đạn cứ bay chệch quỹ đạo như thể có một thế lực siêu nhiên nào đó đẩy ra, kết quả là cứ điểm quân của ta được bảo vệ an toàn, dồn sức cho cuộc quyết chiến ở Điện Biên Phủ.
"Người dân địa phương rất có ý thức bảo vệ mó nước và miếu Bách Linh, từ thời vua Khải Định đến nay, kiến trúc của miếu và mó nước vẫn được giữ nguyên trạng, chỉ có ngôi miếu bị hỏng mái ngói và người dân đã thay. Hiện mó nước và miếu đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp tỉnh".
Ông Thang Văn Thụ (nguyên Bí thư Đảng ủy huyện Quảng Hòa
Văn Quách
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét