Khu mộ này nằm cạnh con đường Hoàng Hoa Thám (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP Hà Nội).
Năm đời trông coi khu mộ
Cụ Nguyễn Thị Loan (78 tuổi) bán nước bên Xưởng Phim truyện Việt Nam đường Hoàng Hoa Thám bảo, khu mộ này có từ lâu lắm rồi. Cụ được cha ông kể xưa kia Hoàng Hoa Thám đánh thắng quân Tàu, xác quân Tàu được chôn cất tại khu vực này.
Phải rất vất vả chúng tôi mới tiếp cận được khu mộ. Từ phía đầu ngõ 442 đường Hoàng Hoa Thám xuống khu mộ chỉ vài bước chân. Ở đây gần như là một thế giới biệt lập với sự ồn ào vội vã của Hà Nội. Vườn cây rậm rạp bao phủ lên những ngôi mộ ghi tên tuổi những người đã khuất bằng chữ Hán. Gặp chúng tôi trong khu mộ, ông Vũ Đình Phúc (72 tuổi) cho biết: Khu mộ này được thành lập từ những năm 1920, những tấm bia đá, tư liệu cũ của khu mộ ghi: Khu mộ được xây dựng từ đầu thế kỷ XX. Đến năm 1954, chính quyền không cho chôn cất người Hoa ở nơi đây nữa, mà chuyển lên khu nghĩa địa ở Vạn Phúc.
Con ngõ vào khu mộ. |
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Tổ trưởng Tổ dân phố 44 phường Thụy Khuê xác nhận, khu mộ của người Phúc Kiến, Trung Quốc đã tồn tại từ rất lâu trên địa bàn của phường. Xưa kia những người tỉnh Phúc Kiến sang Việt Nam buôn bán rất nhiều, họ sống lâu đời ở Hà Nội. Chính vì thế, họ đã mua một khu đất nơi đây làm một khu nghĩa trang để chôn cất những người qua đời.
Gia đình ông Nguyễn Văn Dũng hiện đã nhiều đời trông coi khu mộ này. Bố mẹ ông Dũng sinh được 5 chị em, hiện mấy chị em ông Dũng đều sinh sống trong khu mộ này. Đến đời ông Dũng là đời thứ 5 trông coi khu mộ. Trước đây người Hoa sinh sống và làm việc nhiều ở Hà Nội, họ thường xuyên đến thắp hương cho người thân. Giờ họ đi tản mạn nhiều nơi, có một số gia đình mang hài cốt của người thân về nước. Hầu hết các ngôi mộ vẫn còn từ trước đến nay.
Chưa thể di dời ngôi mộ này. |
Trả lương trông coi người chết
Từ đời cha ông của ông Dũng, đã được người Phúc Kiến thuê trông nom canh giữ khu mộ. Tuy ông Dũng là người con thứ 4 trong gia đình, nhưng là trưởng nam nên được bố mẹ giao lại toàn bộ giấy tờ của khu mộ. Hiện sơ đồ khu mộ, giấy tờ gia phả của người Tàu để lại được ông Dũng nắm giữ.
Theo các cụ cao niên nơi đây cho biết, người Tàu rất cẩn thận trong việc hành lễ những người mất. Vì thế, trước khi chôn cất họ đều phân tách phần hồn và phần xác. Những người Phúc Kiến xưa đã xây dựng một khu nhà, ở giữa là một ngôi đền thờ thần thổ địa, hai bên có phòng để sắp đồ ra mộ hành lễ và phòng dành riêng cho cụ từ trông nom khu mộ. "Trước đây mỗi dịp ngày rằm, ngày lễ, người Tàu thường chuẩn bị cỗ rất linh đình, mang ra khu mộ để lễ bái", cụ Loan cho biết.
Những năm bố mẹ ông Dũng còn sống, hằng tháng đều có người Tàu đến trả tiền trông coi. Họ có cả một cuốn sổ lĩnh lương dành cho gia đình ông. Nhưng lâu rồi, gia đình ông không thấy người Tàu đến trả lương nữa. Đến những gia đình có người thân chôn cất nơi đây cũng rất ít người đến hương khói. Giờ họ di tản đi nhiều nước trên thế giới, có người già yếu quá không sang mộ thắp hương cho người thân phải nhờ hàng xóm sang thăm hộ.
Nhiều lăng mộ nguy nga trong vườn. |
Bị phạt vì xâm phạm mộ?!
Theo các cụ cao niên phường Thụy Khuê xưa kia khu mộ Phúc Kiến rất rậm rạp, người dân trong vùng ít ai dám lui đến đây. Nhờ gia đình ông Dũng cải tạo nên mới được như hiện nay. Khu mộ này trước đây được người dân cho rằng rất linh thiêng. Một hôm có một người thả trâu cắt cỏ ở khu mộ. Đến giữa trưa dắt trâu về nhưng lạ kỳ thay cả người và trâu không đi được. Trâu và người cứ đứng đờ giữa khu mộ. Nhiều người bảo đó là do người chăn trâu trong quá trình cắt cỏ đã đụng chạm vào long mạch của khu mộ, bị thần thổ địa phạt. Sau đó gia đình người chăn trâu phải thắp hương, làm lễ ở đền thờ thổ thần người và trâu mới có thể về nhà.
"Những người chôn cất trong mộ hầu hết là dân buôn bán, giàu có một thời, nhưng giờ nhiều con cháu họ tản mạn mỗi người mỗi nơi, không biết cha ông mình ở đâu để hương khói. Cũng có nhiều gia đình đến đưa hài cốt của người thân đi chỗ khác để tiện bề hương khói", bà Trần Thị Trà cho biết.
Ngay dưới dốc ngõ 442, người đi đường sẽ thấy một ngôi mộ được đánh dấu bởi tấm đá kiên cố, đó là ngôi mộ thuộc dòng họ Yên Ninh, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Theo như cụ Loan kể lại thì ngôi mộ đó là của bố của một người từng làm Thống đốc bang California của Mỹ. Năm ngoái người bạn cháu cụ thống đốc đó đã sang Việt Nam, tìm về khu mộ thắp hương, chụp hình ảnh ngôi mộ. Gia đình họ cũng muốn đưa cụ về để tiện bề hương khói, nhưng khổ nỗi con cháu họ đều đã già yếu, không thể đi được.
Bà Hằng cho hay, ngôi mộ đó nằm chắn lối đi, ảnh hưởng việc đi lại của người dân trong ngõ, tổ đưa ý kiến lên phường Thụy Khuê, thông báo lên các phương tiện thông tin đại chúng để người thân có ngôi mộ đến di dời đi nơi khác. Nhưng đến nay vẫn không có ai đến nhận, gây khó khăn cho việc sửa chữa đường phố.
Cũng theo bà Hằng, hiện nay khu nhà thờ thần thổ địa và nhà làm lễ của người Phúc Kiến xưa, trở thành nhà ở của những người trông coi. Khu mộ nằm giữa khu dân cư, giữa lòng Thủ đô là điều bất hợp lý. Nếu có thể Nhà nước di dời khu mộ này ra khỏi nơi đây thì sẽ tốt hơn.
Các ngôi mộ này đều ghi bằng chữ Hán. |
Đất nghĩa trang không phải của riêng ai
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Bá Đông, Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê cho hay: Hiện nay, khu đất này có diện tích gần 1.000m2, đây là khu đất nghĩa trang của phường. Vì thế, không có chuyện sở hữu riêng của gia đình nào. Sau này có giải tỏa đất đó sẽ là đất công.
Cũng theo ông Đông, đây là khu đất nghĩa trang của người Tàu xưa. Nhưng từ lâu không thấy người Tàu qua phường hỏi thăm về khu mộ. Nếu có đến thăm viếng khu mộ họ không thông báo, phường không nắm được.
Khu mộ nằm giữa Thủ đô Hà Nội là rất bất hợp lý. Vì vậy, sắp tới Phòng Văn hóa và Thông tin của phường trình lên các cấp kế hoạch di dời khu mộ này đến một nơi nào đó để chôn cất. Cái khó của phường hiện nay là có nhiều ngôi mộ không ai nhận. Không biết chủ nhân là ai, người thân ngôi mộ cũng không liên lạc gì với chính quyền. Vì thế, cũng rất khó khăn trong việc di dời.
Khu mộ Phúc Kiến của người Trung Quốc đã có trên đường Hoàng Hoa Thám từ thế kỷ trước. Việc trông coi khu mộ đó do gia đình nhà ông Nguyễn Văn Dũng đảm nhiệm. Gia đình nhà ông Dũng đã có mấy đời trông coi khu mộ này. Những gia đình bên Trung Quốc sang thăm viếng mộ người thân, họ không thông báo với phường nên chính quyền cũng không nắm bắt được.
Bà Phạm Thanh Thúy (Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê)
Đại Cát
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét