Trong lá thư gửi về cho vợ (bà Nguyễn Kỳ Minh Phượng) ngày 25/3/1970, một tháng sau khi tới triển khai xây dựng bệnh viện, PGS.BS, Đại tá Lê Sỹ Toàn, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tiết niệu, Trưởng khoa Tiết niệu, Viện Quân y 103 đã giới thiệu cho vợ về bệnh viện trong hang đá.
4 năm với bệnh viện trong hang đá
4 năm với bệnh viện trong hang đá
Quân Y viện 139 đóng tại khu vực Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng, Lào - một địa bàn quân sự quan trọng của chiến trường C - từ đầu năm 1970 đến cuối 1974. PGS Lê Sỹ Toàn kể:
"Ý tưởng xây dựng bệnh viện trong hang được xuất hiện vào những ngày đầu của chiến dịch 139 (cuối tháng 9/1969). Khi đó Quân Y viện 139 mới được thành lập trên cơ sở đội Điều trị 952 và phải triển khai bệnh viện trong hang Nậm The (Lào) vì cơ sở cũ của đội Điều trị 952 bị địch bao vây.
Trong thời gian bệnh viện triển khai trong hang, tôi đã nhận thấy những ưu điểm của hang đá như: độ an toàn cao khi địch bắn phá; mùa nắng thì ở trong hang rất mát trong khi đó mùa rét (kể cả khi ngoài trời nhiệt độ xuống tới 0 độ) trong hang lại ấm; trong hang không có ruồi xanh, ruồi vàng và ít muỗi sốt rét (những côn trùng nguy hiểm); việc bảo quản máy móc, dự trữ lương thực, thực phẩm có nhiều thuận lợi...".
Tháng 3/1970, những thương binh đầu tiên được đưa đến cứu chữa tại bệnh viện. Theo PGS Toàn, lúc đầu, bệnh viện nằm trong 3 hang lớn với sức thu dung và điều trị từ 400 - 500 thương bệnh binh; về sau bệnh viện đã mở rộng ra nhiều hang nhỏ, và thời điểm thu dung lớn nhất lên tới hơn 1.000 thương bệnh binh.
Trong 4 năm từ 1970 - 1974, đã tham gia phục vụ ba chiến dịch lớn: Chiến dịch 139, chiến dịch 74b và chiến dịch Z; cứu chữa và trả về mặt trận hàng ngàn thương bệnh binh.
BS Lê Sỹ Toàn chụp ảnh với con gái trước khi vào chiến trường. |
"Anh mơ ước em và hai con tới thăm bệnh viện"
Ngày 31/12/1972, Bác sĩ - Viện trưởng Lê Sỹ Toàn đã có thể tự hào viết thư về giới thiệu với vợ con ở hậu phương về bệnh viện Mặt trận:
"Anh mơ ước: Giá lúc này, tốt nhất là vào đúng ngày mai 1/1/1973 (ngày sinh của anh), bất ngờ em và hai con tới đây thì... anh sẽ dắt em cùng hai con đi thăm toàn viện. Các con sẽ lấy làm vui khi vào tới hội trường lớn của Viện tập trung được hàng mấy trăm người...
Hội trường ở ngay giữa lòng hang sâu đến bom nguyên tử cũng không làm gì được. Em và các con sẽ phát mệt lên vì cứ thấy hết hang này đến hang khác thành một khu liên hoàn từ khoa này sang khoa khác. Ra cửa hang, đứng nhìn vườn rau cải (cải lá, cải bẹ, cải củ...) bạt ngàn xanh tươi mà cảm thấy đời như phơi phới đầy nhựa xuân...
Em và các con sẽ đi tham quan khu cận lâm sàng: Các cô các chú Khoa Dược đang sắp xếp các kho lớn và bận rộn với những mẻ thuốc Đông y, những mẻ huyết thanh... Các cô các chú ở khoa Hoá nghiệm, X-quang thì bận tíu tít suốt ngày. Đặc biệt là khu Hậu cần quản trị: Em và các con sẽ thấy rất lạ là trong một khu hang rất sâu có một cái bếp khổng lồ với trên 10 lò nấu cùng một lúc phục vụ cho gần 1.000 suất ăn với đủ các chế độ bệnh lý!
Nước được đưa từ giếng lọc và bắc đường ống vào tận bếp, các cô các chú nuôi quân không phải gánh một tí nào. Nếu em và con muốn có một con dao thái thịt thật sắc, sẽ có ngay: Các chú ở lò rèn có thể làm vui lòng mấy má con được.
Lò rèn mới triển khai từ mùa mưa nhưng có thể nói là tất cả các khoa ban đều không bị thiếu các mặt hàng như dao, cuốc, xẻng, đục, tràng, đinh sắt các loại... Các thứ này không thể chở từ bên nước sang vì quá lâu, trong khi ở đây lại sẵn bom mảnh, gíp xe hỏng, vào loại tốt nên dụng cụ rất sắc...
Em và hai con cứ ở đây chơi lâu lâu với anh một tý: không khí ở chiến trường không làm cho em và hai con chán lắm đâu. Anh không thể tả hết cho em được nhưng nói thật anh rất phấn khởi và tự hào em ạ...".
Phạm Kim Ngân (Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn di sản Tiến sĩ và các nhà khoa học Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét