Kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long tồn tại nguyên vẹn đến nay không còn nhiều, quy mô của nó phần nào chỉ được thấy qua ghi chép tản mạn của sử sách và một số bản đồ cổ. Còn những thông tin về đời sống, sinh hoạt…trong Hoàng thành hầu như không có, ngoại trừ bao phủ dưới lớp đất là những dấu tích ẩn chứa bề dày thời gian mới “phát lộ” cách đây không lâu.
May mắn là trong Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức) có một số điều quy định liên quan đến việc bảo vệ, giữ gìn Hoàng thành nói chung và cung điện trong đó nói riêng. Đây là những quy định luật hóa lâu đời nhất mà chúng ta được biết đề cập đến Hoàng thành Thăng Long.
Cửa Đông thành Thăng Long. |
Lực lượng bảo vệ Hoàng thành
Trách nhiệm bảo vệ Hoàng thành, theo quy định tại điều 56 thì do binh lính (còn gọi là thuộc viên) được tuyển chọn từ 4 đạo (nước ta đầu thời Lê chia đơn vị hành chính làm 4 đạo, về sau thêm một đạo nữa là Hải Tây đạo) có nhiệm vụ bảo vệ Hoàng thành, còn việc bảo vệ trong cung cấm thì dùng thuộc viên của mật viện (tức Viện Cơ Mật, cơ quan tư vấn cho nhà vua).
Do đảm nhận nhiệm vụ ở khu vực đặc biệt quan trọng nên những sai sót của lực lượng bảo vệ này bị xử phạt rất nặng. Nếu để người khác lẻn qua cửa Hoàng thành vào bên trong, trường hợp “người giữ cửa không biết thì giảm hai bậc tội, quan Chủ ty được giảm ba bậc tội. Nếu cố ý để họ vào thì xử tội như kẻ đó” (điều 51). Hình phạt cho những vi phạm này tùy theo mức độ khác nhau, nhẹ nhất là xử tội biếm hay đồ, nặng thì bị lưu đày hoặc xử chém.
Nếu đưa lính túc vệ không có tên trong danh sách canh gác hoặc mạo danh tên lính túc vệ “đi vào cung điện, trong cung thì đều bị xử chém. Vào cửa cấm thì được giảm một bậc tội. Vào cửa Hoàng thành thì giảm thêm một bậc. Quan chủ ty không hay biết thì biếm ba tư. Biết mà cho phép thì xử tội lưu đày. Đội trưởng trực canh tội nặng hơn quan Chủ ty hai bậc” (điều 53). Trong trường hợp lính túc vệ có nhiệm vụ canh gác nhưng lại “thuê mướn túc vệ khác canh thay cho mình thì kẻ mướn, người canh thay, nếu là lính nội trực thì xử đánh 60 trượng, biếm hai tư. Nếu là lính ngoại trực thì xử tội như người tự tiện lẻn vào cung. Quan Chủ ty bị xử tội trượng, biếm; đội trưởng đang trực ca đó bị tội đồ. Canh thay cửa cấm viên thì giảm một bậc tội; canh thay ở cửa Hoàng thành thì giảm thêm một bậc” (điều 53).
Quan Chủ ty có nhiệm vụ chỉ huy việc canh phòng Hoàng thành, cung điện, khi có người được đưa vào để làm một số việc thì phải kiểm tra giấy phép của họ xem có đúng tên, số lượng người, thời gian ghi trong giấy đó hay không. Nếu không đúng, “biết mà cố dung túng thì xử tội như kẻ tự tiện vào cung. Không biết thì giảm ba bậc tội” (điều 54). Khi những người này làm xong công việc mà không chịu ra khỏi Hoàng thành, cung điện; nếu “quan Chủ ty biết mà dung túng như thế thì giảm một bậc tội, không biết thì giảm hai bậc tội” (điều 55) đối với các hình phạt là lưu đày, thắt cổ, xử chém.
“Trên thành khi trống canh điểm rồi, cổng thành đã khóa thì quan đốc sát, quan cảnh tuần đi lục soát khắp nơi trong thành, nếu thấy kẻ nào ẩn nấp thì bắt giữ, tâu lên vua xét xử tội lưu, chết”, nếu “quan đốc sát, quan tuần cảnh, kiểm soát nơi lỏng thì tội nhẹ hơn kẻ trốn tránh hai bậc. Nếu dung túng thì chịu tội như kẻ trốn tránh” (điều 56).
Những người có nhiệm vụ canh phòng Hoàng thành, cung điện trong một số trường hợp cũng phải ngăn chặn các hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự như không để người ngoài vào cung hát, chơi nhạc; người trong cung đánh trống hát, nếu “không biết thì bị đánh 60 trượng, ai dung túng thì bị biếm một tư” (điều 58), nếu lính túc vệ có nhiệm vụ canh gác mà không canh gác, hoặc canh gác không kỹ để cho súc vật xông vào cửa điện thì bị biếm ba tư (điều 65), nếu để người dân mở cửa hàng ở trong Hoàng thành hoặc để trâu ngựa của dân chăn thả rông ở đây thì trường hợp “lơ đễnh nhiệm vụ bị phạt 10 quan tiền, dung túng thì bị phạt 30 quan” (điều 81), nếu không ngăn cấm mà để cho người vào Hoàng thành không chịu xuống kiệu, ngựa thì bị phạt 5 quan tiền, bị đánh 50 roi (điều 82), không ngăn cấm mà để các quan vào Hoàng thành mà đầu trần, không đội khăn thì “bị phạt 60 trượng” (điều 80). Mặt khác để đảm bảo mỹ quan và sự an toàn, điều 84 có quy định: “Các quan Chủ ty thấy cung điện, cổng thành sụp đổ hay đường cầu nơi xe vua đi hư sụp mà không tâu lên vua biết và khi có lệnh vua cho tu sửa mà làm không kiên cố thì bị biếm một tư và mất chức”.
Qua quy định tại Quốc triều hình luật, chúng ta thấy một điểm rất thú vị ít được biết tới, đó là chìa khóa tất cả các cửa trong Hoàng thành nói chung và các cung điện đều do vua giữ, nội dung điều 62 cho biết chi tiết như sau: “Ban đêm, những người vâng lệnh lấy chìa khóa của vua đi khóa các cửa Hoàng thành, cung điện và trong nội cấm. Khóa xong phải dâng chìa khóa lên vua. Nếu trái lệnh hay chậm trễ thì bị biếm và trượng. Ai không chờ lệnh vua mà tự tiện mở cửa thì bị xử lưu đày đi châu xa; tội nặng thì xử tử”.
Binh lính canh giữ Hoàng thành. Tranh minh họa. |
Để đảm bảo nhiệm vụ canh giữ Hoàng thành, luật quy định binh lính phải đến đúng giờ, đúng quân số và chuẩn bị đầy đủ các công cụ hỗ trợ, nếu “số người phải canh gác các nơi vào ban đêm cùng số vũ khí thiếu không theo đúng phép trong lúc khẩn cấp thì phải bị tội theo quân luật, lúc không khẩn cấp thì bị tội biếm hay phạt” (điều 66); lính đi “tuần tra trong đô thành, không đến đúng giờ mình phải đi tuần, không lo đủ đuốc gậy và những dụng cụ tuần cảnh bình thường” thì “quan Chủ ty đương trực bị phạt 5 quan tiền, lính đương trực bị đánh 80 trượng” (điều 67).
Triều đình còn đặt ra lực lượng giám sát, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ canh gác, do đó nếu “quân gác cửa Hoàng thành và cấm điện mà không kỹ lưỡng, bị quân tuần canh bắt được, đem trình thì bị xử biếm hay đồ. Quan Chủ ty đương trực cũng xử như thế nhưng giảm hai bậc” (điều 96). Trường hợp “khiếm khuyết trong việc giữ cửa Hoàng thành thì tướng hiệu bị biếm, lính bị tội trượng. Từ cấm môn trở vào trong thì bị xử nặng hơn” (điều 92).
Ngoài ra để tránh việc tiết lộ bí mật, làm những điều không có lợi cho sự an ninh của Hoàng thành, cung điện, luật cấm “những người vào cung điện, tự tiện nói chuyện riêng với cung nhân, trao đổi thư từ vào đồ vật, y phục, vi phạm bị xử chém” (điều 61); “các cận thần (nội giám, thị vệ) không được tới lui nhà người bên ngoài, không được giao du, thăm hỏi, tặng biếu. Trái lệnh này cả hai đều bị tội đồ, lưu; nặng thì tăng thêm một bậc” (điều 83).
Một điều cũng rất thú vị là để tránh việc giả mạo xa giá của vua hoặc Đông cung Thái tử, thừa cơ đột nhập, xông vào Hoàng thành do đó có quy định cấm “những người lính trực đêm ở cửa Hoàng thành từ buổi tối trở đi, thấy xa giá ngự về (đông cung cũng vậy) đã gần tới nơi, đèn đuốc sáng rực, nhưng khi nhận được lệnh vua, viên tướng mới được mở cửa. Nếu xa giá còn ở xa, thoáng thấy nghi trượng đã vội mở cửa thì bị tội biếm, bãi, đồ. Có việc quân khẩn cấp phi báo về thì phải truyền qua các cửa để tâu lên, không được tự ý mở cửa. Trái lệnh này thì bị xử tội đồ, lưu. Tội nặng thì chém. Có tâu thì xử nhẹ hơn một bậc so với tội tự tiện mở cửa” (điều 94).
Xâm phạm an ninh Hoàng thành, xử phạt thế nào?
Hoàng thành Thăng Long được bao bọc làm nhiều vòng vì vậy tùy theo mức độ xâm phạm mà có các hình phạt khác nhau, điều 51 quy định: “Những kẻ tự tiện lẻn qua cửa Hoàng thành, là vào các cửa như Hoa Thiên Hựu ở phía Đông, Đại Hưng ở bắc trấn thì xử tội biếm hay đồ. Vào cửa cấm là các cửa Đoan Môn tả hữu dực, Tường Phù nhân, Định Trường Lạc, Đại Khánh kiến bình, Huyền Vũ thì bị tội đồ làm khao đinh. Vào cửa thứ nhất trong điện là cửa Tộ Võ, Minh Văn, Thông Sùng hóa thì bị tội đồ làm chủng điền binh. Vào cửa thứ hai là cửa Gia Hựu, Thái Hòa thì bị lưu đày đi châu gần. Vào cửa cung môn là các cửa Dịch Vọng, Vân tả hữu thì bị chém. Nếu vào mà có mang gươm, cầm trượng thì xử thêm hai bậc tội. Gia sản sung công. Nếu vào đến chỗ vua ở thì cũng xử tội như thế. Dẫn kẻ khác vào cũng bị xử tội như vậy. Nếu ai được phép vào mà mang theo gươm, cầm gậy thì tội nặng hơn người lẻn vào một bậc”.
Trong trường hợp “vượt tường cung điện thì bị chém, leo qua tường cấm thì bị giảo. Trèo vượt qua Hoàng thành thì bị đày đi châu xa. Trèo qua tường bọc kinh thành (như thành Đại La) thì bị đồ làm khao đinh. Ai theo cổng cống rãnh mà vào cắt cỏ, kiếm lấy đồ trong nội cấm thì xử tội như kẻ leo qua thành” (điều 52). Nếu “người không phận sự mà trèo lên cao nhìn vào cung điện thì bị tội đồ” (điều 59).
Người nào có việc được vào cung điện rồi ngủ đêm trong đó và tướng lĩnh đưa lính vào cung điện dọp dẹp, làm một số việc thì phải có giấy phép, nếu “số người vào nhiều hơn số đã định trong giấy phép thì họ bị xử theo luật người tự tiện vào là chết hay lưu đày đi châu xa… Người biết thì giảm hai bậc tội, không biết thì không bắt tội” (điều 54), khi những người này “làm xong công việc mà không ra khỏi, vẫn ở trong nội điện thì xử tội lưu, ở trong cung nội bị xử giảo, ở lại chỗ vua thì xử chém. Nếu ai không biết lầm lỡ thì tâu lên để vua định đoạt” (điều 55).
Đối với “các quan vào chầu vua, các sắc dịch đưa vào làm việc cũng như lính tráng, đầy tớ ra vào Hoàng thành thì đến chiều tối phải ra ngoài thành, không được tự tiện ở trong cung cấm, trừ người trực đêm và người được phép ở lại”, nếu bị quân lính đi lục soát bắt được sẽ bị “tâu lên vua xét xử tội lưu, chết. Nếu là đầy tớ thì bị bắt giam lại, chủ cũng bị tội lây” (điều 56).
Dẫn giải phạm nhân. |
Ngoài ra những người được phép vào cung điện, Hoàng thành nếu có một trong các hành vi sau thì sẽ bị xử lý theo các mức khác nhau: “Người vào cung điện không được hát lời dâm, chơi nhạc dâm… Ai trái lệnh bị đánh 50 roi, đốt hết nhạc cụ” (điều 58); “người được phép ra vào cung điện, nhưng đến ban đêm thì không được ra vào. Nếu trái lệnh này thì xử tội đồ. Ai không được ra vào mà tự tiện ra vào thì xử tử” (điều 63). Còn “các quan vào Hoàng thành mà không đội khăn thì biếm một tư” (điều 80). “Tất cả mọi người vào Hoàng thành đều phải xuống kiệu, ngựa. Qua khỏi chỗ giới hạn mà không xuống thì phạt 10 quan tiền” (điều 82).
“Những ai tên bị xóa trong sổ, phải ra khỏi cung điện mà còn nán lại không chịu ra hoặc kẻ bị cáo khám có công văn cấm không được vào cung điện nhưng cứ vào thì đều bị xử theo tội tự tiện lẻn vào cung” (điều 60). Trường hợp những kẻ bất lương thừa cơ lính canh trễ nải lẻn vào Hoàng thành và cấm điện “hễ bắt được thì xử tội lưu” (điều 96), còn nếu “làm giả mạo môn phù (tức thẻ ra dùng khi vào cổng) cửa cung điện, cửa Hoàng thành, cửa kinh thành… đều bị chém” (điều 518).
Người ở trong Hoàng thành cũng phải tuân thủ nhiều quy định, nếu vi phạm sẽ bị trừng phạt, như trường hợp “ở trong Hoàng thành mà giận dỗi, cãi vã thì phạt 60 trượng. Đánh lộn thì biếm một tư; gây ồn ào thấu tới chỗ vua ở thì biếm hai tư. Đánh nhau với hung khí mũi nhọn thì bị tội lưu; đánh lộn trong cung điện thì tăng thêm một bậc tội. Trọng thương thì xử nặng hơn tội đánh lộn bị thương hai bậc” (điều 91) hoặc nếu “ở trong cung điện mà cười đùa, kiêu ngạo, vô lễ thì xử biếm, bị tội đồ” (điều 95); “trong cấm thành nếu làm cháy lan đến nhà tôn miếu, cung điện và các kho tàng thì bị xử lưu đày” (điều 617).
Luật cũng có một số điều cấm nhằm tạo sự kính trọng, tôn nghiêm tại Hoàng thành, vì vậy dân không được “mở cửa tiệm ở trong Hoàng thành. Trâu ngựa của dân không được chăn thả rông ở đây. Trái lệnh thì bị phạt 80 trượng” (điều 81), cấm “đưa đám ma ngang qua 4 cửa Hoàng thành, vi phạm thì bị đánh 50 roi, biếm một tư” (điều 145), mọi người đi ngang qua trước Hoàng thành, cung điện thì phải xuống ngựa, xuống kiệu nếu không sẽ bị tội đồ hoặc tội lưu đày (điều 209).
Riêng đối với những hành vi đặc biệt nguy hiểm, hình thức xử lý rất nặng, điều 64 quy định như sau: “Ai dùng cung tên nhắm bắn vào cung, vào tường Hoàng thành, cung điện thì bị đồ làm tượng phường binh. Bắn vào tường cung thì bị đồ làm chủng điền binh. Bắn vào chỗ vua thì bị chém. Phóng đạn và ném gạch đá thì giảm hai bậc tội. Nếu làm bị thương hay chết người thì xử theo tội cố ý sát thương…”.
Qua nội dung những điều luật nói trên, chúng ta không chỉ biết về cách thức, mức độ xử lý, hình phạt áp dụng đối các hành vi xâm phạm an ninh, trật tự trong Hoàng thành mà còn hiểu thêm được đôi nét thú vị về việc quản lý, canh phòng Hoàng thành và những hoạt động có liên quan mà hiếm tư liệu nào ghi chép cụ thể.
Lê Thái Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét