Ngày 13/11/2014, hãng tin RIA Novosti của Nga dẫn một nguồn tin từ tổ hợp Công nghiệp - Quốc phòng nước này cho rằng, Moscow quyết định sản xuất hàng loạt động cơ sử dụng công nghệ không khí tuần hoàn độc lập có thể áp dụng cho tàu ngầm Lada Dự án 677 (gọi tắt là tàu ngầm Lada).
Thông tin này đã không gây chú ý, ngay cả với giới chuyên gia quân sự. Tuy nhiên, đây có thể là dấu mốc quan trọng về cuộc cách mạng trong lĩnh vực chế tạo tàu ngầm.
Tàu ngầm Lada của Nga. Ảnh: NT. |
Theo trang Pravda, ngày nay tất cả tàu ngầm đều được chia làm 2 nhóm theo kiểu năng lượng mà chúng sử dụng: Hạt nhân và điện - diesel.
Các tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Liên Xô ra đời trong những năm cuối thập niên 1950.
Từ đó đến nay, tàu ngầm hạt nhân trở thành lực lượng trụ cột của Hải quân Nga. Chúng được trang bị nhiều loại vũ khí uy lực nhất trên thế giới - từ tên lửa liên lục địa chiến lược và ngư lôi hạt nhân chiến thuật tới tên lửa hành trình tầm xa có độ chính xác cao.
Tàu ngầm hạt nhân có một số ưu điểm nổi bật. Chúng có thể lặn dưới nước trong thời gian dài, có tốc độ di chuyển cao, độ sâu ngập ấn tượng và khả năng mang một lượng lớn vũ khí và thiết bị khác nhau.
Những tàu hiện đại còn được trang bị các thiết bị cảm biến hiệu suất cao, hệ thống thông tin liên lạc, trinh sát điện tử và điều hướng. Tuy nhiên, điểm hạn chế của nó là độ ồn lớn.
Sự xuất hiện của một (và đôi khi 2) lò phản ứng hạt nhân trên boong tàu ngầm cùng một loạt hệ thống và cơ chế khác (tua bin, máy phát điện, máy bơm, thiết bị lạnh, quạt…) tạo ra các tần số dao động và độ rung. Do đó, tàu ngầm hạt nhân đòi hỏi phải có công nghệ tinh vi làm giảm độ ồn.
Trong khi đó, tàu ngầm sử dụng năng lượng điện - diesel lại hoạt động gần như im lặng dưới nước, vì động cơ điện chạy bằng pin không cần tua bin và thiết bị ồn ào khác.
Tuy nhiên, nó chỉ lặn ở trong nước một thời gian tương đối ngắn (vài ngày). Ngoài ra, loại này có tốc độ chậm.
Từ lâu, các kỹ sư, chuyên gia nghiên cứu hải quân luôn mong ước có chiếc tàu ngầm với động cơ mang tính đột phá, có thể kết hợp các tính năng ưu việt của tàu ngầm nguyên tử và điện - diesel: Sức mạnh, tàng hình cùng với khả năng lặn sâu dài ngày, không gây tiếng động.
Lada 677 với động cơ đẩy không khí độc lập sẽ đánh dấu bước đột. Tàu ngầm lớp Lada không quá lớn, lượng choán nước chỉ gấp 2 lần loại nổi tiếng Varshavyanka (lớp Kilo 636). Tuy nhiên, tổ hợp vũ khí trang bị trên hạm rất hiện đại.
Ngoài vũ khí thủy lôi và mìn thông thường (6 ống phóng thủy lôi loại 533 mm), Lada 677 là loại tàu ngầm điện - diesel đầu tiên được trang bị các giàn phóng tên lửa hành trình đặc biệt (10 giàn phóng theo phương thẳng đứng ở vị trí bụng tàu). Bệ này có thể phóng cả tên lửa tầm xa và tên lửa chiến thuật, triệt phá các mục tiêu chiến lược nằm sâu trong lãnh thổ đối phương.
Điểm nổi bật của Lada là công nghệ AIP kiểu mới, cho phép tàu lặn sâu liên tục 25 ngày và không phát ra tiếng động, khiến chiến hạm của Mỹ không thể phát hiện.
Văn phòng Rubin, cơ quan nghiên cứu, thiết kế tàu ngầm chủ chốt của Nga, đã phát triển Lada để thực hiện các đòn tấn công bằng tên lửa - ngư lôi nhằm vào các mục tiêu trên bộ và trên biển của đối phương. Với hệ thống cảm biến đặc biệt, tàu ngầm mới của Nga đã tăng đáng kể khoảng cách xác định mục tiêu.
Lada có thể lặn tới độ sâu 300 m, đạt tốc độ 21 knot và hoạt động liên tục trong 45 ngày. So với các tàu ngầm điện - diesel trước đây, Lada đã được ứng dụng nhiều giải pháp hiện đại giúp giảm rung chấn và âm thanh, giảm ồn đáng kể. Lớp vỏ của Lada 677 được bao phủ chất liệu "Molniya" (Tia chớp) có khả năng thu các tín hiệu cảm biến.
Hải quân Nga dự kiến nhận 14 chiếc tàu ngầm thế hệ thứ 4 này trước năm 2020. Theo Phó đô đốc Hải quân Nga Viktor Patrushev, 4 - 6 chiếc Lada 677 có thể vô hiệu hóa các mục tiêu tại Biển Đen, Biển Baltic và Biển Caspi.
Ngoài ra, 2 – 3 cụm tàu ngầm này sẽ thay đổi cán sức mạnh hải quân không chỉ ở 3 vùng biển trên, mà còn cả ở Biển Bắc, Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương.
Ở Biển Bắc, Biển Barents, Lada sẽ đảm trách tuyến đường triển khai các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân chiến lược, sẵn sàng đối phó với mọi động thái từ các lực lượng của Mỹ, NATO. Đây sẽ là nhân tố giúp tăng cường khả năng tấn công ổn định của hải quân trong lực lượng hạt nhân chiến lược.
Còn ở Địa Trung Hải, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, sự hiện diện của Lada 677 sẽ vô hiệu hóa sức mạnh Hải quân Mỹ vốn dựa chủ yếu vào các cụm tàu sân bay tấn công.
Vũ Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét