Nga sẽ xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với Hy Lạp, và thậm chí, EU cũng được lợi lâu dài từ sự hợp tác giữa Moscow và Athens
Nga công khai mời gọi Hy Lạp
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa đưa ra tuyên bố sau khi kết thúc cuộc đàm phán với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngày 8/4: "Nga sẵn sàng xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với Hy Lạp và sự hợp tác hiệu quả giữa Moscow và Athens sẽ đem lại lợi ích cho cả hai nước cũng như Liên minh châu Âu (EU)"
Người đứng đầu nước Nga đã bác bỏ những tuyên bố cho rằng việc Moscow tăng cường hợp tác với Athens là nhằm một mục đích bí mật nào đó. Theo Tổng thống Putin, những tuyên bố đó hoàn toàn là toan tính chính trị, không phù hợp với lợi ích của Hy Lạp và Nga hay toàn bộ người dân EU.
Ông khẳng định Nga không có ý định lợi dụng bất kỳ quốc gia thành viên EU nào để giải quyết vấn đề cải thiện quan hệ với liên minh này, mà muốn hợp tác với toàn EU, làm việc công khai và minh bạch trong khuôn khổ chiến lược dài hạn.
Ông Putin cũng cho biết mặc dù tình hình khó khăn, song Hy Lạp vẫn không đề nghị Nga hỗ trợ tài chính bằng các khoản cho vay, mà hai bên đề cập đến sự hợp tác trong những dự án chung, bao gồm cả lĩnh vực tài chính.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đứng đầu Hy Lạp Alexis Tsipras tại Moscow |
Ngoài ra, Moscow cũng sẵn sàng tham gia quá trình tư nhân hóa tại Hy Lạp. Nga cũng quan tâm đến đầu tư vào Hy Lạp, trước tiên là cơ sở hạ tầng, lĩnh vực năng lượng và ngành công nghiệp.
Trong lĩnh vực năng lượng, phải kể đến dự án đường ống dẫn khí "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" từ Nga tới châu Âu, dự kiến thay thế cho "Dòng chảy phương Nam," trong đó Hy Lạp có thể trở thành một trong những trung tâm phân phối khí đốt chính của đường ống này. Điều đó cho phép Hy Lạp thu hút được nguồn vốn đáng kể đầu tư vào nền kinh tế và các khoản thu khác từ việc trung chuyển khí đốt, ước tính lên đến hàng trăm triệu euro mỗi năm.
Về lệnh cấm nhập khẩu nông sản của Nga đối với EU, Tổng thống Nga cho biết 50% hàng xuất khẩu của Hy Lạp vào Nga là nông sản, do đó Athens chịu ảnh hưởng không nhỏ từ lệnh cấm này.
Theo ông, biện pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề trên là chấm dứt toàn bộ cuộc chiến trừng phạt - đáp trả, đồng thời Moscow và Athens cần mở rộng hợp tác xây dựng các doanh nghiệp chung.
Về phần mình, Thủ tướng Tsipras nhấn mạnh Athens hiểu quyết định của Nga và thừa nhận kinh tế Hy Lạp đang chịu thiệt hại lớn do các lệnh cấm của Moscow đối với phương Tây. Ông cũng khẳng định trừng phạt không thể giải quyết được "cuộc chiến kinh tế", và có thể dẫn đến một cuộc "chiến tranh lạnh" giữa Nga và phương Tây.
Ngoài các vấn đề song phương, hai nhà lãnh đạo Nga và Hy Lạp còn thảo luận nhiều vấn đề quốc tế cấp thiết khác như giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, đảo Cyprus. Về lĩnh vực này, Thủ tướng Tsipras nhấn mạnh không thể đưa ra một cấu trúc an ninh thế giới mới mà không có Nga.
Nông dân Pháp lùa cừu đến Thủ đô Paris để biểu tình phản đối các chính sách trừng phạt kinh tế Nga dẫn đến lệnh cấm nhập nông sản |
Thông điệp cho EU
Thực tế thì những tuyên bố của Tổng thống Putin đã thể hiện khá rõ quan điểm của nước Nga: Moscow muốn hợp tác làm ăn với EU, họ sẵn sàng gỡ bỏ những rào cản, nghi kỵ và hợp tác đôi bên cùng có lợi. Nhưng nếu muốn điều đó xảy ra, thì trước hết EU phải chấm dứt các biện pháp trừng phạt của mình.
Những tuyên bố này của Tổng thống Putin đã thực sự khiến cho EU một lần nữa rơi vào hoàn cảnh rất khó xử khi bản thân liên minh này đang phân rã trầm trọng. Theo đó, những quốc gia phần Đông Âu vốn có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Nga về kinh tế, bao gồm cả Đức đang chịu thiệt hại rất lớn khi theo đuổi các biện pháp trừng phạt.
Trong khi ở vế ngược lại, một số quốc gia Tây Âu, và các đồng minh trung thành của Mỹ, đặc biệt là nước Anh cho rằng cần phải sớm chấm dứt mối quan hệ với Nga dù là lĩnh vực nào.
Chính hai thái cực này đã khiến cho EU ngày càng lục đục nội bộ. Mâu thuẫn trong vấn đề lợi ích kinh tế còn kéo theo những hệ quả xấu hơn khi các quốc gia ủng hộ Nga đang cho rằng không còn cần đến sự hiện diện của NATO, và EU nên tự tổ chức quân đội riêng cho mình để thoát khỏi tình trạng chư hầu của nước Mỹ.
Những gì mà Nga tuyên bố một lần nữa làm vết thương lòng EU bị khoét sâu. Trong khi đó, Nga vẫn tiếp tục nhất quán với những điều kiện của mình: muốn hợp tác đôi bên cùng có lợi, trước hết phải tạo được lòng tin cho nhau.
Đỗ Phong (Tổng hợp VN+, ĐVO)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét