VnMedia) - Châu Âu sẵn sàng thiết lập mối quan hệ mới với Nga, Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders hôm qua (9/4) đã nói như vậy sau các cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ở thủ đô Moscow.
Ngoại trưởng Bỉ (bên trái) và Ngoại trưởng Nga
|
“Chúng tôi sẵn sàng xây dựng mối quan hệ mới cả trong ngắn hạn và dài hạn với Nga để giải quyết các cuộc khủng hoảng”, ông Reynders cho hay.
Đáp lại, nhà ngoại giao hàng đầu Nga nói rằng, Moscow sẵn sàng thiết lập lại quan hệ với Liên minh Châu Âu (EU) khi các đối tác Châu Âu sẵn sàng:
“Chúng tôi không phải là bên khởi xướng việc tạm ngừng mối quan hệ của chúng ta và chúng tôi sẵn sàng nối lại mối quan hệ đó ngay khi các đối tác Châu Âu sẵn sàng”, ông Lavrov phát biểu.
Những phát biểu của Ngoại trưởng Bỉ Reynders ở trên cho thấy sự dịu nhẹ trong lập trường của nước này với Nga trong bối cảnh giữa Nga và Liên minh Châu Âu đang có cuộc đối đầu gay gắt vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Phát biểu của ông Reynders phải chăng phản ánh thực tế EU bắt đầu muốn làm lành với Nga. Điều này chưa thể được xác định nhưng có một điều rõ ràng là ngày càng có nhiều nước thành viên EU, nhiều chính khách EU lên tiếng phản đối chính sách trừng phạt mà liên minh này đang áp dụng với Nga – đối tác thương mại và năng lượng hàng đầu của Châu Âu.
Mối quan hệ giữa Nga và Châu Âu bắt đầu xấu đi trầm trọng từ năm 2014 sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên. Mỹ cùng với Liên minh Châu Âu ra sức đổ lỗi cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng, kích động cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Dù Moscow kiên quyết bác bỏ những cáo buộc trên, Liên minh Châu Âu và Mỹ vẫn tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó có những đòn trừng phạt gây tổn thương sâu sắc đến nền kinh tế Nga. Đáp lại, Moscow cũng tung đòn trả đũa bằng cách áp dụng lệnh cấm vận nông sản, thực phẩm đối với tất cả các nước áp dụng chính sách trừng phạt với Nga. Kết quả là cả Nga và Liên minh Châu Âu đều phải hứng chịu tổn thất nặng nề từ “cuộc chiến” trừng phạt nói trên.
Khi càng ngày càng phải ngấm đòn đau từ các biện pháp trừng phạt của chính EU và từ đòn trả đũa của Nga, nhiều nước thành viên của Liên minh Châu Âu gồm Hungary, Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha và Cyprus... bắt đầu lên tiếng phản đối chính sách trừng phạt Nga đồng thời bày tỏ hy vọng hòa giải với Nga. Các nước này đều nói đến những khó khăn kinh tế mà họ phải hứng chịu từ biện pháp cấm vận thực phẩm và nông sản của Nga. Mới đây nhất, Hy Lạp đã công khai tìm đến kết thân với Nga, khiến giới chức Châu Âu “nhảy dựng” lên vì lo ngại và tức giận. Thủ tướng Hy Lạp trong cuộc gặp với Tổng thống Putin đã thẳng thừng chỉ trích mạnh mẽ chính sách trừng phạt của EU đối với Nga.
Chính sách trừng phạt Nga là “tuyệt đối ngu ngốc”
Ngày hôm qua, thêm một vị quan chức Châu Âu đã góp tiếng nói phản đối đối với chính sách trừng phạt Nga của EU.
Từ quan điểm kinh tế và chính trị, những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga là tuyệt đối vô ích bởi toàn thể Châu Âu đang phải chịu đựng và đang trở nên nghèo hơn vì chính sách đó, nghị sĩ Pháp Thierry Mariani đã nói như vậy.
Theo ông Mariani, chính sách trừng phạt nhằm vào Nga là “tuyệt đối ngu ngốc. "Chúng ta cần phải từ bỏ chính sách trừng phạt hoàn toàn ngu ngốc đó”, ông Mariani phát biểu tại một cuộc hội thảo về triển vọng phát triển của Châu Âu ở thủ đô Moscow.
"Các biện pháp trừng phạt đang can thiệp vào mối quan hệ của chúng ta với Nga. Nga đang phải hứng chịu hậu quả. Tuy nhiên, Pháp, Đức và toàn bộ Châu Âu cũng đang phải hứng chịu hậu quả, đang trở nên nghèo hơn vì những biện pháp trừng phạt đó. Từ quan điểm chính trị và kinh tế, đó là những biện pháp trừng phạt hoàn toàn vô nghĩa”, ông Mariani – một thành viên của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Pháp, nhấn mạnh.
Chính sách trừng phạt Nga của phương Tây cũng vấp phải sự phản đối từ các nước bên ngoài khu vực. Trong chuyến thăm 3 ngày đến Moscow vừa rồi, Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi đã nói rằng, các biện pháp trừng phạt đơn phương mà phương Tây áp đặt đối với Nga đang gây hại cho tiến trình hòa bình ở Ukraine.
Cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc nhấn mạnh đồng thời thêm rằng giải pháp quân sự không phải là một lựa chọn.
Hồi tháng 10 năm ngoái, báo chí Trung Quốc dẫn lời Ngoại trưởng Wang Yi cảnh báo Ukraine không được để Mỹ và EU biến Nga thành nước bị bỏ rơi, cô lập bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì những cáo buộc liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine. "Trung Quốc tin rằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga là động thái hoàn toàn sai lầm", Ngoại trưởng Wang Yi cho biết.
"Lập trường của Trung Quốc về vấn đề Ukraine luôn khách quan và công bằng ngay từ đầu. Giới chức Ukraine nên phát triển mối quan hệ giữa các khu vực khác nhau, giữa các dân tộc khác nhau trong nước mình theo một cách cân bằng”, ông Wang Yi phát biểu. Ông này còn thêm rằng, Ukraine cũng nên củng cố mối quan hệ cân bằng với Nga và Liên minh Châu Âu.
Ngoại trưởng Trung Quốc đánh giá cao vai trò của Moscow trong việc đạt được và thực hiện thỏa thuận hòa bình thứ hai về Ukraine, còn được biết đến dưới cái tên thỏa thuận Minsk. Thỏa thuận này bao gồm một lệnh ngừng bắn và việc rút vũ khí hạng nặng của hai phe đối địch nhau ra khỏi vùng chiến sự ở miền đông Ukraine.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét