Bị phương Tây bao vây cấm vận liên quan tới khủng hoảng Ukraine, Nga đã mở đường hợp tác kinh tế với phương Đông. Điển hình là chuyến thăm 4 ngày của Thủ tướng Medvedev tới Thái Lan và Việt Nam.
Theo tờ The Moscow Times, mặc dù mức độ hợp tác thương mại song phương vẫn còn yếu và chưa có đột phá nào đáng kể được ghi nhận trong chuyến thăm 4 ngày, song kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Dmitry Medvedev cho thấy Nga không chỉ quan tâm hợp tác với Trung Quốc, một cường quốc trong khu vực châu Á, mà còn với tất cả các quốc gia Đông Nam Á.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Dmitry Medvedev duyệt binh tại Phủ Chủ tịch hôm 6/4. |
Trong thời gian qua, nền kinh tế châu Á hoàn toàn "miễn nhiễm" trước những ảnh hưởng từ sự bất đồng chính trị sau sự kiện Moscow sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine vào Liên bang Nga và phương Tây không ngừng cáo buộc Tổng thống Putin hỗ trợ cho phe ly khai miền đông Ukraine chống lại quân chính phủ Kiev. Do đó, khi phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm làm suy yếu nền kinh tế Nga, Moscow đã tìm cách mở rộng quan hệ thương mại với phương Đông.
Tổng biên tập tạp chí "Russia in Global Affairs", ông Fyodor Lukyanov nhấn mạnh chuyến thăm của Thủ tướng Medvedev là "vì nước Nga, vì châu Á chứ không chỉ vì Trung Quốc".
Thỏa thuận thương mại
Trong chuyến thăm tới Việt Nam, Thủ tướng Medvedev đã đưa ra tuyên bố khẳng định thỏa thuận tự do thương mại được hai nước bàn thảo lâu nay, sẽ được ký kết vào cuối năm 2015. Một khi thỏa thuận trên được ký kết, Nga sẽ tiến thêm một bước vững chắc trong việc tiến tới một hiệp ước tự do thương mại với khối ASEAN.
Trong đó, Gazprom Neft, chi nhánh của Tập đoàn năng lượng quốc gia khổng lồ Gazprom, đã đồng ý mua 49% cổ phần nhà máy lọc dầu duy nhất của Việt Nam. Ngoài ra, hàng loạt bản ghi nhớ cũng đã được quan chức Việt – Nga ký kết trong lĩnh vực hợp tác tài chính và khai thác năng lượng.
Chuyến công du của Thủ tướng Medvedev tới Thái Lan. |
Trong khi đó, chuyến thăm tới Thái Lan của ông Medvedev đã đánh dấu lần đầu tiên trong 25 năm qua, một vị thủ tướng của Nga tới Bangkok. Moscow đã hứa hẹn mua ít nhất 80.000 tấn cao su của Thái Lan để sử dụng trong lĩnh vực quốc phòng.
Trong thời gian qua, Nga cũng đã tiến hàng các cuộc thảo luận về việc mua bán nhiều loại vũ khí "chưa được xác định" với Thái Lan. Moscow hy vọng Thái Lan sẽ trở thành một thị trường nhập khẩu vũ khí tiềm năng của Nga khi phương Tây "bỏ rơi" quốc gia châu Á này kể từ sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 5/2014. Tuy nhiên, ông Putin vẫn chưa thể ký kết một thỏa thuận tự do thương mại với Thái Lan.
"Cách đây hơn nửa năm, Nga và Thái Lan từng tuyên bố hai nước có thể ký kết một thỏa thuận tự do thương mại vào tháng Một năm nay, song chuyện này vẫn chưa được tiến hành", Giám đốc Trung tâm Việt Nam và ASEAN tại Viện Khoa học Nga, ông Vladimir Mazirin nói.
Ở châu Á, Nga không chỉ quan tâm mỗi Trung Quốc
Dù chưa thể đạt được bất cứ bước đột phá nào nhưng chuyến thăm của Thủ tướng Medvedev đã thể hiện quyết tâm thay đổi chính sách đối ngoại chuyển sang phương Đông của Nga.
Trong những năm gần đây, Nga đã có nhiều động thái thắt chặt quan hệ với châu Á nhưng chỉ tới khi mối quan hệ giữa quốc gia này và phương Tây xuống dốc liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Moscow mới chủ động tích cực đẩy mạnh hợp tác cả về chính trị lẫn kinh tế với khu vực này.
"Đây là dấu hiệu cho thấy Nga bắt đầu thay đổi chính sách mà lâu nay bị giới hạn chỉ 'tập trung vào phương Tây'. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine là động lực để Moscow thay đổi", Tổng biên tập Lukyanov nhận định.
Nga và Trung Quốc hợp tác xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt dài 4.000 km. |
Cho tới nay, chính sách hướng về phương Đông của Nga vẫn chủ yếu tập trung vào Trung Quốc. Hồi năm ngoái, sau một thời gian dài đàm phán, Nga đã ký kết được thỏa thuận xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt dài 4.000 km tới Trung Quốc nằm trong dự án "Năng lượng Siberia". Hồi tháng này, Tập đoàn Gazprom thông báo chi phí để xây dựng hệ thống ống dẫn trên là khoảng 80 tỷ rúp (15 tỷ USD). Còn trong năm nay, hai nước sẽ đạt mục tiêu 100 triệu USD doanh thu thương mại song phương.
Chuyến thăm tới Việt Nam và Thái Lan còn là dấu hiệu báo với Trung Quốc rằng "Bắc Kinh không phải là đối tác duy nhất mà Nga quan tâm trong khu vực", Giáo sư kinh tế Vladislav Inozemtsev cho biết.
Tuy nhiên, Giám đốc Mazirin nhấn mạnh Nga cũng không muốn đối đầu và kiềm chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm 4 ngày tới châu Á, ông Medvedev còn bày tỏ hy vọng đưa kim ngạch hai chiều giữa Nga và Việt Nam đạt 10 tỷ USD trong vòng 5 năm tới và với Thái Lan là 20 tỷ USD vào năm 2016.
Còn theo thông tin đăng tải trên tờ China Daily hồi năm ngoái, Trung Quốc đã đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu thương mại song phương với Việt Nam là 60 tỷ USD và 100 tỷ USD với Thái Lan trong năm nay.
Giám đốc Mazirin cho hay chuyến thăm của Thủ tướng Medvedev mới chỉ là một bước tiến nhỏ trong chiến lược hướng tới phương Đông của Nga. "Chúng tôi chưa bao giờ thiết lập mối quan hệ thân thiết với Thái Lan như với Việt Nam. Do đó, chuyến thăm lần này xem như đã được một thành tựu", ông Mazirin nói.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Moscow Times - tờ nhật báo tiếng Anh hàng đầu tại Nga, phát hành từ năm 1992. The Moscow Times thuộc sở hữu của công ty Truyền thông Độc lập, công ty xuât bản truyền thông lớn của Nga.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét