Nga yêu cầu các nhóm vũ trang đánh thuê, các cố vấn quân sự nước ngoài phải rút khỏi Ukraine nếu muốn thỏa thuận Minsk 2 thành công
Nga phản ứng Mỹ, NATO đưa cố vấn quân sự vào Ukraine
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Grigory Karasin đã có cuộc trả lời phỏng vấn với nhật báo Rossiiskaya Gazeta về vấn đề Ukraine và tình hình thực hiện thỏa thuận Minsk 2 (12/2/2015).
Trong bài trả lời phỏng vấn, ông Gazeta nhấn mạnh: "Hàng trăm cố vấn quân sự của Mỹ và NATO đang có mặt hoặc sắp có mặt ở Ukraine để dạy cho quân lính nước này cách tiêu diệt những người ly khai ở miền Đông. Đây thực sự là một việc làm nguy hiểm. Sẽ chẳng có ngừng bắn, hòa bình nào nếu họ tiến hành những hành động như vậy."
Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết: "Phía Nga đã kêu gọi tất cả đơn vị quân đội và nhóm vũ trang phi pháp phải rời khỏi Ukraine. Và phương Tây cần chấm dứt những hành động gửi cố vấn cũng như vũ khí tới đất nước này vì đó là phi pháp."
Tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Nga được đưa ra vào thời điểm xuất hiện liên tiếp những thông tin về việc Mỹ cũng như EU sẽ gửi các chuyên gia, nhân viên quân sự tới Ukraine để huấn luyện cho quân đội nước này.
Lính Ukraine tại một điểm kiểm soát ở Kurakhovo, tương đối gần Donets |
Vào giữa tháng 3, người đại diện Lầu Năm Góc Đại tá Steve Warren đã nói với giới truyền thông rằng khoảng 290 binh lính Mỹ từ lữ đoàn không quân 173 sẽ đến với miền tây Ukraine vào giữa tháng 4 để huấn luyện 3 tiểu đoàn của lực lượng vệ quốc Ukraine. Địa điểm tập trận có thể là trung tâm huấn luyện Yavoriv gần thành phố Lvov.
Cuối tháng 4, khoảng 300 lính dù của Mỹ sẽ có mặt tại Ukraine bắt đầu công tác huấn luyện binh sỹ thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia này.
Giữa tháng 3, có khoảng 35 lính Anh đã có mặt ở Ukraine để tiến hành các hành động huấn luyện. Số binh sĩ này sẽ được bổ sung thêm 75 người vào tháng 4/2015.
Ba Lan cũng khẳng định sẽ hỗ trợ huấn luyện quân đội Ukraine. Thậm chí, quốc gia này sẵn sàng chấp nhận cho lính Ukraine được tập luyện chung với quân đội của họ tại lãnh thổ Ba Lan.
Vào hôm 8/4, Thủ tướng Ukraine đã hứa rằng chính quyền Kiev sẽ kí một vài thoả thuận với NATO về vấn đề hợp tác kĩ thuật – quân sự bao gồm bản ghi nhớ về công tác trao đổi thông tin tình báo, điều sẽ dọn đường cho Ukraine tham gia vào chương trình “Đối tác cho hoà bình" của NATO.
Không chỉ dừng lại ở huấn luyện quân sự, các nước thành viên NATO đã bắt đầu gửi đến Kiev những khí tài chiến tranh, các trang thiết bị quân sự và vũ khí hạng nhẹ. Ba Lan tuyên bố sẽ bán cho Kiev tất cả những gì mà quốc gia này muốn mua. Mỹ cũng viện trợ 30 xe bọc thép và 200 xe Humvee, cùng với khoảng trang thiết bị trị giá 75 triệu USD cho chính quyền Ukraine.
Binh sĩ Ukraine gác cạnh xe humvee tại khu vực Donetsk. |
"Tiêu chuẩn kép" của Mỹ đang bức tử thỏa thuận Minsk
Những hành động huấn luyện, viện trợ của phương Tây dù không trực tiếp tham chiến vào các cuộc giao tranh giữa quân đội Ukraine và những người ly khai ở Donbass, nhưng nó đã thể hiện một vấn đề cơ bản: tạo dựng thêm niềm tin cho Ukraine rằng vẫn còn những sự hậu thuẫn mãnh liệt ở đằng sau.
Thực tế thì Kiev đang khẩn thiết kêu gọi những gói viện trợ lớn hơn, từ kinh tế tài chính đến quân sự. Tổng thống Poroshenko đã trực tiếp tổ chức một hội nghị thượng đỉnh nhằm kêu gọi sự đầu tư từ các tổ chức tín dụng châu Âu, Mỹ vào Ukraine để giúp họ qua cơn khủng hoảng.
Trong khi đó, Thủ tướng Yatsenyuk tiến hành một loạt các cuộc thăm gặp với các nền kinh tế lớn của châu Âu để tìm kiếm thêm các khoản viện trợ tiền mặt mang tính chất khẩn cấp.
Song song với đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine gần như đã nài xin phương Tây rằng quân đội nước này đang hấp hối vì thiếu kinh phí, chiến phí, vũ khí, và sẽ không thể cầm cự được với quân ly khai lâu hơn.
Có thể thấy, Kiev đang cần tiền và vũ khí để có thể tiếp tục kéo dài cuộc chiến với những người miền Đông. Hay nói cách khác, khi những yêu cầu này không được đáp ứng, chắc chắn Ukraine sẽ phải dừng cuộc chiến tại đó và chấp thuận thỏa thuận Minsk.
Thỏa thuận hòa bình này sẽ chỉ được thực hiện khi kinh tế Ukraine phán sản hoặc kho đạn của Kiev hoàn toàn cạn kiệt. Họ vùng vẫy để tìm kiếm mọi nguồn viện trợ, đi xin ở mọi nơi có thể với tới để bù đắp những nhu cầu đó và tiếp tục chiến tranh. Thế nhưng, chính phương Tây đã luôn reo giắc vào đầu những nhà lãnh đạo Kiev rằng họ vẫn còn có chỗ dựa vô cùng vững chắc ấy.
Từ việc Tổng thống Obama, hay phó Tổng thống Joe Biden luôn đề cao rằng Ukraine là một trong những mục tiêu quan trọng, lợi ích quan trọng của Mỹ, cho đến việc phe Cộng hòa liên tiếp kêu gọi viện trợ vũ khí cho Kiev đã khiến tình hình ngày càng phức tạp.
Tổng thống Poroshenko ra thực địa khi quân đội nước này nhận một loạt vũ khí hạng nặng mới |
Tiếp đến, những hành động điều quân tập trận, gia tăng quân đồn trú Mỹ ở NATO, cùng với những kế hoạch huấn luyện, tài trợ vũ khí hạng nhẹ và thiết bị quân sự phi sát thương cho Ukraine đã khiến cho Kiev luôn trong tình trạng duy trì niềm tin.
Đây là yếu tố đầu tiên chứng tỏ thỏa thuận Minsk sẽ không thể thành công nếu phương Tây vẫn duy trì những quan điểm và đối sách kiểu "câu nhử" như vậy.
Vấn đề thứ hai, nếu việc huấn luyện của phương Tây khiến cho cục diện Ukraine không thể chấm dứt chiến tranh, thì hành động ấy chính là phi pháp. Bởi Moscow đang sở hữu một lý lẽ hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế: Không ai được phá hoại thỏa thuận Minsks. Điều này cũng được chính EU, cụ thể là Pháp, Đức thừa nhận.
Chúng ta từng thấy cả Mỹ và EU đã lên án, cáo buộc Nga rầm rộ về việc nước này can thiệp quân sự vào miền Đông Ukraine. Từ việc viện trợ vũ khí, cho đến cài cắm quân đội tham chiến, hay những chuyến hàng nhân đạo của Moscow chính là vỏ bọc trá hình cho những chuyến hàng này.
Tuy nhiên, chính phương Tây cũng không thể đưa ra bằng chứng xác thực, đanh thép nào để khẳng định những cáo buộc của mình. Trong khi bản thân OSCE - một tổ chức thuộc châu Âu cũng phải thừa nhận rằng trong thùng những xe hàng cứu trợ ấy chỉ toàn... nhu yếu phẩm cho người dân chịu nạn binh đao.
Nếu như việc đưa quân vào Donbass, viện trợ, huấn luyện ly khai Ukraine là một hành động phi pháp đúng như những gì Mỹ hay EU cáo buộc Nga. Thì những hành động mà Mỹ cùng NATO công khai thực hiện như nêu trên sẽ được định nghĩa ra sao?
Một lần nữa, khái niệm "tiêu chuẩn kép" của Mỹ bị bóc mẽ. Và Nga hoàn toàn đủ cơ sở để khẳng định chính phương Tây là những người đang vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận Minsk. Và việc thất bại của lệnh ngừng bắn, không phải nằm ở vấn đề đối sách của Nga, mà ở chính chiến lược của Mỹ.
- Đỗ Minh Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét