Chu Vĩnh Khang, cựu lãnh đạo ngành an ninh Trung Quốc. DR
|
Kể từ sau phiên xử "Bè lũ bốn tên" vào năm 1981, đây sẽ là phiên xử một quan chức cao cấp đầu tiên. Trong những tháng sắp tới, ông Chu Vĩnh Khang, 73 tuổi cựu lãnh đạo quyền lực nhất ngành an ninh, cựu ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị sẽ phải trả lời trước tòa án Thiên Tân những cáo buộc "tham nhũng, lạm dụng quyền hành và cố ý tiết lộ bí mật quốc gia".
Như vậy, trong chiến dịch "săn hổ, đập ruồi" của ông Tập Cận Bình, con thú dữ Chu Vĩnh Khang đang tiến gần đến hồi kết.
Thế nhưng, phiên xử Chu Vĩnh Khang sẽ còn làm sáng tỏ những bí ẩn sau những cáo buộc, nhất là với tội danh "cố ý tiết lộ bí mật quốc gia", một tội danh mà vị cựu quan chức cao cấp nàycủa Trung Quốc đã từng sử dụng để đưa nhiều người vào trại giam và leo lên đến tột đỉnh vinh quang.
Theo ông Willy Lam, chính trị gia Hồng Kông, cáo buộc này có thể có liên quan đến những hành vi theo dõi Tập Cận Bình hay người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào hoặc như việc tổ chức "rò rỉ" thông tin xung quanh các hoạt động kinh doanh và tài sản gia đình của nhiều lãnh đạo khác.
Vụ xử Chu Vĩnh Khang còn mang màu sắc chính trị do bởi mối liên hệ thân thiết giữa ông Chu với cựu Bí thư đảng ủy Trùng Khánh thất sủng, Bạc Hy Lại bị kết án vào năm 2013 vì tội tham nhũng.
Trong bản báo cáo tại Quốc hội, Tòa án Tối cao đã tuyên bố rằng "ông Chu và Bạc Hy Lai đã làm tổn hại đến sự thống nhất của Đảng và tiến hành các hoạt động chính trị không thuộc tổ chức".
Thuật ngữ mơ hồ và chưa từng có trong vốn từ của đảng Cộng sản gợi nhắc những cuộc đấu đá nội bộ gay gắt đằng sau hậu trường và làm thổi phồng nhiều đồn đãi cho rằng có mưu toan sử dụng vũ lực của phe Chu Vĩnh Khang-Bạc Hy Lai, những kẻ thua cuộc.
Vụ bắt giam hai nhân vật cao cấp khác dưới thời Hồ Cẩm Đào là ông Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua) - cựu chánh văn phòng trung ương và cựu nhân vật số hai trong quân đội ông Từ Tài Hậu (Xu Caihou) còn củng cố thêm giả thuyết "âm mưu" trên thượng tầng lãnh đạo và đấu đá giữa các cơ quan an ninh.
Tờ báo nhắc lại ông Chu chính là người đã kiến trúc nên cả một "hệ thống duy trì ổn định" trước khi diễn ra Thế Vận hội Olympic do Bắc Kinh tổ chức năm 2008. Chính ông cũng là người điều khiển vụ kết án 11 năm tù Giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) năm 2009, hay như vụ giam giữ nghệ sĩ Ngải Vị Vị (Ai Weiwei) vào năm 2011.
Cũng chính ông Chu là người đã đè bẹp vụ nổi dạy của người Tây Tạng năm 2008. Vào thời điểm đó, ông Chu được xem như là kẻ thù của nhiều nhà đấu tranh tại Trung Quốc, nhất là đối với các luật gia.
Từ khi ông Chu về hưu vào năm 2012, vị trí của ông Chu Vĩnh Khang cho đến giờ vẫn chưa được thay thế (số thành viên trong Ban thường vụ giảm xuống từ 9 còn 7 ghế) là dấu hiệu nắm lại quyền kiểm soát ngành an ninh. Kể từ giờ, vị trí đó không còn nằm trong tay một ủy viên duy nhất trong ban thường vụ như dưới thời Chu Vĩnh Khang.
Một cơ chế an ninh mới được thiết lập: đó là Ủy ban An ninh Quốc gia, mà ông Tập Cận Bình đã được bầu chọn làm lãnh đạo tối cao, nhằm điều phối toàn bộ các cơ quan Đảng-Nhà nước chống lại những "mối đe dọa an ninh".
Áp lực cảnh sát không hề suy giảm mà còn mạnh hơn nữa. Tờ Le Monde kết luận, Chu Vĩnh Khang là nạn nhân quan trọng nhất của chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Hay là nạn nhân của chính những tội danh do ông ta đưa ra?
MINH ANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét