Chính quyền Ukraine đang tự đẩy mình vào thế đối đầu cùng lúc hai cường địch, trong khi họ đang mất dần mọi sự chống lưng...
Đối sách của Kiev
Lệnh ngừng bắn ở Donbass tiếp tục bị vi phạm nghiêm trọng. Cuộc giao tranh với quy mô lớn nhất trong thời gian qua được đánh dấu vào ngày 30/3/2015, tại thị trấn Shyrokyno, gần Mariupol.
Thị trấn Shyrokyno trên nằm bên bờ biển Azov chỉ cách thành phố cảng chiến lược Mariupol chừng 9 dặm. Các quan chức quân sự chính quyền Ukraine cho biết, nếu chiếm được Mariupol, quân ly khai sẽ khai thông tuyến đường chạy thẳng từ miền đông tới bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, theo báo cáo của OSCE, người nổ súng trước trong cuộc giao tranh này lại là quân đội của Ukraine. Nhưng đến thời điểm hiện tại, phe ly khai đã công bố một thông tin đáng chú ý, họ đã giao chiến với trung đoàn Azov - lực lượng tinh nhuệ nhất thân chính quyền Kiev. Và nguyên nhân của cuộc chiến này không phải do ly khai khơi mào, mà vì có lực lượng thứ ba đang "ném đá giấu tay".
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Cộng hòa tự xưng Donetsk tuyên bố hôm 1/4, rằng các nhóm phá hoại đã giả danh lực lượng ly khai để tung ra những hành động khiêu khích như bắn phá, đánh bom vào vị trí của Ukraine.
Các binh sĩ Trung đoàn Azov tập luyện ở làng Urzuf, phía tây Mariupol. |
Có ít nhất 35 nhóm làm nhiệm vụ phá hoại và trinh sát, mỗi nhóm từ 3-8 người hoạt động trong vùng Donetsk và có thể mở rộng tới các khu vực nhạy cảm. Và Donetsk nhấn mạnh rằng chính lực lượng này là kẻ phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn.
Tuy Donetsk không cáo buộc "nhóm phá hoại" này thuộc thành phần nào, do ai tài trợ, hoạt động vì lợi ích của tổ chức nào, nhưng bản thân chính quyền Kiev thì có thể hoàn toàn biết rõ. Hiện tại, còn một chính quyền trong bóng tối đã được thành lập để đối chọi với chính quyền Ukraine.
Và thực sự đã có nguy cơ rất lớn cho các cuộc chiến tranh chồng lấn trên lãnh thổ quốc gia Đông Âu này, không chỉ gói gọn trong phạm vi đối đầu Kiev - Donbass. Vấn đề ở chỗ, chính quyền Kiev đang xử lý cuộc khủng hoảng này như thế nào?
Chính quyền trong bóng tối ấy được các nhà tài phiệt, các tổ chức chính trị đối lập với chính quyền Kiev và Donbass thành lập. Họ kiên quyết theo đuổi chủ nghĩa chiến tranh với người ly khai ở miền Đông, phá hoại thỏa thuận Minsk, và đồng thời cũng mâu thuẫn với chính quyền của Tổng thống Poroshenko.
Thực tế thì phe đối lập này có đủ tiềm lực từ kinh tế đến quân sự để theo đuổi một cuộc chiến song song với cả phe ly khai và liên minh cầm quyền. Tuy nhiên, việc chia rẽ nội bộ Kiev dẫn đến tình trạng cát cứ và đối đầu với nhau như vậy chỉ khẳng định một điều duy nhất: sức mạnh Ukraine sẽ yếu đi và khả năng họ có thể chiến thắng ly khai trên chiến trường sẽ là con số không.
Ngay việc Kiev tước chức danh Thống đốc vùng Dnipropetrovsk của nhà tài phiệt Kolomoisky hồi cuối tháng 3 vừa qua và giải giáp quân đội riêng của nhân vật này cũng cho thấy sức mạnh quân sự của Kiev sẽ bị tác động không nhỏ. Bởi Kolomoisky được đánh giá là người quyền lực thứ hai Ukraine và không ngại chi tiền cho các hoạt động quân sự chống phe ly khai ở miền Đông.
Đồng thời, chính quyền của ông Poroshenko cũng đang yêu cầu điều tra các tội ác của tiểu đoàn quân tình nguyện (lính đánh thuê) và ra sắc lệnh giải giáp toàn bộ những lực lượng như vậy trong lãnh thổ Ukraine. Có thể nói rằng, Poroshenko đang dùng quyền Tổng thống của mình để triệt tiêu sức mạnh của chính họ.
Các thành viên tiểu đoàn Dnipr do ông Kolomoisky tài trợ. |
Tuy nhiên, chấp nhận đối đầu với phe đối lập vào thời điểm này của Poroshenko là không hề khôn ngoan. Còn nhớ vào tháng 10/2014, sau khi làm Tổng thống được vài tháng, Poroshenko không đủ hậu thuẫn chính trị, và ông này bắt đầu giải tán liên minh cầm quyền, lập ra một cuộc bầu cử trước thời hạn để tìm kiếm sự hậu thuẫn chính trị cho mình.
Và cách làm mang tính cưỡng đoạt đó đang một lần nữa được áp dụng lại khi xuất hiện ngày càng nhiều lực lượng đối lập. Có thể thấy hàng loạt sắc lệnh rất phi dân chủ được Poroshenko đưa ra như bỏ tù người nói xấu chính phủ... Tiếp đến là các cuộc thanh trừng, ép từ chức, giải tán quân đội ngoài luồng...
Tất cả hành động đó chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất là duy trì quyền lực của Tổng thống. Tuy nhiên, càng mạnh tay, càng càn quét như vậy thì sự bất mãn và đối nghịch sẽ càng lây lan khiến cho Kiev trở tay không kịp.
Chỉ có điều, ly khai không thể diệt, nội bộ Kiev thì tan đàn sẻ nghé. Và không thắng được ly khai, sẽ không có lợi thế trên bàn đàm phán. Trong bối cảnh những sự chống lưng dành cho Ukraine cũng ngày càng vơi đi, nếu không muốn nói là mất tất cả. Việc vừa đương đầu với ly khai, vừa muốn tìm diệt những kẻ đối đầu đang là hành động sai lầm và ngốc nghếch nhất mà Ukraine theo đuổi trong thời gian vừa qua.
Còn ai chống lưng cho Kiev?
Nhắc tới vấn đề hậu thuẫn, khi chính biến diễn ra ở Ukraine đầu năm trước, cuộc cách mạng màu và chính phủ lâm thời khi đó đều do một tay Mỹ, EU dựng lên. Bản thân Tổng thống Obama cũng đã thừa nhận điều này.
Nhưng đến thời điểm này, hơn 1 năm sau cuộc khủng hoảng, thì những thế lực đang hậu thuẫn cho Ukraine khi đó, bây giờ ngày càng rơi rụng. Trước sự nguy cấp của một nền kinh tế sắp phá sản, và hàng loạt nhu cầu cần đến tiền, đặc biệt là chiến phí, Ukraine đã tổ chức hội nghị các nhà tài trợ quốc tế dự kiến vào ngày 28/4 tới, thảo luận vấn đề hỗ trợ tài chính cho Kiev.
Cảnh đổ nát ở miền Đông Ukraine |
Tuy nhiên, theo giới chức Liên minh châu Âu (EU), các nước và tổ chức phương Tây nhiều khả năng không tham dự hội nghị này, mà sẽ nhóm họp tại Kiev vào cuối năm 2015 để Ukraine có thêm thời gian soạn thảo kế hoạch chi tiết hơn về việc sử dụng tiền cho vay một cách hiệu quả.
"Các cường quốc phương Tây đang xem xét gói viện trợ nhằm phục hồi kinh tế Ukraine đang trên bờ vực vỡ nợ. Tuy nhiên, nhiều nước lại lo ngại đang đầu tư vào một trong những quốc gia có tệ nạn tham nhũng lớn nhất thế giới", hãng tin Reuters đưa tin.
Như vậy, lời kêu cứu của Ukraine về kinh tế đã bị từ chối, ngược lại với hàng loạt những lời hứa về các gói viện trợ tỉ USD, chục tỉ USD được đưa ra từ giữa năm 2014, để sau đó Kiev điên cuồng lao vào phe ly khai quyết chiến.
Còn với vấn đề năng lượng, Ukraine những tưởng đã thoát được ách Nga khi tuyên bố mùng 1/4 sẽ không mua khí đốt của kẻ thù lớn này. Song cuối cùng, Kiev vẫn phải sử dụng nguồn cung của Nga, với giá tuy rẻ hơn, nhưng đi kèm một loạt điều kiện đau đớn như trả tiền trước, và thanh toán nợ...
EU đã chính thức phủi tay, trong khi Mỹ vẫn đứng ngoài cuộc. Washington loay hoay úy lạo đồng minh NATO, ráo riết chuyển quân, khí giới đến khu vực này. Nhưng không có bất kỳ động tác nào cho thấy họ sẽ ở bên và lo lắng cho Kiev.
Một chính quyền vừa chống nội loạn, vừa chống ly khai, vừa lo phá sản kinh tế và không có bất cứ sự giúp đỡ nào của quốc tế, có lẽ, tương lai của Kiev và Poroshenko chỉ còn tính từng ngày.
- Đỗ Minh Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét