Tổng thống Philippines, Benigno Aquino tỏ ra lo ngại về hoạt động của hai tàu khảo sát Trung Quốc (TQ) gần đây ở Biển Đông có thể là dấu hiệu cho thấy TQ sẽ tiến hành khoan dầu.
Trả lời phỏng vấn AP bên lề khóa họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York hôm 23.9, ông Aquino nói rằng, tất cả các quốc gia liên quan đến Biển Đông - tuyến đường thương mại quan trọng của thế giới - nên lo ngại về cách hành xử kiểu ra oai của TQ. Ông cũng hy vọng rằng, trong vụ Philippines kiện TQ ra tòa trọng tài quốc tế, tòa sẽ có một phán quyết làm rõ sự phi lý trong tuyên bố chủ quyền của TQ, tạo ra một sân chơi bình đẳng và làm giảm căng thẳng trên biển. Các luật sư của Philippines nói rằng, phán quyết sẽ không được đưa ra trước đầu năm 2016.
Ông Aquino đã đưa ra những hình ảnh cho thấy TQ đang cải tạo đất ở ngoài khơi đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - song các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền. Còn ở Bãi Cỏ Rong cũng thuộc quần đảo Trường Sa, ông Aquino cho biết, TQ đã đưa hai tàu thủy văn tới đây từ tháng 6. Tổng thống Philippines không chắc về mục đích của hai tàu này, song ông đặt câu hỏi, liệu TQ có đưa giàn khoan Hải Dương 981 tới đây hay không? Có điều chắc chắn hai tàu này đang thực hiện công việc đo đạc trong khu vực - ông nói. “Đây không chỉ là quan ngại của Philippines. Chúng tôi tin rằng bên cạnh các nước tuyên bố chủ quyền, việc này ảnh hưởng tới tất cả các bên qua lại trên Biển Đông”.
AP nhận xét: Trong lúc sức mạnh kinh tế và quân sự của TQ phát triển, TQ đã cư xử ngày càng hung hăng và đã tuyên bố quản lý hành chính ở các khu vực tranh chấp cũng như kiểm soát các ngư trường trên Biển Đông.
Tổng thống Philippines đã liên tiếp có tiếng nói mạnh mẽ trên trường quốc tế về cách ứng xử của TQ trên Biển Đông. Trong chuyến thăm Châu Âu giữa tháng 9 vừa qua tới Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp và Đức, ông cũng đề cập vấn đề Biển Đông với nhiều người đồng cấp các nước EU để tìm kiếm sự ủng hộ nhằm giải quyết tranh chấp với TQ, ngăn cản TQ tiếp tục leo thang căng thẳng trên biển. Các nước này cũng đã bày tỏ sự ủng hộ với việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và dựa trên luật pháp quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét