(Quan hệ quốc tế) - Đáp trả đòn bao vây của Trung Quốc, Ấn Độ đang tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông.
Dằn mặt Trung Quốc
Thời gian qua, Trung Quốc liên tiếp có những hành động “vây ép” đối với Ấn Độ như củng cố sự hiện diện tại vùng biên giới đang tranh chấp với New Delhi, dùng sức mạnh kinh tế để gia tăng ảnh hưởng tại các quốc gia láng giềng của Ấn Độ như Pakistan, đối thủ trực tiếp của New Delhi hoặc Nepal, Sri Lanka, Maldives, các quốc gia ngay sát sườn Ấn Độ.
Theo giới phân tích, việc New Delhi tiến sâu hơn vào Biển Đông nằm trong kế sách đối phó lại chiến lược vây hãm Ấn Độ mà Bắc Kinh đang đẩy mạnh.
Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee có chuyến thăm Việt Nam từ 14-17/9. Ảnh: Reuters. |
Một trong những bước đi đáng chú ý mới nhất của Ấn Độ ở Biển Đông là việc tăng cường hợp tác dầu khí với Việt Nam. Không những thế, Ấn Độ cũng không hề tỏ ra e dè khi các thỏa thuận hợp tác được công bố ngay trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Ấn Độ.
Việc tập đoàn dầu khí nhà nước ONGC Videsh Limited (OVL) và Petro Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác ngày 15/9/2014 đã chính thức hóa việc Ấn Độ mở rộng hoạt động thăm dò dầu và khí đốt ngoài khơi Việt Nam.
Theo báo chí Ấn Độ, vào tháng 11/2013, Việt Nam đã dành cho Ấn Độ quyền khai thác 5 lô mới tại Biển Đông và ONGC Videsh sẽ thăm dò từ 2 đến 3 lô.
Hôm 18/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Ấn Độ và Chủ tịch Trung Quốc tại New Delhi không loại trừ bất kỳ vấn đề tế nhị nào, “kể cả những vấn đề mới nhất”.
Giới phân tích cho rằng, trong số những vấn đề được nhắc đến, chắc chắn có việc Ấn Độ quyết định đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong việc thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông. Quyết định này được coi như một nước cờ dùng để cảnh cáo Trung Quốc.
Theo các chuyên gia nước ngoài, điểm đáng chú ý là quyết định tăng cường hợp tác Ấn-Việt tại Biển Đông lần này được công bố rộng rãi và công khai, trái với thái độ tương đối kín đáo trong những lần trước đây.
Hình ảnh được Tạp chí Phố Wall phiên bản điện tử sử dụng trong bài “Việt Nam và Ấn Độ mở rộng thăm dò dầu khí tại Biển Đông” đăng tải hôm 15/9. |
Trái với chính quyền tiền nhiệm tại New Delhi, đương kim Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và chính phủ của ông có quyết tâm mạnh mẽ hơn trong việc không để cho Bắc Kinh lấn lướt, mặc dù vẫn cần đến Trung Quốc về mặt kinh tế.
Khi công khai quyết định can dự sâu hơn vào Biển Đông, một khu vực mà Trung Quốc cho là vùng ảnh hưởng của họ, chính quyền Modi nhắc Bắc Kinh rằng tình hình đã thay đổi và Trung Quốc không thể tự tung tự tác như họ thường làm.
Thông điệp này càng rõ ràng và kiên quyết hơn khi Ấn Độ ký kết thỏa thuận tăng cường hợp tác dầu khí với Việt Nam tại Biển Đông vài ngày trước chuyến công du Ấn Độ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Việc can dự sâu hơn vào khu vực sát cạnh Trung Quốc như Biển Đông, cũng như việc tăng cường quan hệ quốc phòng với Việt Nam có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng đối với Ấn Độ, cho phép nước này hiện diện thường xuyên hơn và chính đáng trong khu vực.
Ngoài ra, hiện chính quyền Ấn Độ đang hướng tới một láng giềng khác của Trung Quốc là Nhật Bản, rõ nét nhất là hai Thủ tướng Modi và Abe đã đồng ý thúc đẩy quan hệ quốc phòng và chiến lược.
Trong chuyến thăm, ông Modi đã đưa ra một thông điệp ám chỉ tới cách hành xử hung hăng và bá quyền của Trung Quốc khi phát biểu rằng: “Một số nền dân chủ như Ấn Độ và Nhật Bản tin tưởng vào hướng phát triển theo con đường hòa bình và của Đức Phật. Tuy nhiên, vẫn còn một số quốc gia khác vẫn đang theo đuổi các chính sách bành trướng của thế kỷ 18, lấn chiếm đất đai và vùng biển của các nước khác”.
Căng thẳng âm ỉ
Bất chấp những căng thẳng biên giới chưa được giải quyết, bất chấp các động thái “lấn sân” nhau, cả Ấn Độ và Trung Quốc vẫn thể hiện mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế.
Ngày 18/9, Trung Quốc và Ấn Độ đã đã ký một loạt thỏa thuận thương mại khi Chủ tịch Tập Cận Bình kết thúc các cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Bắc Kinh cũng cam kết đầu tư 20 tỷ USD vào Ấn Độ trong vòng 5 năm tới và xây dựng ở quốc gia láng giếng các tuyến đường sắt cao tốc.
Ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc coi Ấn Độ là đối tác chiến lược lâu dài. Để thể hiện sự nhượng bộ, Trung Quốc đã cho phép mở một tuyến đường mới dành cho người hành hương Ấn Độ tới Tây Tạng.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nói rằng Bắc Kinh sẽ thiết lập sự hợp tác với Ấn Độ trên các diễn đàn đa phương, và hoan nghênh New Delhi là một thành viên đầy đủ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải – một tổ chức khu vực do Trung Quốc và Nga chi phối. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẽ tăng cường nhập khẩu các sản phẩm dược và nông nghiệp của Ấn Độ. Hai bên cũng nhất trí bắt đầu đàm phán về hợp tác hạt nhân dân sự.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại thành phố Ahmedabad hôm 17/9 |
Tuy nhiên, sự hợp tác về kinh tế không thể xoa dịu những căng thẳng biên giới Trung-Ấn trên thực địa. Trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, hai bên không đạt được thỏa thuận nào về vấn đề biên giới kéo dài nhiều thập kỷ qua. Binh sĩ của cả hai bên vẫn đối đầu căng thẳng tại cao nguyên Ladakh ở khu vực phía Tây Himalayas.
Phát biểu sau khi hội đàm với ông Tập Cận Bình, Thủ tướng Modi cho biết: “Tôi đã nêu ra những quan ngại nghiêm túc về những vụ việc liên tiếp ở biên giới. Chúng tôi đã nhất trí rằng hòa bình và sự bình yên ở khu vực biên giới là nền tảng thiết yếu cho sự tin tưởng giữa hai nước cũng như là sự nhận thức về tiềm năng lớn của mối quan hệ song phương”.
Trước đó, Thủ tướng Modi đã kêu gọi “làm rõ” Ranh giới Kiểm soát Thực tế (LAC), nơi đánh dấu cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước kết thúc năm 1962.
Cũng trong thời gian này, truyền thông Ấn Độ đưa tin rằng 1.000 binh sĩ Trung Quốc đã tràn vào lãnh thổ của Ấn Độ tại khu vực Chumar thuộc cao nguyên Ladakh, nơi Ấn Độ có 1.500 binh sĩ đồn trú.
Ít có khả năng xảy ra một vụ giao tranh lớn giữa Trung Quốc và Ấn Độ, song những vụ xâm nhập như vậy cho thấy trước mắt sẽ không có giải pháp nhanh chóng nào cho vấn đề biên giới hai nước.
Đông Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét