(Bình luận quân sự) - Mua được Su-35 làm TQ tin rằng mình có thể làm bá chủ trên không. Tuy nhiên, dù có Su-35, Bắc Kinh cũng không thể làm điều đó.
So sánh các tham số của Su-35 và Su-30MK2
Về bản thân máy bay, trước đây Su-35 có nhiều ưu thế so với Su-30 là tốc độ bay tuần lớn hơn, khả năng cơ động rất linh hoạt do được sử dụng động cơ thế hệ AL-41F là 117S (AL-41F1S). Ngoài ra, nó còn có tính năng tàng hình tốt hơn; radar có phạm vi trinh sát xa hơn; các hệ thống chỉ huy, điều khiển, dẫn đường, điện tử… hiện đại hơn.
Tuy nhiên, với phiên bản mới nhất của Su-30MK2 Việt Nam, Su-35 giản hóa của Trung Quốc sẽ không còn ưu thế vượt trội nữa, điều đó thể hiện đặc biệt ở tính năng bay và khả năng tác chiến của radar. Ngoài ra, các tham số tính năng khác Việt Nam hoàn toàn có thể nâng cấp lên chuẩn cao hơn, tiệm cận với Su-35 của Trung Quốc.
Su-30MK2 Việt Nam sẽ được trang bị động cơ AL-31FP điều khiển vector định hướng đa chiều giúp cho Su-30MK2 có vận tốc rất cao, khả năng cơ động cực kỳ linh hoạt. Động cơ AL-31FP là phiên bản tiên tiến nhất nhất của dòng AL-31F, có lực đẩy 14.500kg/1chiếc, ngang với lực đẩy của 117S (AL-41F-1S) trên Su-35, độ linh hoạt cũng không hề kém.
Đây chính là loại động cơ phản lực vector được lắp đặt trên nguyên mẫu thử nghiệm của siêu tiêm kích Su-37 của Nga và Su-30MKI của Ấn Độ. Loại động cơ có lực đẩy cực lớn và kỹ thuật điều khiển luồng khí phụt linh hoạt giúp cho Su-30 MK2 có khả năng bay với vận tốc 2500km/h, không hề kém chút nào so với Su-35.
Thế nhưng, lực đẩy vẫn chưa phải là ưu điểm lớn nhất của nó mà điểm đặc biệt nhất là tính linh hoạt tuyệt vời của động cơ. Với loại động cơ tiên tiến này, Su-30MK2 có thể thực hiện được những động tác kỹ thuật có độ khó rất cao, đảm bảo ưu thế trước các máy bay đồng hạng trong không chiến.
Su-30MK2 Việt Nam đủ khả năng đối đầu và đánh thắng Su-35 Trung Quốc
|
Máy bay có thể nâng không theo phương thẳng đứng với vận tốc cực đại, sau đó tắt máy. Gia tốc của động cơ và lực nâng của các cánh khiến nó có thể dừng lại giữa không trung khoảng 2-4s, sau đó lộn ngược ra phía sau và xoáy tròn lao xuống theo phương thẳng đứng rồi đột ngột chuyển hướng. Nói đơn giản là với động cơ mới khiến Su-30MK2 không kém Su-35 chút nào.
Với loại động cơ thế hệ mới nhất này, tiêm kích Su-30MK2 của Việt Nam và Su-30MKI của Ấn Độ đã có tính năng bay vượt trội toàn bộ các máy bay chiến đấu khác của không quân Trung Quốc, từ loại nhập ngoại như Su-27/30 cho đến các thế hệ quốc nội như J-10/11/16, JH-7… sử dụng động cơ AL-31FN hoặc WS-10A Thái Hàng.
Công ty động cơ Saturn cho biết, trong năm 2014 họ sẽ cung cấp cho Trung Quốc loại động cơ mới là AL-31F-S42 hay còn gọi là AL-31M. Loại động cơ này có lực đẩy 13.500kg, hơn 1.000kg so với động cơ AL-31FN hiện đang sử dụng rộng rãi trong các loại máy bay Trung Quốc. Lực đẩy chưa đốt sau của nó cũng cao hơn gấp bội so với thế hệ trước (8.250kg/7.770kg).
Rất có thể loại động cơ mới nhập này cũng sẽ được trang bị trên máy bay tiêm kích hạm J-15 và trên nguyên mẫu thử nghiệm của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 J-20 và J-31 (hiện đang dùng AL-31FN), để nâng cao hiệu suất thử nghiệm của các nguyên mẫu này. Đồng thời, Trung Quốc sẽ mổ xẻ nghiên cứu để nâng cao tính năng của động cơ WS-10A Thái Hàng.
Tuy nhiên, dù có nhập được AL-31M, các máy bay chiến đấu khác của Trung Quốc vẫn thua kém 1 bậc so với với động cơ AL-31PF về lực đẩy (13.500kN/14.500kN) và độ linh hoạt, bởi tuyên bố của Saturn cho biết trong hợp đồng 2 bên chỉ mua bán động cơ AL-31M không có điều khiển vector.
Máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Việt Nam
|
Xét về vũ khí, giữa Su-35 và Su-30MK2/Su-30MKI hoàn toàn không có sự khác biệt, những vũ khí nào Su-35 mang được thì Su-30MK2 cũng có thể mang được, nếu có yêu cầu đặt hàng riêng. Tuy Su-35 vẫn được coi là tiên tiến hơn nhưng không hẳn đã vượt trội quá nhiều so với các tiêm kích Su-30MK2 của Việt Nam.
Về radar trên máy bay, radar IRBIS-E trên Su-35 vẫn nhỉnh hơn so với radar N-011 BARS trên Su-30MK2 về phạm vi trinh sát và khả năng theo dõi/điều khiển tấn công mục tiêu. Về khả năng tàng hình, Su-35 cũng được áp dụng nhiều công nghệ tối ưu hơn, giảm thiểu mức độ bộc lộ radar so với Su-30MK2.
Ngoài ra, Su-35 cũng được áp dụng các thành tựu mới nhất của Nga về điện tử hàng không, dẫn đường, điều khiển…
Tuy nhiên, khoảng cách này cũng có thể được Việt Nam rút ngắn bằng các yêu cầu nâng cấp đặc biệt những tiêu chuẩn kỹ thuật, trong gói hợp đồng mua 12 chiếc Su-30MK2 mới. Hơn nữa, những thua sút của Su-30MK2 hoàn toàn có thể bổ khuyết bằng các biện pháp chiến thuật linh hoạt của không quân Việt Nam, xóa khoảng cách về công nghệ.
Ngoài ra, tuy có nhiều ưu điểm nhưng các tham số kỹ thuật và tính năng của Su-35 cũng chỉ phù hợp và phát huy ưu thế trong từng phương thức tác chiến nhất định. Điều này khiến các máy bay chiến đấu tương đối hiện đại như Su-30MK2 Việt Nam có thể đối đầu sòng phẳng và đánh thắng Su-35 Trung Quốc.
Su-30MK2 Việt Nam có thể đánh thắng Su-35 TQ
Sau khi mua được, Su-35 của Trung Quốc không thể đóng vai trò quan trọng như các chuyên gia quân sự nước này mong muốn. Su-35 được sản xuất với mục đích chính là nhằm trang bị cho không quân Nga khả năng bảo vệ an toàn không phận trên bầu trời nước Nga, chứ không phải là cho tấn công tầm xa.
Máy bay chiến đấu Su-35 của Nga
|
Su-35 được nghiên cứu, chế tạo nhằm mục đích đối trọng với các loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 của Mỹ trong thời gian Nga chưa thể trang bị được tiêm kích thế hệ 5 T-50. Và Trung Quốc mua nó hẳn cũng nhằm mục đích như thế, bởi vì 2 loại tiêm kích thế hệ 5 của họ là J-20 và J-31 còn lâu mới được chính thức biên chế
Vì thế, nếu Trung Quốc sử dụng Su-35 là một loại máy bay bảo vệ không phận thì sẽ phát huy tốt nhất vai trò của nó. Nhưng Bắc Kinh bỏ một đống tiền ra mua Su-35 về không phải chỉ để nó ngồi nhà chờ máy bay khác đến đánh. Nếu họ sử dụng tiêm kích này như một phương tiện tấn công tầm xa, những lợi thế này sẽ mất đi.
Tuy Su-35 có ưu thế công nghệ và tính năng nhỉnh hơn so với Su-30MK2 nhưng trong tình huống Trung Quốc sử dụng loại máy bay chiến đấu này đi tấn công ngoài xa, khoảng cách địa lý sẽ khiến ưu thế về phạm vi hành trình và tính năng tàng hình của nó hoàn toàn vô dụng trước Su-30MK2 đang “phục sẵn”.
Khi thực hiện nhiệm vụ, Su-35 không thể tác chiến một mình. Phạm vi quan sát xa của radar và tính năng tàng hình tốt chỉ giúp Su-35 chiếm ưu thế khi thực hiện nhiệm vụ trong đội hình biên đội mình, còn khi phối hợp với các loại máy bay khác của không quân Trung Quốc, có khả năng tàng hình kém hơn thì Su-35 sẽ bị bộc lộ điểm yếu.
Máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Việt Nam
|
Các biên đội máy bay chiến đấu Việt Nam cũng có thể tắt radar trên máy bay, sử dụng thông tin từ các trạm radar mặt đất của ta, bay tầm thấp để tránh sự phát hiện của radar Su-35, sau khi đến gần tốp máy bay địch mới tăng tốc, lấy độ cao, tấn công đồng loạt từ nhiều hướng và tung ra đòn tiêu diệt.
Các loại máy bay chiến đấu khác có thể đảm nhận nhiệm vụ đánh thẳng vào đội hình, tiêu diệt máy bay tiếp dầu và các loại khác để Su-30MK2 rảnh tay đối đầu với Su-35. Nếu mất máy bay tiếp dầu, Su-35 không còn khả năng chiến đấu xa căn cứ, thậm chí không đủ lượng dầu bay về, nếu không tháo chạy thì không còn cơ hội sống sót.
Khi đối đầu với Su-30MK2 trong loại hình tác chiến không chiến tầm gần hỗn loạn, ưu thế về tàng hình và tên lửa không đối không tầm xa của Su-35 cũng hoàn toàn mất tác dụng. Lúc này, tính năng cơ động của máy bay và trình độ chiến đấu của phi công sẽ là các yếu tố mang tính chất quyết định.
Xét về khả năng cơ động, Su-35 và Su-30MK2 có thể coi là tương đương, nên trong cuộc đấu tay đôi giữa 2 loại máy bay chiến đấu này, Su-35 không hề còn lợi thế gì so với máy bay chiến đấu Su-30MK2. Trong khi đó, tiêm kích Su-30MK2 có lợi thế rất lớn là tốc độ leo cao nhanh hơn so với Su-35.
Tốc độ leo cao của Su-35 chỉ đạt 285 m/s, trong khi khả năng này của Su-30MK2 là 305 m/s. Trong các tình huống không chiến tầm gần, phạm vi hẹp, tốc độ leo cao có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nhanh chóng tiếp cận đội hình chiến đấu của đối phương cũng như thoát khỏi bị radar điều khiển hỏa lực của đối phương khóa mục tiêu.
Thực tế cho thấy, trong chiến tranh Việt Nam, MiG-21 có nhiều điểm thua sút so với F-4 Phantom, nhưng với lợi thế đánh chặn trên “sân nhà” nên mặc dù số lượng ít, vẫn có thể chiếm ưu thế trên không. Lợi thế về tốc độ leo cao của MiG-21 so với F-4 và F-105 đã được các phi công Việt Nam khai thác triệt để trong việc đánh chặn, dưới sự chỉ huy của đài điều khiển mặt đất.
Máy bay chiến đấu Su-35 của Nga
|
Cuối cùng, một vấn đề khác vô cùng quan trọng chính là phi công ngồi trong buồng lái. Su-35 được điều khiển bởi một phi công duy nhất trong khi đó Su-30MK2 được điều khiển bởi 2 phi công, một người điều khiển máy bay còn một người điều khiển vũ khí, nhiệm vụ sẽ nhẹ nhàng hơn so với một người đảm nhận tất cả.
Về lĩnh vực này, có thể khẳng định phi công Việt Nam hoàn toàn trên cơ phi công Trung Quốc. Không quân Mỹ đã phải trả giá đắt tại chiến trường Việt Nam khi đặt kỳ vọng quá nhiều vào máy bay hiện đại mà xem nhẹ vai trò của phi công ngồi trong buồng lái.
Hàng chục năm qua, không quân Trung Quốc tuy số lượng máy bay nhiều, phương tiện huấn luyện hiện đại nhưng không hề có kinh nghiệm chiến đấu, trong khi Việt Nam đã trải qua vài chục năm thực chiến với đủ loại máy bay của Mỹ. Các loại máy bay chiến đấu của Nga, từ dòng MiG đến dòng Su, phi công Việt Nam cũng đã quá quen thuộc.
Hiện nay, những phi công kỳ cựu Việt Nam tuy đã nghỉ bay, hiện nay có người còn tại ngũ, có người đã nghỉ nhưng những kinh nghiệm quý báu vẫn được lưu truyền lần lượt cho các lớp đàn em, là tài sản quý báu của Không quân Việt Nam. Có thể khẳng định là, xét về vai trò con người, Việt Nam sẽ trên cơ Trung Quốc.
Ngay cả trong trường hợp Trung Quốc triển khai Su-35 trên các đảo đã chiếm đóng trái phép ở Trường Sa thì khả năng tàng hình, phạm vi tác chiến xa, tầm bao phủ rộng của radar cũng không còn là ưu thế. Khi triển khai trên đảo, nếu mon men vào bờ, nó sẽ nằm gọn trong phạm vi đón lõng của các hệ thống phòng không triển khai trên bở biển Việt Nam.
Vì những nguyên nhân như trên, có thể khẳng định là Su-30MK2 Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng đối đầu và đánh thắng Su-35 Trung Quốc.
- Thiên Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét