(Quan hệ quốc tế) - Trung Quốc khó có thể làm gì trước thỏa thuận hợp tác dầu khí giữa Việt Nam và Ấn Độ trên Biển Đông.
Nhân chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đến Việt Nam kéo dài 4 ngày (14-17/9), hai bên đã ký kết một số thỏa thuận quan trọng trong các lĩnh vực thiết yếu và chiến lược như quốc phòng, hàng không và khai thác dầu khí. Đáng chú ý có hợp đồng giữa công ty dầu khí ONGC Videsh của Ấn Độ với Tập đoàn dầu khí PetroVietnam về việc thăm dò thêm 2 lô dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam.
Thỏa thuận này được đánh giá sẽ củng cố sự hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng và mở đường cho sự hợp tác sâu rộng hơn nữa trong tương lai. Trong chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ lần này, đôi bên cũng nhất trí về quyền tự do hàng hải và đồng ý hợp tác bảo đảm an toàn hàng hải và an ninh cho các tuyến đường biển quốc tế.
Trước khi lên đường rời khỏi Việt Nam, Tổng thống Ấn Độ tuyên bố mức độ hợp tác Việt-Ấn là không có giới hạn.
Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội. Ảnh: PTI - Ấn Độ. |
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh không phản đối các thỏa thuận chính đáng và hợp pháp giữa Việt Nam với một nước thứ ba, nhưng sẽ không ủng hộ các thỏa thuận đó nếu chúng liên quan đến các vùng biển do Trung Quốc quản lý hay các dự án hợp tác không được nhà nước Trung Quốc chấp thuận. Trung Quốc nhấn mạnh đây là quan điểm của Bắc Kinh về thỏa thuận hợp tác dầu khí giữa Việt Nam với bất kỳ nước nào, chứ không riêng gì với Ấn Độ.
Tuy nhiên, theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, sự phản đối của Bắc Kinh không là trở ngại cho thỏa thuận vừa ký giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ.
Giáo sư Carl Thayer nói: "Ấn Độ dốc toàn tâm toàn lực cho thỏa thuận này và sẽ không rút lui vì sức ép của Trung Quốc".
Hồi năm 2011, Bắc Kinh từng tuyên bố rằng các dự án thăm dò dầu khí của công ty ONGC Videsh ngoài khơi Việt Nam là phi pháp và xâm phạm chủ quyền của Bắc Kinh, nhưng công ty Ấn Ðộ đã phớt lờ các khuyến cáo này.
Cũng theo Giáo sư Carl Thayer, "Trung Quốc khó có thể làm gì khác hơn trừ phi họ muốn dùng tới sự đe dọa bằng vũ lực và cố tìm cách quấy nhiễu các hoạt động trong các dự án thăm dò này, điều có thể dẫn tới một cuộc xung đột mới. Chừng nào Bắc Kinh còn duy trì các tuyên bố chủ quyền đối với hơn 90% diện tích Biển Đông thì chừng đó họ phải tiếp tục lên tiếng phản đối các thỏa thuận như thế này”.
Theo vị giáo sư người Australia, im lặng sẽ đồng nghĩa với việc Trung Quốc mặc nhiên chấp nhận. Cho nên, việc phản đối là trò chơi ngoại giao mà Trung Quốc phải duy trì. Trung Quốc phải phản đối bất kỳ động thái nào trong phạm vi đường lưỡi bò 9 đoạn của họ.
Theo nhận định, Trung Quốc khó có hành động gì cụ thể sau thỏa thuận Việt-Ấn lần này vì lần trước, khi công ty ONGC quyết định tiếp tục dự án dầu khí với Việt Nam, Bắc Kinh đã không có biện pháp gì ngoài lời phản đối.
Chuyên gia về Biển Đông này cũng cảnh báo Trung Quốc có thể trở mặt 180 độ và làm gia tăng căng thẳng với Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó cũng không giúp giải quyết vấn đề vì Ấn Độ sẽ vẫn hiện diện trên thực địa ngoài Biển Đông.
Bảo Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét